Tấm lòng thơm thảo của nàng dâu một tay chăm chồng điên, bố mẹ bệnh tật trong căn chòi rách

Theo Giadinh.net,
Chia sẻ

Nhiều năm qua, chị Nguyễn Thị Vạn (40 tuổi) đã được coi là người phụ nữ lý tưởng của người dân thôn An Vĩnh (xã Tịnh Kỳ, TP. Quảng Ngãi). Hơn chục năm một tay chèo chống gia đình chồng vì bố mẹ bệnh tật, chồng thần kinh, khổ cực trăm bề. Nhưng hễ ai cám cảnh khuyên bỏ chị dẫn con bỏ đi cho… sướng thân, chị lại nổi giận. Bởi với người phụ nữ nông thôn ấy, cái nghĩa ở đời là quan trọng nhất.

Tấm lòng thơm thảo của nàng dâu một tay chăm chồng điên, bố mẹ bệnh tật trong căn chòi rách  1
Chị Vạn bên người mẹ chồng mù lòa, người chồng bệnh thần kinh và đứa con gái út


“Trong nhờ đục chịu”

Thấy chúng tôi ngồi đợi ngay trước cửa nhà, chị Vạn đầu trần, chân đất, vừa thả bó bã mía trên tay xuống đất, vừa giải thích: “Bã mía người ta cho để dành nấu cơm các chú ạ”. Ngay lúc đó, trong nhà bỗng vang ra tiếng la hét, đập phá. Hóa ra, người chồng tâm thần của chị đang “lên cơn”. Chị vội chạy vào, dẫn anh xuống phía nhà dưới rồi quay lên tiếp chuyện chúng tôi. Chị Vạn có một đặc điểm riêng là hầu như cả đời chưa bao giờ đi dép, khuôn mặt thì luôn cười như chẳng bận tâm chuyện gì. Nhưng những người dân địa phương đều biết, chị đã phải trải qua những gì cơ cực nhất của đời người.

Bao năm nay, “cái chòi” là cách gọi quen thuộc của những người hàng xóm khi nói về nơi ở của gia đình chị Vạn. Căn nhà tồi tàn, cũ kỹ ấy nằm lạc lõng giữa những căn nhà mới mọc lên cùng với sự đổi thay của phố thị. Mỗi khi trời mưa lớn, nhà lại bị ngập nước lai láng. Một mình chị gánh vác mọi việc, miếng ăn còn phải chạy từng bữa, nói gì đến chuyện sửa sang, nâng cấp lại căn nhà. Ngước nhìn lên mái nhà, chị trầm giọng: “Vào mùa đông thì ở được cả ngày nhưng mùa hè phải 8-9 giờ tối, gia định chị mới dám vào nhà vì trời quá nóng. Nhà cũng bị cháy mấy lần rồi vì bị chồng tôi đốt mỗi khi “lên cơn”, may mà phát hiện kịp thời, chứ không thì không biết giờ như thế nào nữa”.

Chị Vạn đến với chồng (anh Nguyễn Lân, 44 tuổi) bằng tình cảm chân thành. Tuy nhiên khi quyết định kết hôn, chị đã gặp phải không ít ý kiến phản đối bởi gia đình chồng chị rất khốn khó. Mẹ chồng mù lòa đã mấy chục năm, còn cha chồng bị bại liệt 2 chân (ông đã qua đời cách đây vài năm – PV), các anh em nhà chồng đều nghèo khổ. Bất chấp tất cả, chị vẫn quyết nên duyên với người đàn ông đã chọn. Thời trẻ, anh Lân vốn là một chàng trai khỏe mạnh. Biết hoàn cảnh mình nghèo, anh chị luôn động viên nhau cùng cố gắng làm lụng để lo cho cha mẹ và 2 đứa con thơ. Bất hạnh ập đến khi cách đây 12 năm, anh bị tai nạn dẫn đến mất trí nhớ.

