Tại sao vitamin B6 lại quan trọng với cơ thể?
Không có vitamin B6, cơ thể bạn sẽ không thể thực hiện được ngay cả những chức năng đơn giản nhất...
Thật khó tìm được một chức năng nào của cơ thể không phụ thuộc vào vitamin B6. Việc hấp thụ vitamin B6 mỗi ngày còn giúp bạn ngăn ngừa rất nhiều bệnh tật (từ chứng tăng huyết áp và buồn chán cho đến mụn trứng cá và chứng động kinh).
Sau đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về tầm quan trọng của Vitamin B6, những thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng này và các cách giúp bạn hấp thụ đủ lượng cần thiết.
Những thông tin chung về vitamin B6
Được phát hiện vào giữa thập niên 1930, vitamin B6 là một trong những vitamin được nghiên cứu nhiều nhất trong dòng họ B (không có nó, cơ thể sẽ không thể thực hiện được ngay cả những chức năng đơn giản nhất).
Từ việc hình thành axit amin (những khối liên kết protein) cho đến việc xử lý hydrat-cacbon, cung cấp năng lượng cả trong lúc bạn hoạt động thể chất và nghỉ ngơi, cho đến việc hỗ trợ hệ thần kinh và loại bỏ các chất độc hại ra khỏi cơ thể, vitamin B6 được coi là chất dinh dưỡng tuyệt vời nhất giúp cơ thể bạn khỏe mạnh và thoải mái.
Dấu hiệu và triệu chứng thiếu vitamin B6
Vì vitamin B6 rất cần thiết để cơ thể thực hiện một số chức năng hàng ngày nên không quá khó để nhận biết bạn đang thiếu chất dinh dưỡng này.
• Bị chàm bội nhiễm hoặc chứng viêm da
• Da bị khô, dị ứng và ngứa
• Bị chứng co giật hoặc động kinh
• Bị bệnh thiếu máu
• Mệt mỏi, kiệt sức hoặc thấy khó ở
• Đau đầu
Những ai có nguy cơ thiếu vitamin B6?
Những người đang điều trị bệnh/dùng thuốc. Vitamin B6 là một trong những chất dinh dưỡng dễ bị mất nhất trong cơ thể, đặc biệt đối với những người đang dùng thuốc kháng sinh hoặc đang tiến hành điều trị bệnh hàng ngày. Rất nhiều loại thuốc, từ thuốc tránh thai cho đến thuốc chống nấm, có thể làm mất hàm lượng vitamin B6 trong cơ thể bạn.
Những người hút thuốc lá. Do chất sinh ung thư trong thuốc lá nên trong một số trường hợp người hút thuốc cần lượng vitamin B6 gấp đôi người không hút thuốc. Điều đó cũng đúng đối với những người tiếp xúc với khói thuốc lá.
Lượng vitamin B6 nên hấp thụ mỗi ngày
Lượng vitamin khuyến cáo dùng mỗi ngày khác nhau tùy theo giới tính và độ tuổi và sẽ ngày càng tăng khi già đi.
Trẻ em
0-6 tháng: 100 micrograms (mcg)/ngày
6-12 tháng: 300 mcg/ngày
1-3 tuổi: 500 mcg/ngày
4-8 tuổi: 600 mcg/ngày
Nam giới
9-13 tuổi: 1.0 milligram (mg) /ngày
14-50 tuổi: 1.3 mg/ngày
Từ 51 tuổi trở lên: 1.7 mg/ngày
Nữ giới
9-13 tuổi: 1.0 mg/ngày
14-50 tuổi: 1.2 mg/ngày
Từ 51 tuổi trở lên: 1.5 mg/ngày
Phụ nữ mang thai (từ 19 tuổi trở lên): 1.9 mg/ngày
Phụ nữ thời kỳ tiết sữa (từ 19 tuổi trở lên): 2.0 mg/ngày
9-13 tuổi: 1.0 mg/ngày
14-50 tuổi: 1.2 mg/ngày
Từ 51 tuổi trở lên: 1.5 mg/ngày
Phụ nữ mang thai (từ 19 tuổi trở lên): 1.9 mg/ngày
Phụ nữ thời kỳ tiết sữa (từ 19 tuổi trở lên): 2.0 mg/ngày
Những nguồn thực phẩm giàu vitamin B6
Có một số loại thực phẩm giúp bạn cung cấp lượng vitamin B6 cho cơ thể. Sau đây là một số thực phẩm trong số đó: Cá ngừ vây vàng (nướng hoặc bỏ lò), chuối, bánh mì nướng kẹp gà Tây, rau bina luộc, tỏi, ớt ngọt đỏ (không qua chế biến), dưa hấu…
Bổ sung vitamin B6 từ chế độ ăn uống như thế nào?
1. Ăn rau quả tươi. Nhiều loại thực phẩm bị mất hàm lượng vitamin B6 trong suốt quá trình chế biến. Chẳng hạn, rau được chế biến bị mất hơn 60-80% vitamin B6 so với rau quả tươi. Hoa quả đông lạnh cũng bị mất khoảng 15% hàm lượng vitamin B6.
2. Ăn thức ăn không chế biến. Hầu hết hàm lượng vitamin B6 trong ngũ cốc sẽ bị mất sau khi được tinh chế. Do đó, hãy dùng ngũ cốc nguyên chất.
3. Chỉ nấu những thực phẩm giàu vitamin B6 cùng nhau. Nếu được nấu cùng với những thực phẩm giàu axit (như cam và cà chua), những thực phẩm giàu vitamin B6 sẽ bị mất hàm lượng chất dinh dưỡng này. Do đó, hãy nấu chúng riêng ra, như thế bạn sẽ thu được nhiều vitamin B6 hơn.
Thụy Vân
Theo SK&TH