Những ngành học từng bị các TikToker cho là 'vô dụng' có điểm sàn ra sao?

Đông,
Chia sẻ

Theo ghi nhận, loạt ngành học từng được các TikToker cho là 'vô dụng', 'ra trường thất nghiệp như chơi' có mức điểm sàn tương đối cao.

Hiện nay, nhiều trường đại học trên khắp cả nước đã công bố điểm sàn xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2023. Bên cạnh mức điểm của các ngành/ nhóm ngành hay trường đại học mà bản thân yêu thích, thì điểm sàn những ngành học từng bị loạt TikToker cho là "vô dụng", "ra trường thất nghiệp" như: Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Marketing, Sư phạm, Kế toán, Tài chính - Ngân hàng..., cũng được các sĩ tử quan tâm.

Theo ghi nhận, nhiều ngành học nêu trên có mức điểm sàn tương đối cao. Chẳng hạn ở nhóm các nhóm ngành kinh tế như: Marketing, Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tài chính - Ngân hàng ở các trường Đại học Thương mại, Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Ngân hàng..., ghi nhận mức điểm tối thiểu thí sinh cần đạt để đăng ký xét tuyển là 20 điểm.

Thậm chí, các ngành này ở trường Đại học Ngoại thương còn có điểm sàn lên đến 23 điểm. Được biết, đây là mức điểm sàn xét tuyển của trường tại trụ sở chính và các cơ sở trực thuộc đối với tất cả các tổ hợp môn, đã bao gồm điểm ưu tiên khu vực và đối tượng.

Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cũng đã công bố thông tin về ngưỡng điểm xét tuyển của trường năm học 2023 - 2024. Theo đó, điểm sàn xét tuyển theo phương thức điểm tốt nghiệp THPT vào trường là 20 điểm cho tất cả ngành và các chương trình đào tạo.

Những ngành học từng bị các TikToker cho là "vô dụng" có điểm sàn ra sao? - Ảnh 1.

Trường Đại học Ngoại thương còn có điểm sàn lên đến 23 điểm

Còn ở ngành Ngôn ngữ Anh, điểm sàn đăng ký xét tuyển vào ngành này cũng ở mức khá cao: Đại học Hà Nội (16 điểm); Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng (17 điểm); Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM (20 điểm); Đại học Kinh tế quốc dân (20 điểm); Đại học Sư phạm TP.HCM (23 điểm)...

Ở một diễn biến khác, Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành quyết định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm 2023 đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học và ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng. Theo đó, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào từ điểm thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh nhóm ngành này đối với thí sinh ở khu vực 3 có mức điểm tối thiểu (không nhân hệ số) của tất cả các tổ hợp gồm 3 bài thi/môn thi là 19 điểm.

Riêng đối với các ngành Giáo dục Thể chất, ngành Sư phạm Âm nhạc và ngành Sư phạm Mỹ thuật là 18 điểm đối với tổ hợp xét tuyển 3 môn văn hóa; các tổ hợp xét tuyển khác thực hiện theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành.

Ngưỡng xét tuyển vào ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng là 17 điểm đối với tổ hợp xét tuyển 3 môn văn hóa, các tổ hợp xét tuyển khác thực hiện theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành.

Điểm chuẩn và điểm sàn khác nhau thế nào?

Theo chia sẻ của nhiều thầy cô, chuyên gia tuyển sinh, mức điểm sàn nêu trên chỉ mang tính tham khảo và sẽ có sự chênh lệch khá lớn so với điểm chuẩn thực tế. Vậy nên, thí sinh cần phân biệt rõ điểm sàn và điểm chuẩn trúng tuyển để tránh những nhầm lẫn đáng tiếc, ảnh hưởng "sát sườn" đến quyền lợi của bản thân trong việc xét tuyển đại học cao đẳng.

Điểm sàn còn gọi là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, không phải điểm trúng tuyển (điểm chuẩn). Đây là mức điểm tối thiểu mà thí sinh cần có để đủ điều kiện nộp đăng ký xét tuyển vào ngành/trường đại học, cao đẳng. Điểm xét tuyển của các trường cũng không được thấp hơn điểm sàn.

Việc các trường đặt ra mức điểm sàn một mặt nhằm đáp ứng yêu cầu chất lượng đầu vào, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời giúp thí sinh có căn cứ để đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Điểm sàn chỉ là điều kiện kỹ thuật, thí sinh phải sử dụng điểm chuẩn của các năm trước đó để tham chiếu, từ đó có những lựa chọn "sát sườn" nhất.

Những ngành học từng bị các TikToker cho là "vô dụng" có điểm sàn ra sao? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Còn điểm chuẩn là mức điểm thấp nhất của thí sinh trúng tuyển vào trường. Do vậy, rất khó để đoán định chính xác điểm chuẩn từng ngành ở thời điểm này. Để an toàn, thí sinh nên tham chiếu điểm chuẩn các năm trước, đặc biệt năm ngoái để cân nhắc việc sắp xếp nguyện vọng

Đặt thêm nguyện vọng phù hợp với khả năng hoặc tận dụng các phương thức xét tuyển khác là một điều cần thiết. Ngoài ra, thí sinh cũng nên lựa chọn những ngành có mức điểm chuẩn năm ngoái thấp hơn so với điểm thực tế năm nay của mình để dự phòng để nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1, thí sinh còn cơ hội ở các nguyện vọng sau.

Chia sẻ