Chị Vạn cho biết, anh Lân bệnh nặng phải nhập viện, gia đình đã chi 50 triệu đồng để chữa trị nhưng vẫn không thuyên giảm. Bác sĩ bảo, anh không thể phục hồi như trước, chỉ có thể giữ được tính mạng. Dù đã hết sức chạy chữa thuốc thang nhưng thần kinh của anh ngày càng bất ổn. Đang là lao động chính trong nhà, anh mất hoàn toàn sức lao động, lại hay quấy phá nên việc chăm sóc anh hết sức khó khăn. Kể từ khi anh Lân bị bệnh, kinh tế gia đình lúc nào cũng trong cảnh thiếu trước hụt sau. Hiện tại, mọi sinh hoạt trong gia đình đều trông chờ vào số tiền ít ỏi từ làm thuê, làm mướn của chị Vạn. Đã nhiều lúc, đôi vai gầy của chị dường như không còn đủ sức bởi những lo toan và gánh nặng cơm áo gạo tiền để nuôi chồng, con và cha mẹ chồng bệnh tật. Hai đứa con chị, đứa lớn 16 tuổi vừa phải nghỉ học để đi làm thuê giúp mẹ, còn đứa con gái nhỏ sắp vào lớp 6 nhưng có thể sắp tới cũng phải nghỉ học vì gia đình quá khó khăn.

Nhiều khi “lên cơn”, anh Lân còn đập phá đồ đạc trong nhà và đánh cả mẹ, vợ, con. Còn những ngày bình thường, anh đi lang thang, té ngã bị thương đầy mình khiến chị vừa đi làm, vừa phải canh chừng chồng. Chị Vạn tâm sự: “Từ ngày chồng đổ bệnh đến nay, tôi chỉ sợ không còn đủ sức khỏe để lo cho con ăn học. Cuộc sống đã nghèo khổ, bây giờ chồng bị bệnh thế này phải vay mượn khắp nơi, nợ nần chồng chất!”. Cảnh nhà cơ cực, làm không đủ ăn nên khi nghe có người mách có nơi cần tuyển lao động trả lương cao, chị Vạn liền đi theo. Nhưng làm được vài bữa, lo cho mẹ và chồng, con ở nhà, chị đành nghỉ ngang. Hiện tại, sức khỏe của chị đã suy giảm rất nhiều vì làm việc quá sức. Chị cho biết bản thân bị đau dạ dày nhưng không có tiền chạy chữa nên đành bỏ mặc. Có ngày chị bị đau nặng, không thể đi làm, cả gia đình lại đói. Những lúc như vậy, mẹ chồng chị phải lần mò khắp xóm làng để xin bà con con cá, nắm rau.

Hoàn cảnh nhà chị Vạn thương tâm đến nỗi có người cám cảnh còn khuyên chị dẫn con bỏ đi, để mặc gia đình chồng cho… sướng thân. Thế nhưng, nghĩ đến việc không có mình, người mẹ chồng già yếu phải mò mẫm đi xin ăn, chồng phải đi lang thang vạ vật đây đó, chị lại cảm thấy chỉ cần có suy nghĩ ấy cũng đã bất nhân bất nghĩa. Vậy là, chị lại tiếp tục quần quật làm lụng. Chị bảo: “Số phận tôi nó vậy rồi, có lẽ là duyên nợ từ kiếp trước, tôi phải cố gắng thôi. Ai chả muốn sướng nhưng giờ tôi bỏ đi thì gia đình này cũng chẳng còn tồn tại được! Thôi thì trong nhờ, đục chịu”.

