Chùm ảnh so sánh giữa lễ đăng quang của Nữ vương Elizabeth và Vua Charles
Những bức ảnh về lễ đăng quang của cố Nữ vương Elizabeth sẽ cho chúng ta thấy sự quy mô, hoành tráng và xa hoa của sự kiện này.
Năm 1953, Nữ vương Elizabeth, lúc đó 27 tuổi, được trao vương miện tại Tu viện Westminster. Đó là một sự kiện mang đậm dấu ấn lịch sử, truyền thống. Và rồi lần đầu tiên sau 70 năm, lễ đăng quang của Vua Charles diễn ra và vẫn mang nhiều dư âm của quá khứ. Cùng nhìn vào chùm ảnh dưới đây để biết sự khác biệt giữa lễ đăng quang của Nữ vương Elizabeth và Vua Charles là gì.
Số lượng người tham dự
Tại lễ đăng quang năm 1953, ước tính có khoảng 3 triệu người dân đổ về London để chào mừng sự kiện. Nhiều người đã cắm trại ở trên những con phố tại London để chào đón sự kiện lịch sử này. Theo Royal Collection Trust, hơn 11 triệu thính giả đã theo dõi lễ đăng quang qua đài phát thanh cùng với 27 triệu người đã xem chương trình phát trực tiếp buổi lễ trên TV, tạo nên kỷ lục về số người theo dõi lúc bấy giờ.
Khoảng 8.000 người đã được mời đến tham dự lễ đăng quang năm 1953, trong đó có những nguyên thủ quốc gia của Khối Thịnh vượng chung và các đại diện của 129 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Chia sẻ với iNews vào tháng 6/2022, một phụ nữ Anh đã không giấu nổi sự phấn khích khi hồi tưởng lại thời đăng quang, lúc bấy giờ cô mới 10 tuổi: “Mẹ, dì, chú và chị gái 14 tuổi của tôi đã cố gắng chợp mắt vào đêm đó nhưng thực sự chúng tôi không thể ngủ được. Lúc đó, nếu một nhóm người hát, thì những nhóm xung quanh cũng đồng thanh hát theo”.
Đây cũng là lễ đăng quang đầu tiên trong lịch sử chế độ quân chủ Anh được truyền hình trực tiếp theo đề nghị của Vương tế Philip. Theo tạp chí Smithsonian, ông muốn Vương thất trở nên cởi mở và gần gũi hơn với công chúng, thoát khỏi vỏ bọc kín đáo và truyền thống bấy lâu nay.
Trong khi đó, buổi lễ của Charles có quy mô nhỏ hơn với khoảng hơn 2.000 khách mời. Đặc biệt, các quốc vương từ một số quốc gia khác sẽ tham dự buổi lễ. Telegraph cho rằng, số lượng khách năm nay chỉ rút lại còn hơn 2.000 là để đảm bảo an toàn cho buổi lễ. Ngoài ra, theo nhiều nguồn tin, Vua Charles muốn đa dạng những vị khách mời của mình, ông thậm chí mời các đại diện của tổ chức từ thiện và tình nguyện viên của ông.
Phương tiện chuyên chở
Nữ vương băng qua đám đông trên một chiếc xe ngựa lộng lẫy có tên Gold State Coach. Vào thời điểm đó, chiếc xe đã gần 300 tuổi và chi phí để tân trang lại mất 10.000 bảng (gần 300 triệu VNĐ).
Theo The Yorkshire Post, cố Nữ vương Elizabeth đã mô tả hành trình tới Tu viện Westminster trên chiếc Gold State Coach là một trải nghiệm "khủng khiếp" do chiếc xe không có hệ thống treo (một hệ thống trên ô tô nhằm đảm bảo xe có thể vận hành nhẹ nhàng, êm ái) vốn được thiết kế cho lễ đăng quang của Vua George IV vào năm 1821.
Ngay cả Vua George cũng phải ví von chuyến đi trên xe giống như "ở trên một con tàu đang gặp sóng gió ngoài khơi”.
Khác với lễ đăng quang năm 1953, buổi lễ của Vua Charles sử dụng 2 xe ngựa: Diamond Jubilee State Coach và Gold State Coach để chở Vua Charles và Vương hậu Camilla từ Điện Buckingham đến Tu viện Westminster và ngược lại.
