Tâm sự của chàng "phù thủy" tạo ra cây "nở" 5 loại quả

Trang Trần,
Chia sẻ

Một lão nông ở xã Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội bỗng dưng trở thành người nổi tiếng vì là “người duy nhất” ở Việt Nam cấy ghép thành công cây ngũ quả. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, ngoài ông, vẫn còn một nông dân Hà Nội khác cũng đang sở hữu trong tay “bí kíp” đặc biệt này.

4 năm gian nan, hàng trăm lần thất bại

Lẫn trong khu vườn đỏ rực sắc cam đường và ửng vàng màu bưởi Diễn của anh Nguyễn Văn Tỉnh (làng Ngọc Trục, xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm) là những cây cho ra trái lạ: cây ngũ quả. Tất cả cây ngũ quả trong vườn đều đã được “xí”, chỉ còn chờ ngày đẹp, thời tiết thuận lợi là sẽ về với chủ nhân mới.

Tâm sự của chàng
Giữa vườn cam đường đỏ ối...

Tâm sự của chàng
... là những cây "ngũ quả" lạ lùng...

Tâm sự của chàng
... của "phù thủy nhà nông" Nguyễn Văn Tỉnh.

Anh Nguyễn Văn Tỉnh vui vẻ cho biết, anh rất tự hào khi được công nhận là “nông dân ưu tú toàn quốc 2012” và danh hiệu “Bàn tay vàng”, càng tự hào hơn khi năm nay, anh đã cấy ghép thành công cây cho ra năm loại quả. Theo anh, ngoài ông Lê Đức Giáp (Cao Viên, Thanh Oai. Hà Nội), ở Việt Nam chỉ còn anh đang nắm giữ “bí kíp” độc đáo này.

Tâm sự của chàng
"Tính đến thời điểm này, cả Việt Nam chỉ có hai người lai ghép thành công cây ngũ quả" - Anh Tỉnh quả quyết

Vừa ngắm nhìn những cây lạ trong vườn, anh Tỉnh chia sẻ: “Tôi đã mất 4 năm mày mò, nghiên cứu, học hỏi anh em, đọc lại các sách vở dạy chiết, ghép cây, cộng với kinh nghiệm bản thân (anh Tỉnh từng là Phó Chủ nhiệm Hội sinh vật cảnh Hà Tây cũ – PV) mới làm thành công cây ngũ quả này. Từ lâu, tôi đã ghép thành công loại một cây cho ra ba loại quả như bưởi Diễn, cam đường, quýt chua, sau đó lại thử ghép cây với quả bòng không múi, bưởi Diễn và cam đường, đều thành công cả. Nhưng cái “anh” cây ngũ quả này thì mất nhiều thời gian và tâm huyết nhất.

Tâm sự của chàng
Sau 4 năm ròng rã, nếm trải nhiều thất bại, anh Tỉnh đã cấy ghép thành công cây ngũ quả.

Tôi đã ghép hỏng cả trăm cây, khi thì quả không phát triển bình thường, lúc thì cây bị kiệt, có khi quả này phát triển tốt, nhưng quả khác lại teo, lá bị úa, không trổ được lộc non… thôi thì đủ đường thất bại. Chính thức đến Tết Nhâm Thìn năm ngoái, tôi mới thành công, nhưng cũng chỉ ghép vài cây để nhà chơi và tặng người thân chứ chưa bán. Năm nay tôi mới chính thức làm cây ngũ quả để kinh doanh.” – anh tiết lộ.

Tâm sự của chàng
Qua bàn tay nghệ nhân, phật thủ, cam đường, bưởi nhăn, bưởi Diễn, quýt đã "chung sống thuận hòa" trên cùng một cây mẹ

Anh giảng giải: “Cái quý nhất của cây ngũ quả không chỉ ở sự lạ của nó, mà còn nằm ở ý nghĩa. Cây ngũ quả cũng giống như mâm ngũ quả mà các gia đình Việt hay bày trên bàn thờ. Nó tượng trưng cho phúc lành sẽ đến trong năm mới. Tôi chọn ghép cam đường, bưởi nhăn, bưởi Diễn, quýt xu xoa, phật thủ với nhau chứ không ghép quất. Thứ nhất vì quả quất quá nhỏ, không cân đối, không phù hợp với dáng to lớn của cây bưởi. Hơn nữa, những loại quả kia mang theo ý nghĩa nhất định".

