Tầm soát cục máu đông sau Covid-19: Ai mới nên làm?

Khánh Chi,
Chia sẻ

PGS Thắng cho rằng chỉ người có nguy cơ đột quỵ như béo phì, tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu… mới cần tầm soát đột quỵ và không cần phải lạm dụng kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh đắt tiền.

Sau khi nghe bạn bè nói ngay cả những người khỏe mạnh cũng có thể để lại di chứng cục máu đông sau Covid-19 gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tắc mạch phổi có thể tử vong nhanh chóng nên anh Đỗ Đức Tú, 44 tuổi, Gò Vấp, TP.HCM vội vàng đi tầm soát di chứng cục máu đông sau Covid-19.

Anh Tú kể một đồng nghiệp của anh trước đó mắc Covid-19 và gần đây đi khám sức khoẻ bác sĩ cảnh báo di chứng cục máu đông. May mà phát hiện sớm, bác sĩ kê thuốc uống để tránh nguy cơ gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Khi anh Tú đi tầm soát, bác sĩ cho chụp kỹ thuật chụp tĩnh mạch và các kỹ thuật chiếu chụp khác. Chi khoảng gần 14 triệu đồng nhưng anh không tìm thấy bất thường nào.

PGS Nguyễn Huy Thắng – Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não, BV Nhân dân 115 cho biết có nhiều nghiên cứu cho thấy sự liên quan giữa Covid-19 và bệnh đột quỵ. Nguyên nhân gây đột quỵ ở bệnh nhân Covid-19 là do cơ chế tăng phản ứng viêm, dẫn đến viêm các mạch máu. Virus gây ra tình trạng tăng đông, dẫn đến sự hình thành huyết khối trong hệ động mạch, hệ tĩnh mạch và các cơ quan. Một số trường hợp do thuyên tắc huyết khối ngược dòng.

Tầm soát cục máu đông sau Covid-19: Ai mới nên làm? - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Ở giai đoạn hậu Covid-19, những bệnh nhân có nguy cơ cao bị đột quỵ cao khi yếu tố nguy cơ khác, như: tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa lipid, hút thuốc, béo phì…

Nếu bệnh nhân mắc Covid-19 nhẹ, không có các yếu tố nguy cơ đột quỵ kèm theo, nguy cơ đột quỵ sẽ rất thấp. Do vậy, PGS Thắng cho rằng không cần thiết phải tầm soát đột quỵ một cách thường quy.

Nếu bệnh nhân có yếu tố nguy cơ khác kèm theo, việc tầm soát đột quỵ cũng nên tập trung vào mục tiêu cần hướng đến trong việc kiểm soát chặt các yếu tố nguy cơ này. Không nên lạm dụng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh nếu như bệnh nhân không có triệu chứng đột quỵ.

Đến thời điểm này, PGS Thắng cho biết hầu hết mọi người đã quá hoảng loạn vì đại dịch và những thông tin nhiễu trên truyền thông, bác sĩ không nên họ phải chịu đựng thêm nữa bằng các gói “tầm soát” hậu Covid-19.

Với các bệnh nhân đã bị đột quỵ và đồng thời hậu nhiễm Covid-19, PGS Thắng cho rằng việc sử dụng kháng đông hoặc kháng kết tập tiểu cầu nên được duy trì. Việc lựa chọn sẽ tuỳ thuộc vào cơ chế đột quỵ trước đó, không nên chuyển sang thuốc kháng đông chỉ vì hậu nhiễm Covid-19.

Thạc sĩ, BS Nguyễn Dũng – Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hội chứng hậu Covid-19 hay tình trạng hậu Covid-19 xảy ra ở những người đã nhiễm Covid-19 với các triệu chứng và kéo dài ít nhất 2 tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế.

Tình trạng này có thể khiến sức khỏe người bệnh bị suy giảm kéo dài, tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội. Ngoài ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, thể chất, nó còn có thể gây ra những hậu quả kinh tế nặng nề cho bản thân người bệnh, gia đình và cho xã hội.

Bạn chỉ đi khám bệnh khi có các triệu chứng:

Khó thở: Nếu thấy khó thở, kèm độ bão hòa O2 thấp (dưới 92%) thì cần chú ý. Tuy nhiên cũng có khi người bệnh bị hụt hơi khi gắng sức vì đã một thời gian dài không hoạt động thể lực do mắc bệnh.

Đau ngực: Nếu đau ngực dữ dội, đặc biệt đau dai dẳng kèm cảm giác buồn nôn, khó thở hoặc choáng váng: có thể là các triệu chứng của cơn đau tim. Nếu đau ngực khi hít vào, có thể do bị viêm phổi. Còn đau ngực dữ dội, đột ngột có thể là do thuyên tắc phổi.

Suy tim hậu Covid-19: Khá hiếm gặp, nhưng nếu bị khó thở hoặc phù chân thì cần đi khám xem có suy tim không. Các triệu chứng của suy tim bao gồm: Khó thở, đặc biệt khi gắng sức; khó thở khi nằm: mệt mỏi; phù chân, tiểu đêm nhiều,…

Theo nghiên cứu mới đây, được công bố trên tạp chí Nature Medicine ngay cả khi hồi phục sau Covid-19 với diễn biến nhẹ, người bệnh vẫn có thể đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn đáng kể cho đến một năm sau khi nhiễm bệnh. Bao gồm: rối loạn mạch máu não, rối loạn nhịp tim, viêm cơ tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ, huyết khối và các rối loạn chức năng tim khác. Vì vậy, người đã nhiễm Covid-19 nên theo dõi sức khoẻ của mình và các bất thường tim mạch nếu có.

Chia sẻ