Temu vào Việt Nam: Từ cơn lốc khuấy đảo người tiêu dùng đến "bay màu" chỉ sau hai tháng

Minh Hà,
Chia sẻ

Hành trình ngắn ngủi của Temu tại thị trường Việt Nam một lần nữa làm nổi bật vai trò của việc giám sát và quản lý các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và sự cạnh tranh công bằng với các doanh nghiệp nội địa.

Temu vào Việt Nam: Từ cơn lốc khuấy đảo người tiêu dùng đến "bay màu" chỉ sau hai tháng - Ảnh 1.

Từ tâm điểm chú ý với chính sách ưu đãi “khủng”

Tháng 10/2024, Temu – nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc – chính thức bước chân vào thị trường Việt Nam. Với chiến lược giá rẻ, khuyến mãi hấp dẫn và giao diện hoàn toàn bằng tiếng Việt, Temu nhanh chóng thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Trong thời gian ngắn, nền tảng này đã trở thành một "cơn sốt" nhờ chính sách giá rẻ, khiến nhiều doanh nghiệp nội địa phải dè chừng.

Điểm nổi bật của Temu so với các sàn thương mại điện tử khác là giá thành thấp nhờ vào mô hình kinh doanh kết nối trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng, loại bỏ các chi phí trung gian.

Áp dụng chính sách chiết khấu ưu đãi chưa từng có, Temu còn tạo mô hình chia hoa hồng nhiều cấp với chương trình tiếp thị liên kết (affiliate marketing), chia lợi nhuận cho người chia sẻ liên kết sử dụng app tới các đối tác khác. Theo chính sách này, người dùng trở thành các cộng tác viên tiếp thị và sẽ nhận được tiền khi có người nhấp vào link, banner giới thiệu với chính sách hoa hồng đã được cam kết.

Temu cũng bắt đầu quảng cáo rầm rộ trên các nền tảng mạng xã hội để tiếp cận người dùng Việt, đặc biệt là Facebook với loạt thông báo "mừng khai trương giảm giá đến 90%" và nhiều ưu đãi khủng như gói giảm giá trị giá 490.000 đồng cho tất cả người dùng Việt...

Hình mẫu mới lạ với ưu đãi cực lớn này đã khiến Temu trở thành một “hiện tượng” được thảo luận sôi nổi trên các diễn đàn mạng xã hội như một cơ hội kiếm tiền dành cho người làm tiếp thị liên kết. Chỉ trong 24 giờ sau khi ra mắt, đã có hơn 10.000 tài khoản affiliate marketing tham gia vào hệ thống của Temu. Rất nhiều người dùng Việt Nam chèn đường link giới thiệu đăng ký affiliate của Temu trên bài viết trên trang cá nhân của mình với hy vọng sẽ kiếm được số tiền lớn.

Temu vào Việt Nam: Từ cơn lốc khuấy đảo người tiêu dùng đến "bay màu" chỉ sau hai tháng - Ảnh 2.

Cho đến sự thất vọng và “vỡ mộng”

Sự bành trướng của Temu khi chưa được cấp phép khiến nhiều người quan ngại về vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cạnh tranh thiếu minh bạch với doanh nghiệp trong nước. Trước tình hình đó, ngành công thương luôn theo sát hoạt động của sàn thương mại điện tử này, đồng thời đánh giá tác động của Temu vào thị trường Việt Nam.

Chỉ một thời gian ngắn trải nghiệm, không ít người thấy thất vọng về giá, chất lượng hàng hóa và thời gian cung cấp dịch vụ của Temu.

Nhiều người tiêu dùng sau khi tham gia sàn Temu đã chia sẻ, giá cả thật của sàn giao dịch không giống như họ quảng cáo, chất lượng sản phẩm gây thất vọng. Hơn nữa, việc đổi trả hàng gặp rất nhiều phiền toái, hình thức thanh toán thiếu linh hoạt.

Về các chính sách chia hoa hồng của Temu như khoản thưởng 10-30% mỗi món hàng bán ra hay tặng 150.000 đồng khi có người cài ứng dụng... cũng không hề dễ dàng như trong tưởng tượng của nhiều người.

Theo đó, người dùng chỉ có thể kiếm tiền hoa hồng 10-30% (dựa trên giá trị đơn hàng từ 1,2 - 2,4 triệu đồng) cho 10 lần mua hàng đầu tiên được thực hiện bởi một người dùng ứng dụng mới (người dùng tải app và đăng ký lần đầu trên ứng dụng Temu) khi họ sử dụng đường link giới thiệu của người làm affiliate trong vòng 30 ngày, kèm thêm một điều kiện, tài khoản đó phải có được trạng thái người dùng ứng dụng mới và duy trì trạng thái này trong thời gian trên. Nếu người dùng ứng dụng mới gỡ cài đặt ứng dụng Temu, họ sẽ bị loại khỏi trạng thái người dùng ứng dụng mới, và người giới thiệu sẽ không nhận được hoa hồng kể từ lúc đó.

Theo Temu, nếu bất kỳ người dùng ứng dụng mới nào không đáp ứng đủ điều kiện mua hàng, tiền thưởng sẽ bị hủy bỏ. Tiền thưởng cũng sẽ bị thu hồi nếu một giao dịch mua đủ điều kiện nhưng bị hủy bỏ, hoàn lại hoặc trả lại, dù một phần hoặc toàn bộ.

