Tắm nước mùi già - nghi thức trịnh trọng trong đêm trừ tịch để đón năm mới của người miền Bắc
Ngày cuối năm tắm nước mùi già không chỉ để thơm tho mà nó còn là một truyền thống đẹp, được lưu giữ qua nhiều thế hệ, trong nhiều gia đình.
Tết đến xuân về, người ta có rất nhiều thứ phải làm, lắm thứ phải kiêng kỵ để tạm biệt năm cũ, đón năm mới với mong muốn mọi việc thuận lợi, may mắn. Trong số hàng tá những điều cần nhớ và phải làm đầy phức tạp ấy, tôi chỉ tình nguyện và hào hứng với rất ít điều mà một trong số đó là tắm nước mùi vào ngày cuối cùng của năm.
Những ngày Tết thơm hương cùng nước mùi già
Tắm lá mùi ở gia đình tôi là một truyền thống được truyền nhiều thế hệ. Tôi ngay từ tấm bé cũng đã quen với việc cứ chiều ngày 30 Tết, khi nhà cửa đã gọn gàng đâu vào đấy, hoặc bà, hoặc mẹ sẽ đun một nồi lá mùi thật đặc để cả nhà pha nước tắm. Thời còn thiếu thốn, khi ấy nấu nước lá mùi vẫn bằng củi, chẳng tiện tí nào, nhưng cả nhà ai nấy đều vui.
Để chuẩn bị cho nồi lá mùi này, bà, mẹ phải đi chợ mua trước từ 28, 29 hoặc sáng sớm 30 Tết vì để muộn dễ chẳng còn mùi già để mà mua. Gánh mùi già thật tình khiêm nhường vô cùng, vài cái mớ cỏn con xanh lét, lớt phớt hoa tím tưởng chừng như sẽ bị chìm nghỉm giữa hàng trăm màu sắc của khu chợ Tết nhưng chẳng hiểu sao các bà, các mẹ ai nhìn cũng nhận ra. Và rồi câu chuyện sau buổi đi chợ thế nào cũng có câu "Ở chợ bán mùi già rồi đấy, sắp Tết thật rồi".
Chung cảm xúc với tôi, bác Lê Thị Nga (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: "Ở gia đình bác, việc tắm nước mùi đã thành thông lệ nhiều đời. Từ đời cụ, đời bà, đời mẹ đến bác và nay là các con bác. Các con bác dù đều đã trưởng thành, đi đây, đi đó, mang nhiều cái hiện đại về nhà, nhưng cứ từ 28 Tết là chúng đều nhắc nhỏm về bó mùi già như ngày con nhỏ. Cô con gái lớn của bác vừa lập gia đình, năm nay dù đã ra ở riêng, nhưng vẫn không quên mua mùi già, nấu nước tắm như khi ở nhà với mẹ".
Mua một mớ mùi già về nhà, ai ai cũng háo hức, nhưng thích nhất là lúc bắc bếp đun lá, mớ mùi già được rửa sạch, cho vào nổi gang lớn và dày để đủ nước cho cả nhà. Nếu muốn gội đầu luôn thì cho thêm ít trái bồ kết nướng, vỏ bưởi. Cứ thế cho nước sôi một chút là có một nồi nước lá thơm nức tỏa mùi vô cùng bình an.
Nấu nước mùi xong, lũ trẻ chẳng làm gì sẽ được ưu tiên tắm trước nhất, còn bà, mẹ vốn tất bật sẽ dành lại nước tắm sau khi mọi thứ cần chuẩn bị đã xong hẳn. Để tắm xong là chỉ việc ngồi thư thả, nghỉ ngơi đợi Tết mà thôi. Bởi tắm nước mùi già chẳng những để thơm tho mà còn như một nghi thức trịnh trọng để gột bỏ mọi ưu tư, muộn phiền trong năm cũ.
Vài gáo nước mùi pha vào nước ấm, tắm táp như bình thường ấy thế mà thích mê, hít hà đâu ra cũng mùi mùi già, mùi Tết. Thậm chí ngày còn nhỏ, do ảnh hưởng của phim ảnh, có lần tắm nước mùi xong, tôi thậm chí đã nghĩ mình là... Hàm Hương công chúa. Giờ lớn thấy buồn cười nhưng quả thực thứ hương mùi già bám da ấm áp, thơm tho vô cùng, khiến người ta chẳng thể không xuýt xoa.
Nhiều năm qua đi, nhưng ngay cả bây giờ, khi mọi thứ đã thực đủ đầy, hầu như nhà nào cũng dùng bình nóng lạnh, ít ai còn lụi cụi đun nước, pha nước tắm, tôi vẫn tình nguyện bắc nồi nước lên bếp ga nấu nước ngày cuối năm như một nghi thức trịnh trọng đón năm mới.
Thú thực tôi là người thích mùi hương, mê mùi thơm, có kha khá nước hoa, tinh dầu, sữa tắm thơm nức nở. Nhưng riêng trong chiều 30, tất thảy chúng đều không sánh được với lá mùi già. Nhưng mùi thơm ngát dễ chịu của mùi với mùi khô hăng của củi hòa quyện quả thực biết bao nhiêu năm sau vẫn là một hồi ức đẹp chẳng thể quên. Tôi thậm chí còn đặt tên cho nó là mùi kỉ niệm, mùi ấu thơ... mùi Tết.