Vai trò của người phối ngẫu
Người duy nhất ngồi trong xe Gold State Coach bên cạnh Nữ vương là chồng bà, Vương tế Philip. Mặc dù đi cùng bà, nhưng Philip không được trao vương miện tại buổi lễ. Bởi truyền thống của Vương thất quy định rằng Vương hậu có thể được trao vương miện cùng với Vua, nhưng phối ngẫu của Nữ vương, tức Vương quân, không được trao vương miện.
Tại buổi lễ, các công tước hoàng gia, đặc biệt là chồng bà, Philip đã quỳ gối trước bà để tỏ lòng thành kính. Được biết, các công tước trên khắp Vương quốc Anh phải tham dự lễ đăng quang và quỳ gối trước tân vương để "tỏ lòng kính trọng" trước khi chạm vào vương miện và hôn lên má phải của quốc vương.
Tại buổi lễ đăng quang của Vua Charles, Vương hậu Camilla đã đi cùng ông đến Tu viện Westminster, nhưng bà có một vai trò còn lớn hơn trong sự kiện vì được trao vương miện cùng với Vua Charles.
Trang phục trong lễ đăng quang
Nữ vương Elizabeth mặc một chiếc váy sa tanh trắng sang trọng, được thiết kế riêng cho bà, có biểu tượng của Vương quốc Anh và Khối Thịnh vượng chung được thêu bằng chỉ vàng và bạc. Sau đó, bà thay một chiếc áo choàng bằng vải lanh cho buổi lễ xức dầu, buổi lễ không được phát sóng trực tiếp vì tính trang nghiêm và linh thiêng.
Trong khi đó, Vua Charles mặc quân phục thay vì lễ phục đăng quang, đây là một phần trong kế hoạch cải cách và hiện đại hoá chế độ quân chủ của Vua Charles.
Dầu xức cho lễ đăng quang
Dầu thánh tại lễ đăng quang của bà được làm từ cam, hoa hồng, quế, xạ hương và long diên hương. Trong đó, long diên hương là một nguyên liệu được lấy từ cá nhà táng.
Ngược lại, dầu thánh xức cho Vua Charles là loại dầu thánh đầu tiên không chứa các nguyên liệu làm từ động vật. Theo BBC, lý do là bởi Vua Charles là người yêu thiên nhiên và bảo vệ môi trường, nên ông phải hành động nhất quán với quan điểm của mình, chính là lựa chọn một công thức dầu thánh “thuần chay”.
Thời lượng lễ đăng quang
Lễ đăng quang của Nữ vương Elizabeth kéo dài 4 giờ đồng hồ do có nhiều nét truyền thống được lưu giữ trong sự kiện này.
Tuy nhiên, Vua Charles đã bỏ qua những truyền thống nhằm mục đích cải tiến và đổi mới nghi lễ. Vì vậy, lễ đăng quang của Vua Charles chỉ kéo dài khoảng 2 tiếng.
Những bữa tiệc và món ăn
Các bữa tiệc đường phố đăng quang được tổ chức trên khắp Vương quốc Anh vào ngày 2 tháng 6 năm 1953. Một trong những món ăn chính được phục vụ tại nhiều bữa tiệc này là "Poulet Reine Elizabeth", còn được gọi là gà đăng quang, theo BBC.
Món ăn được tạo ra bởi người bán hoa Constance Spry và đầu bếp Rosemary Hume cho một cuộc thi. Nguyên liệu cho món ăn có chứa bột cà ri, quả mơ và kem đánh bông.
Ngày 8/5 sẽ là ngày nghỉ ngân hàng ở Anh (bank holiday, một ngày lễ chính thức, vào ngày này các ngân hàng đóng cửa). Điện Buckingham đã khuyến khích công chúng tham gia Bữa ăn lớn (Big Lunch) của Lễ đăng quang vào ngày này.
Một số công thức nấu ăn đã được chia sẻ trên trang web của Chính phủ Vương quốc Anh, bao gồm món bánh xốp dâu tây và gừng, món thịt cừu với nước xốt kiểu châu Á và cà tím.