Tâm sự của những người trẻ tốt nghiệp trường top, từng "đầu quân" cho Big 4 rồi bỏ đi làm nhà máy, giúp việc
Với tấm bằng trường danh giá trong tay, một số người trẻ đã tự đi một con đường khác xa kỳ vọng xã hội.
Vào tháng 5 năm nay, Tiểu Trần, một cử nhân tốt nghiệp Đại học Nam Khai - một đại học trọng điểm của Trung Quốc đã vào làm tại một nhà máy sản xuất đèn ở Quảng Đông. Cô viết một bài đăng trên mạng xã hội: "Sau khi tốt nghiệp trường top, tôi quyết định vào nhà máy làm việc cho đến khi nghỉ hưu ở một thành phố hạng ba. Dù tương lai có ra sao, hãy cố gắng hết sức và đừng sợ rằng bạn sẽ không có cơ hội".
Sinh viên tốt nghiệp từ trường danh tiếng như Tiểu Trần thường được coi là những ứng viên tốt nhất trên thị trường việc làm. Nhưng gần đây, những chủ đề như sinh viên tốt nghiệp từ các trường xịn xin vào làm những công việc ít được coi trọng như quản lý ký túc xá, bảo vệ, nhân viên đuổi chim ở sân bay đã làm dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi: Những người trẻ này không muốn đi theo con đường xã hội đặt kỳ vọng mà tự tạo ra cho mình một con đường khác để theo đuổi?
Giá trị bản thân không quyết định bởi tiền lương và vị trí xã hội
Tiểu Trần theo học chuyên ngành quản lý tài chính tại Đại học Nam Khai. Sau khi trượt kỳ thi tuyển sinh sau đại học, cô gặp khó khăn trong công cuộc đi tìm việc vì ngoài trình độ học vấn, cô không có kinh nghiệm. Thấy nhà máy đèn điện không yêu cầu kinh nghiệm, cô ứng tuyển vào làm việc với vị trí là trợ lý kinh doanh.
Trong thời gian thử việc, tiền lương hàng tháng của Tiểu Trần là khoảng 4.000 NDT (khoảng 13 triệu đồng) và có cơ hội tăng lên 8.000 NDT (khoảng 26 triệu đồng) sau khi trở thành nhân viên chính thức. Cô thừa nhận mức lương này không cao: "Nhưng dù thế nào về cơ bản, tôi có thể tự nuôi sống bản thân. Hiện tại tôi đang ở trong tình trạng ít ham muốn vật chất nên chi phí sinh hoạt không đặc biệt cao".
Là sinh viên tốt nghiệp một ngôi trường nổi tiếng trong mắt mọi người, Tiểu Trần nói rằng tình hình việc làm của các bạn cùng lớp vẫn tốt: "Có những bạn học xung quanh tôi đã vào trụ sở của các ngân hàng hoặc sàn giao dịch chứng khoán nổi tiếng. Tiền lương hàng tháng là 10.000 (khoảng 32 triệu đồng) đến 20.000 NDT (khoảng 65 triệu đồng), và chế độ đãi ngộ cũng tốt. Một số khác thì tiếp tục học lên cao ở nước ngoài".
Khi so sánh mình với các bạn, Tiểu Trần đã đề cập đến triết lý sống mà cô tâm đắc, đó là "cuộc sống là một hành trình tự do".
Cô cảm thấy rằng giá trị của bản thân không cần phải được phản ánh qua những người xung quanh: "Ví dụ, bạn cùng lớp của tôi có thể kiếm được 20.000 NDT một tháng và tôi kiếm được 8.000 NDT, nhưng miễn là tôi có thể đáp ứng được kỳ vọng và nhu cầu của mình, tôi cảm thấy hạnh phúc thỏa mãn là được. Hãy làm những gì bạn có thể làm, nếu có thể hạ thấp kỳ vọng của bạn mà có được một lối sống, trạng thái tinh thần thoải mái thì đó cũng là thành công".
Về tương lai của mình, Tiểu Trần cảm thấy rằng mình vẫn còn rất nhiều cơ hội. Công việc trong nhà máy hầu như không yêu cầu làm thêm giờ nên Tiểu Trần có đủ thời gian cho sở thích cá nhân và nghiên cứu lĩnh vực mà mình muốn học trong trạng thái thong thả và không cần cưỡng cầu.
