Tăng chiều cao bằng phẫu thuật
Với những người bị dị tật, hoặc không cải thiện được chiều cao cơ thể như bình thường nhờ chế độ dinh dưỡng và tập luyện, thì phẫu thuật kéo dài tay, chân là một lựa chọn.
Vào những năm 1960, bác sĩ Ilizarov (Nga) đã có phát hiện quan trọng: nếu kéo hai đầu xương gãy xa nhau từ từ thì can xương sẽ bắc cầu dần theo đoạn kéo xa nhau đó. Từ phát hiện này, bác sĩ Ilizarov tiếp tục nghiên cứu, phát triển và xây dựng phương pháp ngoại khoa mới mẻ nói trên thành một chuyên khoa, ông trở thành người đầu tiên trên thế giới biết kéo dài xương cho chân, tay dài ra.
Ảnh minh họa
Phương pháp này được thực hiện theo nguyên lý: Xương ở phần tay hoặc chân cần kéo dài được cắt rời bằng thiết bị y khoa chuyên dụng, sau đó cố định bằng khung kim loại có các đinh liên kết xương rời với nhau.
Sau khoảng 1 tuần, khi cơ thể đã "quen" với khung kim loại này thì các bác sĩ sẽ chỉ định vặn các đai ốc để bắt đầu quá trình kéo rời các vết cắt xương với khoảng cách từ 0,75 mm - 1 mm, chia làm 3 - 4 lần mỗi ngày.
Trong quá trình kéo đó, sẽ có các mô sợi mọc dần, nối hai đầu xương. Một thời gian sau, mô sợi chuyển sang mô sụn và cuối cùng thành mô xương. Khi mô xương nối liền khoảng cách hai đầu xương và ống tủy mới được hình thành đi thông qua đó thì có thể tháo khung kim loại để bệnh nhân tập đi, kết hợp tập phục hồi chức năng.
Tại Việt Nam, năm 1988, tiến sĩ - bác sĩ Lê Đức Tố (hiện là Giám đốc Bệnh viện Ngoại khoa và Chấn thương chỉnh hình Sto Phương Đông - TP.HCM) cùng các cộng sự của ông lần đầu tiên áp dụng thành công phương pháp này để tăng chiều cao cho một cô gái 18 tuổi từ 1,48m lên 1,58m, trong thời gian 18 tháng.
Hiện nay, có thêm một số nơi áp dụng phương pháp này để cải thiện chiều cao cho các bệnh nhân, nhưng chưa phổ biến do nhiều nguyên nhân, như: chi phí cho phẫu thuật còn cao, thời gian điều trị quá dài khiến nhiều bệnh nhân khó có điều kiện hợp tác điều trị. Ông Lê Đức Tố cho biết: "Khó khăn lớn nhất trong phẫu thuật này là vấn đề thời gian.
Theo tính toán của chúng tôi, để kéo dài 1 cm xương cần thời gian như sau: từ 9 - 17 tuổi cần 50 ngày, từ 18 - 25 tuổi cần 60 ngày, từ 26 - 30 tuổi cần 70 ngày. Như vậy, để kéo dài chi thêm 10 cm cho một bệnh nhân ở tuổi từ 18 - 25 phải cần đến 600 ngày".
Cũng theo ông Tố, chi phí cho các trường hợp phẫu thuật kéo dài chi cho trẻ ngắn một chân hoặc tay do bệnh lý (nguyên nhân do di chứng chấn thương hay bại liệt) vào khoảng từ 15 - 20 triệu đồng/ca; trường hợp phẫu thuật kéo dài hai chân nhằm cải thiện chiều cao bị hạn chế (thông thường người từ 18 tuổi trở lên mới có nhu cầu này) chi phí dao động từ 50 - 70 triệu đồng/ca.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ các chế độ tập luyện phục hồi chức năng đi kèm chế độ dinh dưỡng phù hợp do bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn mới có kết quả tốt nhất.
Mặc dù còn tồn tại các khó khăn như trên, nhưng kể từ khi ra đời đến nay, giải pháp này đã giải quyết khá căn cơ các dị tật về ngắn một hoặc hai tay, chân cho các trẻ kém may mắn dưới góc độ nhân đạo, đồng thời đáp ứng nhu cầu về thẩm mỹ đối với những người muốn cải thiện chiều cao.
Theo Bùi Chiến
Thanh niên