Lối thoát nào cho thân phận con nhà nghèo?

Nguyên Vũ,
Chia sẻ

Từ khi mở mắt chào đời đến năm 25 tuổi, tôi không thấy ba tôi không làm nghề gì khác, ngoài cái việc đi làm thuê cho người khác.

Đây là lần thứ 3, tôi bước đến con sông Sài Gòn rồi lại ngược trở về. Cái ý nghĩ tự tử bỗng vơi dần, rồi tan biến khi tôi đến nơi này, mặc dù lúc ở nhà, tôi chán đời thật sự và cũng đã quyết tâm giải thoát đời mình.

Tôi hèn nhát, tôi sợ chết hay luyến tiếc cuộc đời này? Chính bản thân tôi cũng chẳng biết nữa, tôi chỉ thấy do dự giữa dòng suy nghĩ, sống và chết. Phải chăng, lúc người ta tiếp cận gần cái chết, thì bản năng sinh tồn trỗi dậy? Hay cái số phận của tôi chưa đến hồi kết?



Gia đình tôi nghèo, nghèo đến chẳng có một cái gì có giá trị cả. Từ khi mở mắt chào đời đến năm 25 tuổi, tôi không thấy ba tôi không làm nghề gì khác, ngoài cái việc đi làm thuê cho người khác. Ba làm đủ việc, ai thuê gì làm nấy, từ làm nương, đào giếng, đốn củi, khuân vát, thợ hồ,… Tôi không hiểu với một cơ thể nặng chưa đến 50 kg, ba tôi sẽ không đủ sức mà “cày” nhiều thế nhưng vì nghèo nên vẫn phải cố. Còn mẹ, tần tảo, cơ cực nơi nương rẫy. Mỗi sáng thức dậy, 4 anh em tôi đã thấy mẹ chuẩn bị lên nương, đến khi mặt trời lặn sau dãy núi, mẹ mới lũi thủi vác cuốc trở về nhà. Nương rẫy xa, mẹ phải đi sớm và về muộn. 4 anh em tôi lớn lên từ những hạt cơm đẫm mồ hôi của cha, những nhọc nhằn ruộng nương của mẹ.

Nhiều lúc tôi tự hỏi, sao ba mẹ lại sinh ra đến 4 anh em chúng tôi làm gì. Giá như họ chỉ sinh 1 người trong anh em chúng tôi thôi, thì giờ bản thân họ đỡ vất vả biết dường nào. Nhưng cuộc đời thì không có chữ giá như… Để rồi, 4 anh em tôi phải vào đời bằng nhiều ngã rẽ khác nhau. Là người anh cả trong nhà, nên anh tôi phải nghỉ học nửa chừng và tiếp bước cha tôi, làm thuê cho thiên hạ. Hai đứa em gái tôi thì mỗi đứa khổ một kiểu. Đứa em kế tôi thì ra chợ bán từng con cá, mớ rau. Mà cái tính nó hiền quá, cứ bị mấy bà ở chợ hà hiếp, chả biết nó buôn bán gì nhưng hễ cứ khi về đến nhà, là nó khóc. Nó khóc không phải vì lỗ vốn hay bị đánh, mà nó khóc vì ngày nào cũng phải căng mình ra để tồn tại nơi cái chợ phiền nhiễu này.

Đứa em gái út thì đi ở cho người ta, người ta hay gọi là Osin. Chỉ có tôi, cuộc đời có phần “tươi sáng” hơn trong hoàn cảnh cái nghèo tối tăm bao quây gia đình tôi. Tôi không biết là mình thông minh, sáng dạ hay vì thương ba mẹ, thương anh cả và hai đứa em vất vả mưu sinh, mà tôi cứ miệt mài, leo hết những nấc thang của con đường học vấn. Cái ngày tôi đậu Đại học là một sự kiện “rung động” cái làng quê nghèo này.

Đối với những gia đình ở thành thị, hay nhà có điều kiện, thì con cháu đậu đại học là một tin vui. Còn với gia đình tôi,  nó lại là một tin đại hỷ lẫn đại sầu, vì sau niềm vui nhanh chóng đi qua là nỗi lo chất chồng khi cả nhả phải oằn mình nuôi tôi ăn học ở thành phố.


Khác với những gì trước đó tôi đã đọc ở trên báo, xem ti vi, nghe đài nói là thời sinh viên là quãng thời gian nhiều niềm vui, kỉ niệm, khó quên của những ông cử bà cử tương lai. Ngược lại, tôi thì khác. Suốt 4 năm học ở Sài Gòn, nhận thức mình là con nhà nghèo, tôi không cho phép mình một giây phút nào được “hưởng thụ” cái mơ mộng thời sinh viên. Cứ rảnh lúc nào là tôi lại sạo sục đi làm thêm. Nếu ở quê, ba và anh trai tôi đi vất vả làm thuê như thế nào, thì ở chốn phồn hoa đô thị Sài Gòn, tôi cũng gian nan như thế.