Rời công ty top 500 thế giới rồi làm nghề dọn dẹp
Tiểu Đại năm nay 24 tuổi, tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật môi trường tại trường Đại học Vũ Hán năm 2021. Sau khi tốt nghiệp, cô làm việc cho một công ty Big 4 trong danh sách Fortune 500 thế giới. Còn ở thời điểm hiện tại, cô là nhân viên dọn dẹp của một công ty dịch vụ dọn nhà ở Vũ Hán. Nhiệm vụ chính của cô là đi dọn dẹp nhà cho khách mỗi ngày.
Theo Tiểu Đại, hầu hết những người dọn dẹp trong công ty cô đều là những người trẻ tuổi 9X. Cô được nghỉ 4 ngày mỗi tháng và làm việc từ nhiều giờ mỗi ngày, kiếm được mức lương từ 5.000 đến 7.000 NDT (khoảng 15 đến 22 triệu đồng). Tiểu Đại nói: "Nhiều đồng nghiệp ban đầu nghĩ rằng tôi sẽ không thể tiếp tục, có thể tôi sẽ bỏ chạy sau vài ngày, nhưng tôi vẫn kiên trì. Mặc dù cường độ công việc vẫn khá cao so với việc văn phòng cũ, thu nhập kém xa, thể chất mệt mỏi nhưng tôi cũng chấp nhận được vì tinh thần tôi thoải mái hơn trước rất nhiều".
Trước khi thay đổi công việc, Tiểu Trần cũng rất lo lắng và đắn đo. Khi còn làm nhân viên hỗ trợ trong phòng đào tạo của một công ty nằm trong danh sách Fortune 500, cô thường xuyên phải thuyết trình và điện thoại reo từ sáng đến tối.
"Tôi là người hướng nội, không thích nói nhiều, cũng không thích đứng lên phát biểu, nên loại công việc này khiến tôi cảm thấy rất khó chịu, thậm chí còn lo lắng đến mức không thể ăn hay ngủ. Sau khi chuyển sang nghề dọn nhà, tôi không phải suy nghĩ nhiều. Tôi chỉ cần dọn dẹp sạch những gì trước mặt, mỗi lần dọn xong tâm trạng đều vô cùng vui vẻ. Có lần, sau khi tổng vệ sinh xong ngôi nhà mới, một gia đình 4 người vào nghiệm thu. Hai đứa trẻ chạy quanh phòng, mừng rỡ reo lên 'Trắng quá, đẹp quá'. Cảnh tượng đó khiến tôi rất hạnh phúc và cảm thấy đó là ý nghĩa công việc của tôi bây giờ", Tiểu Đại kể.
Lúc đầu, mẹ của Tiểu Đại cảm thấy khó chấp nhận quyết định của con gái: "Lúc đầu tôi không nói với mẹ mình đổi việc, nhưng ai đó đã xem video cuộc phỏng vấn của tôi và gửi cho mẹ. Bà đã rất sốc". Nhưng sau khi tâm sự với nhau, hiện mẹ cô đã hiểu rằng công việc mới khiến cô hạnh phúc.
Đối với những nghi ngờ và chế giễu từ người ngoài, Tiểu Đại không quan tâm: "Tôi chấp nhận rằng bản thân rất bình thường và xã hội rất thực tế. Tôi không nghĩ rằng đó là sự lãng phí học vấn cao của mình. Tôi đã tình nguyện lựa chọn làm nhân viên dọn dẹp chứ không phải tôi chỉ có thể làm nghề dọn dẹp".
Những người trẻ học vấn cao lựa chọn làm công việc lương thấp, kém xa tiêu chuẩn đặt ra của xã hội đã dũng cảm chọn cho mình lối đi riêng. Có người thích hợp làm việc trong các công ty lớn, có người thích hợp làm một số công việc cơ bản nhẹ nhàng. Sau tất cả, họ không phải lười biếng, sống an toàn mà là những người dám mạnh dạn thử sức với những gì mình muốn làm.
Nguồn: Toutiao