"Tây" nói tiếng Việt lóng ngóng thì khen dễ thương, người Việt nói tiếng Anh "không chuẩn như bản ngữ" thì thấy phèn"?

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Làm ơn bớt "sính ngoại"!

Trong thời đại toàn cầu hóa, tiếng Anh đã trở thành công cụ giao tiếp quan trọng. Tuy nhiên, một nghịch lý đáng buồn đang tồn tại trong xã hội Việt Nam: Nhiều người trẻ quá chú trọng vào việc nói tiếng Anh "chuẩn bản ngữ" đến mức trở nên khắt khe và thiếu công bằng khi đánh giá khả năng ngoại ngữ của người khác.

Những ngày gần đây, nhiều người nổi tiếng, thậm chí lãnh đạo bỗng trở thành đối tượng bị "giám khảo online" mổ xẻ khả năng tiếng Anh. Điều đáng nói là những người chỉ trích thường là các bạn trẻ - thế hệ được tiếp cận với tiếng Anh bài bản hơn. Những ca sĩ có trình độ tiếng Anh ở mức cao, ví dụ như tlinh - người có chứng chỉ IELTS 8.0 - cũng không thoát khỏi sự đánh giá của dân mạng.

"Tây" nói tiếng Việt lóng ngóng thì khen dễ thương, người Việt nói tiếng Anh "không chuẩn như bản ngữ" thì thấy phèn"?- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Ám ảnh "chuẩn bản ngữ" và định kiến ngôn ngữ trong cộng đồng Việt trẻ

Trên mạng xã hội, khi nói về hiện tượng này, một thầy giáo nhận xét thẳng thắn: "Tây" nói tiếng Việt lóng ngóng thì khen "dễ thương gì đâu", người Việt nói tiếng Anh "không chuẩn như bản ngữ" thì thấy phèn, thấy nhục?".

Câu hỏi này như một cú đánh vào "tim đen" của nhiều người: Tại sao chúng ta lại có thể dễ dàng xuýt xoa một người nước ngoài chỉ biết nói vài câu "Xin chào" bằng tiếng Việt, nhưng lại nỡ phán xét chính những người trên đất nước mình chỉ vì một accent không giống trên phim Hollywood? Sự khác biệt trong cách đánh giá này phản ánh một tâm lý sùng ngoại, tự ti về bản sắc và áp đặt tiêu chuẩn kép trong giao tiếp liên văn hóa của không ít người Việt trẻ.

Tiếng Anh là công cụ giao tiếp, không phải vật trang sức. Trên thực tế: Trong các cuộc họp quốc tế, người ta quan tâm đến nội dung hơn là accent; nhiều nhà khoa học, doanh nhân thành công với thứ tiếng Anh đậm chất dân tộc; các trường đại học hàng đầu thế giới chấp nhận đa dạng accent tiếng Anh.

Có hàng trăm accent tiếng Anh khác nhau được sử dụng chính thức trên toàn cầu. Người Texas (Mỹ) nói khác người London (Anh), người Sydney (Úc) lại có cách phát âm khác biệt với người Toronto (Canada). Vậy accent nào mới thực sự là "chuẩn"?

Cần nhớ: Nội dung, sự rõ ràng, và giá trị chuyên môn mới là điều được tôn trọng. Bản chất thực sự của ngôn ngữ là công cụ để sáng tạo, làm việc và cống hiến, không phải vật trang sức để khoe mẽ.

Chính nỗi sợ "phèn", sợ sai mà nhiều người học tiếng Anh không phải vì muốn kết nối. Có bạn chia sẻ rằng mỗi lần nói tiếng Anh là lại run, không dám mở miệng vì sợ phát âm sai, bị cười. Và cũng không ít phụ huynh đặt áp lực nặng nề lên con: Phải nói giọng "Tây" thì mới là giỏi.

Căn bệnh này không chỉ khiến nhiều người mất đi sự tự tin, mà còn khiến xã hội trở nên kém bao dung hơn. Khi chúng ta cứ nhìn chằm chằm vào lỗi sai ngữ điệu, chúng ta đang đánh mất đi sự tử tế và mục tiêu lớn nhất của ngôn ngữ: Giao tiếp để kết nối con người với nhau.

Chúng ta quên rằng, khi trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển, việc hiểu và dịch ngôn ngữ theo thời gian thực không còn xa vời. Giống như "bánh mì chuyển ngữ" trong truyện Doraemon, tương lai không xa, bạn có thể nói tiếng Việt và AI sẽ dịch lại trơn tru sang tiếng Anh, Nhật, Hàn…

Lúc đó, cái mà người ta cần ở bạn không phải là accent hay độ "chuẩn bản xứ", mà là nội dung, giá trị chuyên môn, và cách bạn giải quyết vấn đề. Nói cách khác: Nói hay để làm gì, nếu bạn không nói được điều gì đáng nghe?

Như một thầy giáo nhận định: "Tiếng Anh là công cụ tốt nhưng công cụ chỉ phát huy sức mạnh khi đặt vào tay người thợ giỏi, có chuyên môn, đừng thần thánh công cụ quá. Cái cưa, cái đục trong tay nghệ nhân thì nó tạo ra tác phẩm nghệ thuật, còn vứt cho bạn cái cưa, cái đục có khi lại đứt chân, đứt tay".

Tiếng Anh là công cụ mạnh mẽ. Nhưng công cụ chỉ phát huy sức mạnh khi được dùng đúng cách – với mục tiêu kết nối, học hỏi và phát triển bản thân. Đừng để những định kiến, áp đặt từ xã hội biến tiếng Anh thành một bức tường chia cách bạn với thế giới, hay giữa người với người.

Và nếu bạn nghe ai đó nói tiếng Anh chưa "chuẩn", xin hãy nhớ: Họ đang cố gắng mở ra một cánh cửa – hãy giúp họ mở rộng nó, thay vì đóng sập lại chỉ vì một cái accent khác bạn.

Chia sẻ