Mong con dâu được một ngày thảnh thơi

Bà Nguyễn Thị Củ (mẹ chồng chị Vạn - PV) năm nay đã 87 tuổi. Vì bị mù nên quanh năm suốt tháng, bà chỉ quanh quẩn trong nhà. Nhưng sau khi con trai bị bệnh không còn khả năng lao động, thương con dâu vất vả mà chưa một lần than thở, bà nhất quyết ôm đồ đi giữ trẻ thuê cho người ta. Nhưng cũng chỉ được mấy bữa, chủ nhà lại không thuê bà nữa. Thời gian gần đây, bà Củ cũng đã rất yếu, mọi sinh hoạt của đều gắn với chiếc giường ọp ẹp đặt ngay cửa ra vào. Mỗi tháng, anh Lân được nhận 270.000 đồng tiền trợ cấp cho người khuyết tật, bà Củ được nhận 180.000 đồng tiền trợ cấp cho người già và 30.000 đồng tiền hộ nghèo. Với số tiền 480.000 đồng mỗi tháng, vừa lo ăn uống, thuốc thang, vừa lo các chi phí sinh hoạt khác, chị Vạn phải chật vật xoay sở lắm mới đủ sống qua ngày. Chị Vạn bảo với số tiền trên, hàng tháng chị chỉ có thể mua được chục ký gạo để dè sẻn cho cả tháng, còn chi phí thuốc men cho chồng và mẹ chồng thì đành bỏ lửng, được ngày nào hay ngày đó. Xót thương cho tình cảnh của chị Vạn, bà con lối xóm thỉnh thoảng lại mang qua ít thức ăn. Được bữa nào, mẹ con bà cháu mừng bữa ấy. Bởi những bữa cơm có thịt cá là cả niềm mong ước đối với những người trong gia đình này.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Củ cứ khóc cho đứa con dâu phận bạc của mình. Bà ngậm ngùi: “Đến thời vụ, người ta gọi đi làm nhiều. Tranh thủ kiếm được đồng nào tốt đồng ấy nên nó không từ chối việc gì. Có khi một tháng được đến hơn 1 triệu đồng tiền gặt thuê. Nhưng tiền mua thuốc cho tôi và cho chồng nó còn hơn cả tiền kiếm được nên gia đình lúc nào cũng khốn khó. Làm việc nặng nhiều nên giờ sức khỏe nó cũng yếu lắm. Mà tôi thì già cả chẳng làm được gì nữa, chỉ biết cầu trời cho con dâu luôn khỏe mạnh. Gia đình đùm bọc nhau mà sống!”. Có con dâu bên cạnh, tuổi già của cụ Vạn cũng đỡ mặc cảm và bớt hiu quạnh. Nhưng ở cái tuổi xế chiều không biết ra đi lúc nào, trong lòng cụ vẫn đau đáu một nỗi lo. Cụ tâm sự: “Nó đẹp nết mà phải chịu khổ cực khi rơi vào gia đình tôi. Nhưng với vợ chồng tôi, con trai tôi, đó lại là may mắn mà ông trời đã ban tặng. Bây giờ, tôi chỉ mong trước khi nhắm mắt, được nhìn con dâu thảnh thơi, vui vẻ nhưng e là khó quá”.

Bữa trưa của gia đình chị Vạn chỉ đạm bạc với cơm, rau và một chén mắm. Nhìn chị Vạn ốm yếu với đôi mắt mệt mỏi, đôi tay run rẩy đút cho chồng từng muỗng thức ăn, rồi gắp từng lá rau chấm nước mắm cho mẹ chồng mới thấy hết nghĩa tình người vợ, người con dâu hiếu thảo này. Quả thực giữa xã hội ngày càng coi trọng vật chất này, tấm lòng của chị Vạn thật vô cùng đáng ngưỡng mộ.    

Ông Nguyễn Xí, Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ cho biết: “Hoàn cảnh gia đình chị Vạn rất khó khăn. Bản thân chị luôn phải làm việc vất vả để lo cho gia đình. Mặt trận và các hội đoàn thể của xã, nhất là Hội Phụ nữ thường xuyên vận động bà con trong xã đóng góp vào hũ gạo tình thương để chia sẻ với gia đình chị. Tuy nhiên, dù địa phương đã nỗ lực nhưng đó cũng chỉ là sự giúp đỡ mang tính tạm thời!”.


Chia sẻ