Tầm quan trọng của việc tiêm chủng ngừa liều nhắc lại

,
Chia sẻ

Tại sao có vaccin thì tiêm 1 liều, có loại thì phải nhiều liều?

WHO đã đúc kết rằng: “chủng ngừa vaccin đã được chứng minh là một trong những biện pháp phòng bệnh hiệu quả, an toàn và kinh tế nhất”. Tuy nhiên, tại sao có vaccin thì tiêm 1 liều, có loại thì phải nhiều liều?

Hãy bắt đầu bằng phân loại các vaccin thành 2 nhóm chính: vaccin sống giảm độc lực  và vaccin chết/ bất hoạt. Tùy theo bệnh và bản chất của vaccin, sẽ có những loại vaccin dùng theo lịch tiêm nhiều mũi và có loại vaccin chỉ tiêm một mũi mà thôi.
 


Vắc-xin sống

Vắc-xin sống giảm độc lực là loại vắcxin được điều chế từ virút hoặc vi khuẩn còn sống nhưng đã qua nhiều công đoạn nuôi cấy làm giảm độc lực của tác nhân gây bệnh này. Về lý thuyết, khi vắc-xin được sản xuất đúng quy trình chuẩn, thì các virút hoặc vi khuẩn dù còn sống nhưng đã được làm giảm độc lực rồi, sẽ không gây bệnh khi đưa vào cơ thể con người.

Khi tiêm vắc-xin vào cơ thể, các virút hoặc vi khuẩn còn sống này tiếp tục nhân lên và kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể sản xuất ra kháng thể để chống lại chúng.

Do tính chất tự nhân lên trong cơ thể con người, nên vắc-xin loại này chỉ cần tiêm 1 mũi là sẽ được bảo vệ khỏi bệnh suốt cả đời.

Sau khi đã được tiêm ngừa, thì chính những lần tiếp xúc với mầm bệnh tương ứng trong môi trường sống sẽ là những lần “tiêm ngừa nhắc lại tự nhiên”, mầm bệnh nhiễm vào sẽ kích hoạt bộ nhớ của hệ miễn dịch để sản xuất ra kháng thể nhiều hơn. Số lần tiếp xúc với mầm bệnh càng nhiều thì lượng kháng thể được sản xuất ra càng tăng.


Tuy nhiên, qua nghiên cứu thấy có một tỉ lệ người tiêm ngừa chưa được bảo vệ sau khi tiêm 1 liều vắc-xin, các nhà khoa học đã khuyến cáo tiêm thêm một liều vắc-xin nữa. Liều tiêm thứ 2 này không phải là liều nhắc lại mà là liều bổ sung giúp những người chưa được miễn dịch sau tiêm liều đầu tiên sẽ được bảo vệ nhờ liều thứ 2 này. Ví dụ cho trường hợp này là vắc-xin ngừa: sởi, quai bị và rubella.

Và vắc-xin… chết

Vắc-xin chết/bất hoạt là loại vắcxin mà thành phần của chúng có chứa toàn bộ hoặc một phần xác chết của virút hoặc vi khuẩn nào đó.

Khi tiêm vào cơ thể, thì những thành phần này không gây bệnh cho con người mà chỉ có vai trò kích thích cơ thể sản xuất kháng thể chống lại loại mầm bệnh. Nhưng vì đây là những thành phần đã chết hoặc đã bị bất hoạt, nên chúng không có khả năng tự nhân lên trong cơ thể con người.

Kháng thể được sinh ra sẽ quay lại tiêu diệt các thành phần đưa từ vắc-xin vào, cho đến khi không còn chúng trong cơ thể nữa.

Để giúp cơ thể tạo đủ lượng kháng thể phòng ngừa được bệnh thì loại vắcxin này cần phải tiêm nhiều mũi, với những khoảng cách khác nhau tùy loại vắcxin và tùy đặc điểm của từng bệnh. Các vắc-xin thuộc nhóm vắc-xin chết/bất hoạt gồm có: vắc-xin ngừa: bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt bất hoạt dạng tiêm, haemophilus influenza…

Một cách “gợi bộ nhớ”

Dựa trên đặc tính hoạt động của hệ miễn dịch theo từng lứa tuổi, cũng như theo đặc điểm dịch tễ của mỗi bệnh lý xảy ra theo từng độ tuổi, ở từng vùng miền địa lý khác nhau mà các vắc-xin khác nhau sẽ được tiêm theo lịch tiêm khác nhau.

