Tần suất không khí lạnh dày hơn vào dịp cận Tết Nguyên đán
Nhiều đợt không khí lạnh có thể ảnh hưởng đến thời tiết nước ta khiến nền nhiệt giảm sâu, trời rét những ngày cận Tết Giáp Thìn.
Nhiều đợt không khí lạnh dịp cận Tết
Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa cả nước sẽ bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Đây là đợt nghỉ lễ dài nhất trong năm được rất nhiều người mong đợi. Năm nay, người lao động sẽ được nghỉ Tết tối đa 7 ngày (Từ thứ Năm ngày 8/2/2024 Dương lịch (tức ngày 29 tháng Chạp năm Quý Mão) đến hết thứ Tư ngày 14/2/2024 Dương lịch (tức ngày mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn).
Tuy nhiên những ngày qua thời tiết tại các tỉnh Bắc Bộ không quá thuận lợi khi liên tục có mưa nhỏ, mưa phùn kéo dài. Tuy nền nhiệt không giảm sâu nhưng đợt mưa kéo dài đã ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như sức khoẻ của người dân. Vậy tình hình thời tiết trên cả nước từ nay đến Tết Nguyên đán như thế nào?
Nhận định về thời tiết từ nay tới Tết Nguyên đán, ông Vũ Anh Tuấn - Phó trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, đây là khoảng thời gian nằm trong thời kỳ chính Đông nên sẽ xuất hiện các đợt không khí lạnh.
Đặc biệt về đợt không khí lạnh gây ra mưa nhỏ mưa phùn kéo dài tại các tỉnh Bắc Bộ vừa qua, chuyên gia khí tượng cho biết, đây là một đợt không khí lạnh yếu di chuyển lệch Đông nhưng kết hợp với dòng siết gió tây trên cao hạ thấp đã gây mưa và mưa nhỏ trên khu vực Bắc Bộ và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An.
Do tác động của không khí lạnh yếu nên nhiệt độ ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ giảm không nhiều. Thấp nhất trên khu vực đồng bằng trung du Bắc Bộ và khu vực Hà Nội có nhiệt độ khoảng 16-18 độ C.
Khu vực vùng núi giảm xuống thấp nhất từ 14-16 độ C, một số nơi xuống dưới 12 độ C. Nhiệt độ ở khu vực Thanh Hóa – Nghệ An không giảm nhiều.
Tuy nhiên, từ ngày 14/11, không khí lạnh bắt đầu suy yếu và lệch sang phía Đông, từ thời điểm này trở đi nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ trở lại trong những ngày tiếp theo. Mưa nhỏ, mưa phùn, nồm ẩm sẽ giảm bớt.
Đến khoảng ngày 19-21/1, có khả năng một đợt không khí lạnh mới sẽ tăng cường xuống nước ta. Đợt không khí lạnh này được nhận định có cường độ từ trung bình đến mạnh, khiến nền nhiệt miền Bắc giảm sâu, trời chuyển rét kéo dài. Tuy nhiên, đợt không khí lạnh này mang tính chất khô hơn là ẩm, tuy vẫn gây mưa nhưng nhiệt độ giảm chuyển trạng thái rét.
"Từ giờ cho đến hết tháng và tới Tết Âm lịch là khoảng thời gian chu kỳ chính Đông nên sẽ xuất hiện các đợt không khí lạnh với tần suất dày hơn so với thời điểm khác trong năm. Vào thời kỳ cuối tháng 1 cho đến đầu tháng 2 cũng có thể xuất hiện mưa nhỏ lặp lại ở trên khu vực Bắc Bộ", ông Vũ Anh Tuấn nhận định thêm.
Miền Bắc chấm dứt mưa rét
Theo nhận định từ cơ quan khí tượng, từ 15/1, nền nhiệt miền Bắc tăng khoảng 2-3 độ C, trời chỉ còn rét vào đêm và sáng. Tuy nhiên, trong thời gian từ 14-17/1, miền Bắc vẫn tiếp tục có mưa rào rải rác cục bộ. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Từ ngày 18-19/1 có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, trưa chiều trời nắng.
Khu vực Hà Nội: Từ ngày 14-15/1 có mưa rải rác. Ngày 14/1 trời rét, ngày 15/1 sáng sớm và đêm trời rét. Từ ngày 18-19/1 có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, trưa chiều trời nắng.
Khu vực Trung Bộ: Từ ngày 13-17/1 phía Bắc (Thanh Hóa và Nghệ An) có mưa, riêng ngày 13/1 có mưa, mưa rào; phía Nam có mưa vài nơi, trưa chiều trời nắng. Phía Bắc sáng sớm và đêm trời lạnh.
Từ ngày 18-19/1 có mưa vài nơi, phía Bắc sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, trưa chiều trời nắng.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ: Từ ngày 13-19/1 có mưa rào và dông vài nơi, ngày trời nắng. Mực nước trên các sông ở khu vực Tây Nguyên có dao động. Mực nước trên các sông ở khu vực Nam Bộ dao động theo thủy triều.