Tôi làm đủ việc để tồn tại, để có tiền theo hết 4 năm Đại học. Những công việc nào bạn bè tôi chê, không thèm làm, thì tôi lao vào. Vì tôi thấy những việc bị người khác chê, mình sẽ dễ được nhận vào làm. Tôi đi rửa chén cho nhà hàng, phục vụ quán nhậu, phụ in lụa trong xưởng in, phát tờ rơi, giữ xe và cả phụ hồ. Tôi không quản sự vất vả của công việc, mà lại khá mệt mỏi khi cứ giấu đi cái thân phận thật của mình (sinh viên), để người ta khỏi thắc mắc hoặc nhìn mình bằng ánh mắt thương cảm, ban ơn một cách tội nghiệp đầy thương hại…

Cuộc sống, nhiều lúc việc này là bình thường, hiển nhiên ở người khác, nhưng lại là cái gì đó lớn lao, xa vời với người kia. Tôi không dám yêu, vì tôi sợ lắm khi nghĩ đến cảnh cùng người yêu đi ăn uống, đi xem ca nhạc, đi mua thứ này thứ kia, dù số tiền không phải là to tát gì, nhưng với con nhà nghèo, nó lớn lắm, nặng lắm. Nó là mồ hôi của cha, mà nước mắt của mẹ, là những lần lủi thủi nơi sau bếp rửa từng cái chén, đôi đũa của tôi.

Một bài báo của tôi được đăng, với bạn bè tôi, tiền nhuận bút chỉ đủ tụi nó khao một chầu ăn uống rôm rả, hoặc sắm cái điện thoại di động lấy hên. Nhưng với tôi, số tiền đó giải quyết biết bao nỗi lo lắng. Nó sẽ dành đóng học phí, trả tiền nhà trọ hay tiền cơm tháng. Con nhà nghèo thường lo lắng không yên khi nhận lời mời đến dự  sinh nhật của một thành viên trong lớp. Con nhà nghèo đôi lần “thót tim” vì một đứa bạn nào đó hứng chí lên vận động mọi người quyên góp tiền ủng hộ trận thiên tai ở một đất nước cách chúng ta nửa vòng trái đất. Con nhà nghèo rất sợ khi chiếc xe đạp hàng ngày mình đi bỗng tự dưng dở chứng. Con nhà nghèo rất sợ mỗi khi trái nắng trở trời bị ngã bệnh. Con nhà nghèo sợ đủ thứ, toàn những thứ ngoài vòng kiểm soát…

Vượt qua hết những lo toan muôn thuở mà con nhà nghèo gặp phải, cuối cùng tôi cũng có được tấm bằng cử nhân. Sau 6 năm tồn tại vất vưởng nơi Sài Gòn, nhìn lại mình, tôi tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Nhìn cảnh nhà mình, ai ở đâu, vẫn yên vị chỗ đó. Ba làm thuê vẫn làm thuê, dù đã sang tuổi 60, cái tuổi mà con người ta đã bước vào quãng đời hưu trí, an dưỡng. Anh tôi vẫn chạy ăn từng bữa, hai em gái tôi vẫn tất tả ngược xuôi. Và mẹ tôi, vẫn tần tảo bán mặt cho đất bán lưng cho trời nơi cánh đồng chang chang nắng gắt. Và tôi, trước tháng năm nhưng tôi đang mòn dần cái nghị lực vươn lên mà con nhà nghèo thường có. Tôi chán nản, tôi buông xuôi và ý nghĩ giải thoát số kiếp con nhà nghèo cho mình đôi lần thoảng qua tâm trí.


Tôi biết, sẽ có người cho rằng tôi nhụt chí, yếu hèn, là ngu đần hay là gì gì đi chăng nữa, nhưng hơn ai hết, tôi biết vì sao tôi như thế! Con nhà nghèo cũng là con người, mà con người thì ai cũng biết vui, buồn, biết tủi và biết chán chường. Trong nỗi cô đơn, bế tắc cùng cực, mỗi người có cách giải quyết khác nhau. Người thì nỗ lực vươn lên, người thì tìm quên trong men rượu, trong những cuộc vui thâu thêm... Còn tôi, nhiều lần tôi tìm đến dòng sông Sài Gòn mênh mông. Tần ngần đứng đó, chập chờn giữa làn ranh giới sống và chết.

Tôi phải làm thế nào để tương lai trước mắt có thể thoát khỏi thân phận con nhà nghèo đây?

Chia sẻ