Nhìn chung, lịch tiêm ngừa gồm có 2 loại: tiêm ngừa cơ bản và tiêm ngừa nhắc lại thường áp dụng cho các vắc-xin chết/bất hoạt. Đợt tiêm ngừa cơ bản là lần tiêm ngừa đầu tiên cho cơ thể một loại vắc-xin có khả năng ngừa một hoặc nhiều bệnh.

Sau một thời gian, nồng độ các kháng thể sẽ giảm dần và có khi thấp dưới ngưỡng bảo vệ. Liều vắc-xin nhắc lại sẽ giúp gợi lại “bộ nhớ” của hệ miễn dịch sản xuất thêm kháng thể mà trước đó nó đã tạo ra sau đợt tiêm ngừa cơ bản.

Chính những liều tiêm nhắc lại sẽ giúp đạt mức bảo vệ cho 100% đối tượng được tiêm ngừa, vì trước đó một số đối tượng được tiêm nhưng chưa được bảo vệ hoặc mức bảo vệ chưa cao.

Khi đã hoàn tất lịch tiêm cơ bản của một số vắc-xin thì người được tiêm sẽ được bảo vệ trong một khoảng thời gian nhất định, và khi nào cần tiêm liều nhắc lại cũng như số liều của mỗi loại vắc-xin cho từng loại bệnh là không giống nhau.


Đôi khi, vắc-xin thuộc nhóm bất hoạt nhưng cũng không nhất thiết phải tiêm nhắc lại, vì thời gian ủ bệnh tương đối dài (vài tuần đến vài tháng kể từ lúc tiếp xúc với mầm bệnh) sẽ đủ thời gian cho bộ nhớ của hệ miễn dịch sản xuất đủ kháng thể cần thiết. Ví dụ cho trường hợp này là vắc-xin ngừa viêm gan B, chỉ cần tiêm 3 liều, không cần thiết phải dùng liều nhắc lại.

Một số vắc-xin bất hoạt ở dạng polysaccharide (thuộc nhóm vắc-xin bất hoạt) thì hiệu quả bảo vệ chỉ trong một khoảng thời gian nhất định (thường là 3 năm), nhưng không dùng cho trẻ dưới 2 tuổi vì hiệu quả bảo vệ rất thấp.

Sau thời gian này, nếu cơ thể vẫn còn tiếp xúc với mầm bệnh thì sẽ tiêm lại hay còn gọi là tái chủng. Ví dụ: vắc-xin ngừa thương hàn, vắc-xin dạng polysaccharide ngừa viêm màng não do não mô cầu, vắc-xin ngừa phế cầu.

Liều tiêm nhắc lại không những giúp trẻ em, người lớn được bảo vệ lâu dài khỏi một số bệnh nguy hiểm mà còn có hiệu quả về mặt kinh tế, vì mỗi lần tiêm nhắc lại chỉ sử dụng một liều vắc-xin tương ứng.

Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh được ưu điểm và tầm quan trọng của việc tiêm nhắc lại, các nước phát triển cũng như nhiều nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã khuyến cáo và đưa vào lịch tiêm chủng chính thức các liều tiêm nhắc lại cho từng vắc-xin cụ thể.

Nhưng do điều kiện ngân sách hạn chế, lịch tiêm vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia của nước ta trong thời gian qua chỉ chú trọng vào đối tượng trẻ em dưới 1 tuổi và phòng ngừa uốn ván sơ sinh bằng tiêm ngừa cho thai phụ.


Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra khuyến cáo tiêm nhắc lại các vắc-xin để tăng hiệu quả phòng ngừa một số bệnh, nhưng mức độ áp dụng vào chương trình tiêm chủng quốc gia thì tùy theo nguồn lực đặc thù của mỗi nước.

Trong xu thế xã hội hóa chăm sóc y tế và với điều kiện kinh tế cho phép, việc áp dụng chương trình tiêm nhắc lại các vắc-xin cho con em mình và chính bản thân người lớn là quyết định đúng đắn, giúp khống chế, đẩy lùi và thanh toán các bệnh nguy hiểm.
 
Theo SKĐS
Chia sẻ