Tâm sự của chàng
Ngoài yếu tố lạ, cây "ngũ quả" còn chứa đựng ý nghĩa tốt lành.

"Bưởi Diễn tượng trưng cho sự tròn đầy viên mãn. Bưởi nhăn có mùi thơm dễ chịu, xua đi những buồn phiền của năm cũ. Phật thủ như cánh tay Phật vươn ra che chở, ban phúc cho chúng sinh. Quýt xu xoa chua dịu cũng như cuộc đời không bao giờ hoàn hảo sẽ được hoàn thiện bằng cam đường đỏ ối, ngọt lịm mang ý nghĩa khổ tận cam lai
”, anh nói thêm.

Tâm sự của chàng
Phật thủ tượng trưng cho cánh tay từ bi của Đức Phật, xoa dịu cái chua hơi chan chát của quýt xu xoa.

Tâm sự của chàng
Bưởi Diễn tròn trịa như lời chúc vạn sự viên mãn. Cam đường ngọt ngào cho năm mới khổ tận cam lai.

Người nông dân này bật mí, Tết năm nay, anh làm được gần hai chục cây ngũ quả và đều đã được khách đặt hàng từ trước, chờ đến ngày ông Công ông Táo sẽ đưa về nhà. Giá một cây ngũ quả dao động từ 5 – 10 triệu/cây khi xuất vườn. Cây to, thế "VIP" hoặc cây có bưởi siêu thơm Thái Lan thì giá còn cao hơn nữa.

Tâm sự của chàng
Năm nay, anh Tỉnh chỉ làm chừng hai chục cây ngũ quả...

Điều đáng lưu ý nhất với người chơi cây khi chọn cây ngũ quả là việc vận chuyển. Quy trình đánh bồn, vận chuyển cây về nhà khách phải được để ý từng ly từng tí một. Anh cho biết, vài hôm nữa anh sẽ cố định tất cả quả và cành bằng nẹp, túi nilon rồi “áp tải” cây về tận nhà khách.

Tâm sự của chàng
... tất cả đều được khách "xí" từ lâu.

Sau khi cây yên vị trong chậu, anh phải tự tay cắt nilon bọc quanh các mối ghép đi. Người chơi chăm sóc cây chỉ cần tưới nước là cây sẽ bền, tiếp tục phát triển bình thường. Tất cả quả trên cây không chỉ có giá trị trang trí mà vẫn “chén” được ngon lành, không có gì khác biệt so với quả trồng để ăn.

Sau cây ngũ quả sẽ là cây lục, bát, cửu… quả

Giọng đầy tự hào, anh Tỉnh nói, nhiều người đã thử làm cây ngũ quả nhưng không thành công như anh. Anh cho biết, có ba vấn đề cơ bản anh đã rút ra trong quá trình ghép cây ngũ quả: “Về nguyên tắc, ghép cây ngũ quả không khó, vì cứ phàm những cây thuộc họ thất bì (các loại cam, các loại bưởi, quýt, chanh, quất, bòng, phật thủ…) đem ghép vào nhau là sẽ “ăn”. Cái khó đầu tiên là chọn được một gốc bưởi ưng ý. Gốc to hay bé đều ghép được, nhưng phải chọn được gốc dáng đẹp, sum xuê, vừa có dáng vươn vừa tỏa rộng. Cành được chọn để ghép cũng phải là cành bánh tẻ (không quá già, không quá non – PV) và không có hoa. Nếu gần đến ngày ghép, cành đó ra hoa thì coi như bỏ.

Tâm sự của chàng
Nguyên tắc ghép một cây ngũ quả to, nhiều trái...

Tâm sự của chàng
... hay một cây loại "xách tay" nhỏ nhắn đều giống nhau.

