Tâm sự của một du học sinh Việt "mắc kẹt" với quy định di trú mới của Mỹ

Thu Trà,
Chia sẻ

Bên cạnh bối cảnh dịch COVID - 19 đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, du học sinh Việt Nam đang đứng ngồi không yên vì chính sách di trú mới của Mỹ.

Ngày 6/7 (giờ Mỹ), Cơ quan thực thi di trú và Hải quan Mỹ (ICE) thông báo, học sinh, sinh viên quốc tế phải trở về nước nếu trường thực hiện chương trình học trực tuyến (online) 100% cho học sinh kì Thu (tháng 9).

Là sinh viên năm 3 ngành Truyền Thông của trường University of Washington Tacoma (UWT), tôi cũng không nằm ngoài guồng quay đó. Ngày 15/3, tôi bay về Việt Nam khi nhận tin thành phố lân cận là Seattle đã có 12 ca tử vong sau chưa đến 1 tuần bùng dịch.

Tâm sự của một du học sinh Việt 'mắc kẹt' với quy định di trú mới của Mỹ - Ảnh 1.

Thu Trà (bên trái), du học sinh Việt tại Mỹ.

Việc học bị gián đoạn, đạt hiệu quả không cao

Kể từ ngày về nước đến nay đã gần 4 tháng, tôi không bỏ buổi học online nào. Việc học khó khăn do lệch múi giờ 14 tiếng, hầu như ngày nào tôi cũng thức trắng đêm từ 12h đêm hôm trước đến 6,7 giờ sáng hôm sau.

Việc sinh hoạt không điều độ, và làm việc không khoa học khiến sức khỏe và tinh thần tôi giảm sút, hiệu quả học không cao. Ngoài ra, do các giáo sư, hướng dẫn viên trước giờ chỉ quen với việc giảng dạy trực tiếp nên khi chuyển qua mô hình online, họ mất 2, 3 tuần đầu để ổn định dẫn đến việc sinh viên dễ bị lỡ bài, điểm kiểm tra thấp do không tìm thấy tài liệu đọc thêm.

Học phí vẫn đóng đủ nhưng…

Du học Mỹ được coi là một ngành “công nghiệp" khi mọi chi phí học tập đều rất đắt đỏ. Tuy nhiên, khi dịch bệnh bùng phát, mô hình học chuyển sang online nhưng tiền học vẫn không được cắt giảm.

Mặc dù không được sử dụng cơ sở vật chất trường nhưng phí bảo trì du học sinh vẫn phải trả. Những môn học cần sử dụng phòng thí nghiệm đều là những môn học có giá “chát” hơn bình thường, giờ đều được chuyển sang video hướng dẫn khiến việc tiếp thu của sinh viên khó khăn hơn rất nhiều so với việc trực tiếp thực hành trên trường.

Nhà ở

Khi về Việt Nam tránh dịch, tôi có thương lượng trước với chủ nhà về giá thuê phòng. Thoạt đầu, chủ nhà không hề muốn giảm giá tiền nhà bởi lẽ đại đa số người Mỹ đều chủ quan với tình hình dịch COVID-19 những ngày đầu dịch bùng phát.

Với đại đa số người Mỹ, họ đánh giá mức độ nghiêm trọng của đại dịch lần này ngang với bệnh cúm (flu) hàng năm nên khi tôi ngỏ ý muốn được giảm tiền nhà vì lý do về Việt Nam, chủ nhà tôi không những từ chối, ngược lại, ông muốn tôi thanh toán tiền 3 tháng một lần, tương đương với 1.875 USD. Ngậm đắng nuốt cay, tôi viết séc thanh toán tiền 3 tháng kì Xuân hồi đầu tháng 3 để giữ phòng và bay về nước.

Sau 2 tuần tôi cách ly tại nhà, báo đài liên tục đưa tin về tình trạng dịch bệnh trên thế giới, đặc biệt Mỹ luôn dẫn đầu với số ca nhiễm và tử vong nhiều nhất thế giới khiến tôi càng bất an về vấn đề nhà ở. Sau khi liên hệ lại được với chủ nhà, ông ấy giảm xuống mức giá 490 USD/ tháng, giảm gần 200 USD so với mức thuê ban đầu.

Mặc dù không sử dụng điện, nước hay thải rác, tôi vẫn phải trả một số tiền quá đắt chỉ để “giữ chỗ" và để đồ trong căn phòng áp mái bé xíu. Hiện tại, sau khi nhận thông tin từ phía ICE cũng như tình trạng dịch không có chuyển biến tốt, tôi đề nghị dọn ra và không thuê nữa vì không biết cụ thể lịch học, lịch sang Mỹ của mình thế nào.

Và tất nhiên điều này khiến chủ nhà không hài lòng, ông bắt tôi phải bồi thường hợp đồng bằng tiền đặt cọc 750 USD và tiền nhà 3 tháng tiếp theo. Hiện tại, tôi phải dọn ra vì tiền thuê quá đắt nhưng lại không biết dọn đi đâu, mà giả sử trong thời gian gần tới trường mở cửa lại, tôi không biết chỗ ở của mình sẽ là đâu và thế nào.

Visa và thủ tục giấy tờ

Du học sinh Mỹ được cấp 2 loại visa là F1 và M1. Visa F1 của tôi chỉ có hiệu lực trong vòng 1 năm và phải gia hạn liên tục bằng cách gửi bảng điểm, giấy tờ khai và hộ chiếu đến đại sứ quán Mỹ gần nhất.

Visa của tôi đã hết hạn ngày 12/7/2020 nhưng vẫn chưa biết bao giờ mình có thể gia hạn visa để tiếp tục việc học tập tại Mỹ trong khi đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam vẫn đang đóng cửa và từ chối cấp visa cho du học sinh. Ngoài ra, tôi cũng băn khoăn không biết liệu thủ tục cấp visa có bị thay đổi do ảnh hưởng từ những quyết định của Chính Phủ Mỹ và nếu có thay đổi, đâu là những điểm bất lợi dành cho những du học sinh như tôi.

Tóm lại, sau gần ba năm sinh sống và học tập tại đất nước này, hiện nay là thời điểm tôi cảm thấy khó khăn nhất. Tôi vẫn mong sẽ có ngày được trở lại và hoàn thành chương trình học của mình.

Chia sẻ