Tan trường mầm non, trẻ chấn thương đầu
Chiều 28-10, bé Nguyễn Đồng Phú Quý (31 tháng tuổi) vẫn đang được điều trị tại khoa ngoại thần kinh Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, huyện Củ Chi, TP.HCM. Bác sĩ bệnh viện chẩn đoán Phú Quý bị “chấn thương đầu”.
Chị Đồng Thị Hồng Đan và bé Nguyễn Đồng Phú Quý tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP.HCM) chiều 27-10 - Ảnh: Hà Bình
Tại bệnh viện, mẹ của bé là chị Đồng Thị Hồng Đan kể với phóng viên Tuổi Trẻ : sáng 24-10, chị đưa bé đến học buổi đầu tiên tại Trường mầm non tư thục ABC (thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi).
U đầu, bầm má...
Đến khoảng 11g chị Đan đến đón con về thì bé khóc. Ban đầu, chị tưởng ngày đầu đi học bé chưa quen. Nhưng khi về nhà, giở mũ con đội, chị thấy con bị u một cục trên đầu và bên má trái có một vết bầm. Chị liền gọi điện thoại cho cô giáo, hỏi xem con có bị té ngã ở trường hay không, để biết đưa con đi bệnh viện. Cô giáo liền khẳng định: “Bé không té đâu mẹ ơi”.
Chiều hôm đó, chị Đan thấy bé lừ đừ, tối lên cơn sốt, nôn ói, nói sảng. Sáng hôm sau, chị cho bé Phú Quý nhập viện.
“Sau khi chụp CT, bác sĩ nói con tôi bị nứt xương sọ ở vùng trán. Bác sĩ hỏi con tôi té từ độ cao bao nhiêu, bị té sao không đưa con vào bệnh viện ngay. Tôi không biết trả lời sao với bác sĩ nữa” - chị Đan kể.
Cũng theo chị Đan, sau đó chị có liên lạc với cô giáo để hỏi lại thì cô giáo thừa nhận “chỉ lau nhà và đụng cây lau nhà vào bé”. Giấy xác nhận bệnh nhân đang nằm viện của Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á ngày 27-10 cấp cho chị Đan ghi: “Chẩn đoán hiện tại: chấn thương đầu/theo dõi nứt sọ (P)”.
Phiếu cấp thuốc của bệnh viện cũng chẩn đoán bệnh nhân Phú Quý “nứt sọ trán phải”. Ngày 28-10, theo lời chị Đan, y tá của khoa thu lại giấy nói trên, và cấp cho chị Đan giấy tương tự nhưng với nội dung: “Chẩn đoán hiện tại: chấn thương đầu/theo dõi mạch máu thấu quang vùng sọ trán phải chẩn đoán phân biệt: nứt sọ phải”.
Trường nhận sơ sót
Túc trực tại bệnh viện, cô Kiều Ngọc Chinh - hiệu trưởng Trường mầm non tư thục ABC - cho biết sau khi sự việc nói trên xảy ra, Phòng GD-ĐT huyện Củ Chi có yêu cầu trường làm tường trình. Cô Chinh đã triệu tập ba giáo viên của lớp bé Phú Quý đến làm việc. Cả ba cô giáo đều khẳng định: bé không bị té ngã ở đâu.
“Chỉ có một cô nói lúc cô lau nhà, bé Quý đứng phía sau. Cô vô ý đụng cây lau nhà vào bé, nhưng không biết trúng chỗ nào. Bé cũng khóc, nhưng kiểm tra không thấy gì” - cô Chinh kể lại sự việc.
Cô Chinh cũng thừa nhận nhà trường sơ sót khi không làm việc với cô giáo ngay, để thông báo cho phụ huynh bé bị cây lau nhà đụng phải.
“Đây là sự việc không mong muốn xảy ra. Chúng tôi hiểu nỗi đau của phụ huynh, nên sẽ làm mọi việc sáng tỏ. Tôi nói phụ huynh cứ yên tâm điều trị cho con. Mọi viện phí nhà trường sẽ lo hết” - cô Chinh nói thêm.
Theo cô Chinh, lớp của Phú Quý có 25 bé do ba cô giáo (một cô 38 tuổi, một khoảng 30 tuổi và một 23 tuổi) chăm. Nghiệp vụ của ba cô giáo là trung cấp mầm non.
Phải theo dõi thêm Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ chiều cùng ngày, bác sĩ Đinh Văn Cội - trưởng khoa ngoại thần kinh Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á - cho biết bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Đồng Phú Quý lúc 7g55 ngày 25-10. Bác sĩ trực cấp cứu chẩn đoán bệnh nhân chấn thương đầu. Dấu hiệu lâm sàng ghi nhận của bác sĩ cấp cứu là đau đầu, nôn ói, chỉ định cho chụp CT scan não. Kết quả của CT: “Không thấy tổn thương não khu trú rõ rệt trên CT hiện tại. Không thấy xuất huyết não màng não hay nhồi máu não ở trên CT hiện tại. Không thấy khối choán chỗ bất thường nội sọ. Sưng phần mềm vùng trán. Không thấy tổn thương các xương, xoang cạnh. Theo dõi mạch máu thấu quang xuyên sọ vùng trán phải. Chẩn đoán phân biệt nứt sọ vùng trán phải. Đề nghị lâm sàng theo dõi, nếu có dấu hiệu bất thường chụp MS CT 160 sọ não để xác định”. Ngoài ra, bác sĩ Cội cho biết các bác sĩ khoa ngoại thần kinh thăm khám bé Phú Quý thấy bé vẫn tỉnh táo, chơi bình thường, không có dấu hiệu thần kinh khu trú, nhưng bé có ho, sốt nhẹ. Sau khi xét nghiệm máu, các bác sĩ thấy bạch cầu tăng nên không loại trừ bé bị viêm phế quản, rối loạn tiêu hóa... cần mời bác sĩ nhi khám chuyên khoa thêm. |