Yếu tố quan trọng thứ hai là chọn thời điểm ghép. Những quả có múi mọng như cam, bưởi, quýt ghép vào tháng 6, tháng 7 Âm lịch, là những tháng có nhiều mưa, cây dễ phát triển; phải chọn quả xanh, nhỏ, chưa tạo múi để khi ghép vào không làm cây kiệt. Hệ không có múi (múi bị tiêu biến) hoặc múi bé như bưởi nhăn, bòng, phật thủ sẽ ghép vào tháng 8, tháng 9 Âm lịch và phải chọn quả bánh tẻ. Nếu quả non quá, đến khi thu hoạch, quả không chín kịp, nếu quả đã già sẽ bị vàng, úa, dễ rụng”, anh tiếp lời.

Tâm sự của chàng
Trái non được ghép trực tiếp vào cành "mẹ" ...

Tâm sự của chàng
... từ khi chưa tạo múi.

Khi ghép phải bọc quả bằng nilon và ghép theo kiểu bò trườn (vạt mỗi bên một nửa theo đường chéo, ốp lại cho khít - PV) hoặc ghép kiểu chẻ nêm (tạo nêm ở trong nhánh ghép, nhét cuống quả vào - PV) rồi bọc kín lại mối ghép. Từ sau một tháng đến một tháng rưỡi phải bỏ bọc ra cho quả phát triển. Sau hai tháng, vết ghép sẽ hoàn toàn liền da và phát triển bình thường, nhưng để an toàn, đến khi khi vận chuyển xong mới được gỡ mối ghép.

Tâm sự của chàng
Để rồi chừng hơn tháng sau, trái sẽ phát triển ...

Tâm sự của chàng
... như chưa hề bị tách khỏi cây gốc.

Tâm sự của chàng
Sau khi chuyển nhà, những mối dây cố định dáng cây ...
 

Tâm sự của chàng
... và những nilon bao quanh mối ghép sẽ được cởi bỏ ...

Tâm sự của chàng
... lộ ra những vết ghép đã liền "da".

Anh Tỉnh cho rằng, nếu hiểu và tuân thủ nguyên tắc đó, người làm nghề có thể ghép không chỉ dừng lại ở năm quả trên cùng một cây mà có thể ghép sáu, bảy, tám… loại quả, phục vụ nhu cầu đa dạng của người chơi cây.

Tâm sự của chàng
Anh Tỉnh tự tin, nếu tìm được những gốc cây mẹ đủ tiêu chuẩn, anh sẽ ghép được cây có nhiều hơn năm loại quả.

Nhưng để làm đại trà những cây “độc” như thế không dễ dàng bởi lẽ, ngoài vấn đề kỹ thuật, thách thức lớn nhất với người làm nghề là những cây ghép luôn “khó tính”. Những cây bưởi năm trước đã được dùng để ghép, năm sau sẽ “tịt”, dù chăm sóc tốt cũng không thể tái sử dụng ngay mà phải để nghỉ. Vì thế, người làm vườn phải chuẩn bị gốc cây kiểu “cuốn chiếu”.

Tâm sự của chàng
Cái khó của nhà vườn, dù với cây được ghép quả ...

Tâm sự của chàng
... hay cây nguyên bản ...

Tâm sự của chàng
... nếu đã ra trái, không thể "tái sử dụng" cho năm sau.

Tâm sự của chàng
Muốn hưởng thụ niềm vui đỏ rực của năm sau ...

Mỉm cười nhìn thành quả của mình, anh Tỉnh nói: “Không gì sướng bằng làm giàu được bằng nghề. Nghe có vẻ dễ, nhưng người làm vườn chúng tôi không phải năm nào cũng trúng đậm. Năm nay, dù có cây ngũ quả, tôi cũng chỉ kiếm được chừng 200 triệu, tính cả tiền bán cam đường, bưởi Diễn, bưởi Thái Lan làm cảnh. Năm sau hy vọng sẽ khá hơn, vì tôi đã dồn rất nhiều gốc để dành ghép cây. Tôi sẽ thử nghiệm ghép các loại cây độc đáo hơn nữa chứ không chỉ dừng lại ở cây ngũ quả". 
Chia sẻ