Temu vào Việt Nam: Từ cơn lốc khuấy đảo người tiêu dùng đến "bay màu" chỉ sau hai tháng - Ảnh 3.

Temu chính thức tạm dừng hoạt động tại Việt Nam

Theo quy định, các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, hoặc có ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt; hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch từ Việt Nam trong một năm phải thực hiện đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương; phải thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam theo quy định của pháp luật hoặc chỉ định đại diện theo ủy quyền của mình tại Việt Nam.

Ngày 4/12, Temu bất ngờ thông báo tạm dừng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, sau khi làm việc với Bộ Công Thương và được Bộ yêu cầu. Hiện, chưa rõ thời điểm Temu hoạt động trở lại. Theo ghi nhận, Temu hiện đã chuyển hoàn toàn ngôn ngữ giao diện từ tiếng Việt sang tiếng Anh trên cả ứng dụng lẫn website. Người dùng tại Việt Nam chỉ có 3 lựa chọn ngôn ngữ là tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Pháp.

Theo lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, Temu đã gửi hồ sơ đăng ký hoạt động nhưng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Cục đã yêu cầu sàn này khẩn trương hoàn thiện thủ tục pháp lý. Trong thời gian triển khai đăng ký phải thông báo với người tiêu dùng, đồng thời dừng tất cả hoạt động thương mại, quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam để bảo vệ người tiêu dùng.

Đến hết ngày 30/11, nếu chưa hoàn thành thủ tục đăng ký tại Việt Nam thì sàn Temu phải dừng hoạt động. Tuy nhiên, đến nay đơn vị này vẫn chưa hoàn tất các thủ tục cần thiết. Vì thế, mới đây, Bộ Công Thương đã yêu cầu Temu tạm dừng cho đến khi hoàn tất thủ tục đăng ký.

Theo đó, chỉ khi nào Temu hoàn tất thủ tục đăng ký cấp phép với Bộ Công thương, phía hải quan mới tiến hành các thủ tục tiếp theo đối với hàng hóa được giao dịch qua sàn này.

Nhiều người tiêu dùng sử dụng Temu tại Việt Nam lo lắng và hoang mang về vấn đề chậm trễ đơn hàng và hoàn tiền khi sàn thương mại điện tử này ngừng hoạt động tại Việt Nam. Bởi không giống những sàn thương mại phổ biến khác đang hoạt động tại Việt Nam, Temu yêu cầu người tiêu dùng phải thanh toán ngay khi mua hàng, có nghĩa là trả tiền trước khi được nhận hàng.

Đại diện Cục Thương mại điện tử và kinh tế số trấn an người tiêu dùng không cần hoang mang quá nếu đã đặt hàng ở Temu trước đó, bởi nếu quá thời hạn mà chưa giao hàng, sàn Temu phải có nghĩa vụ chuyển trả lại tiền cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty luật Minh Bạch - Đoàn luật sư TP Hà Nội, đối với sàn Temu, người dùng khi mua hàng phải thanh toán ngay bằng thẻ thanh toán quốc tế. Như vậy, nếu Temu thực sự ngừng kinh doanh tại Việt Nam, nguy cơ người mua mất hàng và mất tiền là rất lớn. Khả năng đòi lại được từ sàn này cũng không cao.

Về mặt lý thuyết, người tiêu dùng hoàn toàn có thể khiếu nại, khởi kiện để đòi lại số tiền đã thanh toán hoặc hàng hóa như đơn mua. Tuy nhiên, trên thực tế việc này hầu như không thể thực hiện bởi sàn Temu nằm ở nước ngoài, hành vi thương mại này là nằm ở nước ngoài nên không thuộc sự kiểm soát của pháp luật Việt Nam, mặc dù Việt Nam có đầy đủ luật để bảo vệ người tiêu dùng.

Không chỉ có Temu, thời gian qua, Trung Quốc gia tăng xuất khẩu qua biên giới bằng nền tảng số và TMĐT trong đó có Tiktok shop, Shopee, Lazada… doanh nghiệp Trung Quốc lập các kho hàng ở khu vực biên giới hoặc có kho hàng ngay tại Việt Nam.

Nhiều chuyên gia đánh giá, với sự xuất hiện của các nền tảng TMĐT như Temu, Taobao và 1688… việc hàng hóa Trung Quốc giá rẻ thâm nhập vào thị trường Việt Nam đang trở thành một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp trong mọi ngành hàng.

Khảo sát năm 2023 của Cục TMĐT và Kinh tế số cho thấy, có 28% người tiêu dùng Việt Nam mua hàng qua các website TMĐT nước ngoài, lý do 59% cho rằng giá rẻ hơn. Ước tính giá trị mua hàng hóa/dịch vụ qua mạng từ thương nhân nước nhân ngoài trong năm 2023 chủ yếu là đơn hàng dưới 5 triệu đồng, chiếm hơn 50%.

Trước tình hình trên, các đại biểu Quốc hội, và chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, cơ quan quản lý cần lập tức cần hành động. Dù khó có thể có các hành động cứng nhắc như cấm các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, tuy vậy nhiều đại biểu đề xuất Chính phủ cần rà soát hoạt động này để có biện pháp về thuế, quy tắc xuất xứ, xuất nhập khẩu để đảm bảo thương mại công bằng, cũng là nền tảng pháp lý dành cho các sàn thương mại điện tử tiến vào thị trường nước ta sau này.

Chia sẻ