Tanzania: Tính mạng trẻ em mắc bệnh bạch tạng bị đe dọa vì sự cuồng tín
Nhiều cha mẹ có con bị bệnh bạch tạng tại Tanzania đang gấp rút tìm một nơi an toàn cho con vì lo ngại những cuộc tấn công chết người.
Hai tháng gần đây, tại Tanzania xảy ra hai vụ sát hại trẻ em bị bạch tạng. Các nhà chức trách đã cáo buộc những thầy cúng, “thầy phù thủy” tại quốc gia này kích động gây ra những vụ tấn công. Tại Tanzania, vẫn có những người mê tín, cho rằng nội tạng của trẻ bị bệnh bạch tạng có thể chế ra liều thuốc phép thuật mang lại sắc đẹp, may mắn và giàu có.
Chính phủ Tanzania đã nghiêm cấm các thầy cúng tung tin đồn mê tín cũng như “chế thuốc” từ nội tạng người. Tuy nhiên, điều luật răn đe chưa đủ mạnh cũng như sự mê tín quá đà khiến tính mạng những trẻ em bị bạch tạng gặp nguy hiểm.
Chỉ trong vòng hai tháng gần đây, đã có hai trẻ em bị mất tích. Em bé Yohana Bahati (1 tuổi) đã được tìm thấy vài ngày sau khi bị nhóm vũ trang bắt cóc tại nhà ở Geita, tây bắc Tanzania. Tay chân em đã bị cắt đứt. Một bé gái 4 tuổi khác bị bắt cóc trong tháng này vẫn chưa tìm ra tung tích.
Những đứa trẻ bạch tạng tại Tanzania đang gặp nguy hiểm do suy nghĩ mê tín tại nước này.
Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, tính từ năm 2000, tại Tanzania đã có 75 trẻ bạch tạng bị sát hại. Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền, Ông Zeid Ra’ad Al Hussein đã kêu gọi người dân Tanzania nên có biện pháp bảo vệ chặt các trẻ em bị bạch tạng, đặc biệt là trước cuộc bầu cử vào cuối năm. Ông nhận định, có nhiều chính trị gia sẵn sàng tin vào mê tin dị đoan, dùng các phương pháp dã man để cải thiện cơ hội chiến thắng của họ.
Trong khi đó, tại Trung tâm Buhangija, phía bắc Shinyanga, số trẻ em bạch tạng được gửi bảo vệ đã lên đến 218 em, tăng gấp đôi so với tháng trước.
Các Trung tâm dân số của Chính phủ cũng báo cáo về số lượng tăng đột biến các trẻ bạch tạng. Bố mẹ các em muốn đảm bảo an toàn cho con cái mình. Các bậc phụ huynh nghĩ rằng, con cái họ sẽ an toàn hơn khi ở một trung tâm bảo trợ của Chính phủ hơn ở nhà.
Tại các trung tâm bảo trợ như trường học, trại giáo dưỡng, an ninh cũng được thắt chặt. Lực lượng cảnh sát và bảo vệ được tăng cường nhằm đảm bảo an toàn cho các em học sinh.
Một cuộc khảo sát do Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) vào năm 2010 cho thấy: Người dân Tanzania hầu hết theo đạo Kito hoặc đạo Hồi. Tuy nhiên, 60% người dân vẫn tin rằng, các thầy phù thủy có thể làm phép thuật.
Các thầy phù thủy sẽ trả 75.000 USD cho một tập hợp đầy đủ bộ phận cơ thể của một trẻ bạch tạng, số liệu theo báo cáo của Hội Chữ thập đỏ.
Beatrice Lema (16 tuổi) bị bạch tạng, đã được bố mẹ đưa đến trung tâm Buhangija một tuần trước. Cô bé cảm thấy an toàn hơn khi ở nhà.
“Cháu muốn sống an toàn. Cháu có nhiều bạn bè đến thăm. Cháu tin là không ai có thể hại cháu ở đây.”
Mới chỉ có năm vụ khởi tố về hành vi sát hại trẻ bạch tạng ở Tanzania. Cộng đồng người bạch tạng tại Tanzania đang lên kế hoạch biểu tình ngày 3/3 bên ngoài tòa nhà Chính phủ nước này, nhằm yêu cầu một biện pháp mạnh mẽ hơn để bảo vệ cuộc sống của những người bạch tạng.
Bạch tạng là một chứng bệnh bẩm sinh. Trên thế giới, cứ 20.000 người thì có một trường hợp bạch tạng. Tại Tanzania, tỉ lệ xuất hiện cao hơn rất nhiều, cứ 1.400 người sẽ có 1 người mắc bệnh này.
Theo Reuters