Tại sao trên muôi xới cơm lại có chấm tròn?
Muôi xới cơm là món đồ không thế thiếu trong mỗi gia đình, nhưng các bạn có chắc mình đã tận dụng được hết công dụng của nó.
Nếu để ý, chắc chắn bạn đã từng thấy những lỗ tròn trên tay cầm của muôi xới cơm hay các chấm tròn li ti ở trên bề mặt muôi. Những chi tiết nhỏ và rất ít người để ý nhưng thực ra đều có công dụng riêng.
Công dụng của chấm tròn trên muôi xới cơm
Nhiều người cho rằng các chấm tròn ở trên muôi có công dụng chống dính khi xới cơm, nhưng sự thật lại không phải như vậy.
Nếu là người hay nấu cơm, chắc chắn bạn sẽ thấy dù đã được phủ một lớp chống dính bên ngoài thì các hạt cơm vẫn dễ dính vào thành nồi cơm điện. Đặc biệt là khi nấu các loại gạo dẻo hoặc để cơm qua đêm.
Nếu cơm bị nhão hoặc nồi không còn lớp chống dính thì sau khi cơm nguội đi những hạt cơm này sẽ bám chặt vào thành nồi. Lúc này, để rửa sạch nồi, bạn sẽ phải ngâm nồi cơm với nước, chờ hạt cơm bở ra rồi mời chùi rửa. Nhưng nếu dùng giẻ mềm cọ nồi thì các hạt cơm sẽ lại dính ngược vào giẻ và khó sạch hơn, trong khi dùng cọ sắt sẽ làm hỏng mất lớp chống dính của nồi.
Lúc này, công dụng thực sự của những chấm tròn trên muôi cơm sẽ được phát huy. Chỉ cần chờ cho đến khi cơm mềm ra, sau đó bạn dùng mặt muôi cơm có các chấm tròn và cọ xát nhẹ nhàng vào các hạt cơm bám trên thành nồi. Những chấm tròn này cứng hơn giẻ mềm nhưng lại không sắc như miếng cọ sắt nên sẽ không thể làm hỏng nồi. Chỉ cần nhẹ nhàng cọ xung quanh, phần cơm dính sẽ bong ra hết. Cuối cùng, bạn dùng giẻ mềm cọ sạch nồi cơm là xong.
Công dụng của chiếc lỗ ở phần tay cầm muôi cơm
Những chiếc muôi xới cơm thường được thiết kế với phần tay cầm có một chiếc lỗ. Bạn có thể tận dụng thiết kế này để treo muôi lên. Tuy nhiên, công dụng thực sự của chúng là để đo lượng nước khi nấu cơm.
Nếu bạn so sánh các chiếc muôi xới cơm khác nhau bạn sẽ nhận thấy những chiếc lỗ này được thiết kế khá bằng nhau. Nên thay vì dùng ngón tay để đo lượng nước thì bạn chỉ cần dùng phần tay cầm của chiếc muôi xới cơm và đặt thẳng đứng vào trong nồi sau khi đã vo sạch gạo. Lượng nước chạm vừa đúng đến phần lỗ là lượng chuẩn nhất để nấu cơm. Đảm bảo cơm nấu xong hạt tơi vừa phải, không bị khô cũng không bị nhão.
Những sai lầm khi nấu khiến cơm kém ngon
Vo gạo quá kỹ
Vitamin B1 chủ yếu ở ngoài hạt gạo, nếu vo gạo quá kỹ khi nấu cơm sẽ bị mất đi dưỡng chất. Bạn chỉ nên vo gạo qua 1-2 lần nước để loại bỏ hết bụi bẩn. Nhiều người thường có thói quen vo gạo qua 4-5 lần nước đến khi chỉ còn lại nước trắng trong, đó là sai lầm cần tránh.
Đổ ít hoặc quá nhiều nước
Đổ nước không chính xác có thể dẫn đến cơm bị nhão, khô hoặc cơm không chín đều. Đổ nước sao vừa đủ để ăn cơm vừa dẻo ngon là điều không phải ai cũng làm được. Mỗi loại gạo sẽ phù hợp với lượng nước nhất định. Vì thế, khi mua gạo về cần nấu thử trước, với 500g gạo bạn nên đổ 600ml nước, sau đó thì điều chỉnh dần cho phù hợp.
Mở nắp quá thường xuyên
Mở nắp nhiều lần trong quá trình nấu có thể làm giảm nhiệt độ và làm mất hơi nước cần thiết để nấu chín cơm. Hãy chỉ mở nắp khi cần kiểm tra hoặc khi cơm đã chín.