Tại sao nên nuôi con bằng sữa mẹ?
Để việc nuôi con bằng sữa mẹ đạt hiệu quả cao nhất, sau đây là 5 điều các bà mẹ nên ghi nhớ.
1. Tại sao nên nuôi con bằng sữa mẹ?
Đối với bé:
• Sữa mẹ là loại thức ăn hoàn chỉnh nhất đối với trẻ sơ sinh. Nó chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho bé như chất béo, protein, đường, nước…
• Bú sữa mẹ giúp trẻ ngăn ngừa nhiều bệnh tật như dị ứng, viêm tai, tiêu chảy và viêm đường hô hấp, thậm chí cả cảm lạnh.
• Trẻ sơ sinh được nuôi bằng sữa mẹ trong ít nhất 6 tháng sẽ lớn nhanh hơn và ít có nguy cơ bị thừa cân hoặc suy dinh dưỡng hơn.
• Trẻ được nuôi bằng sữa mẹ, thậm chí cả trẻ sinh non, thường có chỉ số IQ cao hơn so với những trẻ được nuôi bằng sữa bột.
Đối với mẹ:
• Giảm cân: Đây có vẻ là lý do rất hấp dẫn để các bà mẹ nên nuôi con bằng sữa mẹ. Khi cho bé bú, lượng calo thừa trong cơ thể bạn sẽ được đốt cháy, giúp bạn giảm cân dễ dàng hơn.
• Giảm nguy cơ bị ung thư vú và ung thư buồng trứng.
• Giúp co tử cung về kích thước thông thường và cầm máu sau khi sinh.
• Tiết kiệm và thuận lợi: Nuôi con bằng sữa mẹ, bạn sẽ không cần phải tốn tiền mua sữa bột hay bình sữa. Không chỉ thế, bất kỳ khi nào bé cần, bạn đều có thể thỏa mãn cơn đói của bé nhanh chóng mà không cần phải hâm nóng hay dụng cụ pha chế.
• Nuôi con bằng sữa mẹ giúp bạn tạo được sợi dây ràng buộc và sự gắn bó với bé. Sự gần gũi giữa mẹ và bé là điều rất cần thiết với trẻ mới sinh.
2. Đôi “gò bồng đảo”
Sau khi sinh, ngực của bạn thường trở nên quyến rũ hơn. Tuy nhiên, đi cùng với sự thay đổi này là sự nhạy cảm, ngứa ngáy và cảm giác đau đớn.
Trong những giờ đầu tiên sau khi sinh, trong bầu ngực của bạn chứa nhiều sữa non. Đây là loại sữa có hàm lượng protein cao, một chất rất tốt để nuôi bé. Vì thế, tốt nhất trong vòng nửa giờ đầu sau khi sinh, bạn nên cho bé bú ngay.
3. Thời kỳ tiết sữa
Có thể việc nuôi con bằng sữa mẹ phải mất nhiều ngày hoặc thậm chí nhiều tuần để đi vào quỹ đạo. Đó là điều rất bình thường. Vì thế, hãy bình tĩnh và kiên nhẫn thay vì vội tỏ ra thất vọng. Hãy giúp trẻ làm quen với việc bú mẹ trong những lần đầu: Đặt ngón tay cái và các ngón tay khác xung quanh núm vú đồng thời đưa núm vú vuốt ve môi bé cho đến khi bé mở miệng ra và ngậm vào núm vú.
Có một vài tư thế giúp bạn tiết sữa dễ dàng: Bế bé trong tay hoặc nằm nghiêng. Hãy chọn tư thế phù hợp nhất với cả bạn và bé.
Hãy ghi nhớ tên và số điện thoại của một bác sỹ phụ sản giỏi. Nhớ đến gặp ông/bà ấy trước khi sinh bé.
4. Bị đau
Đúng vậy, khi cho con bú, có thể bạn sẽ bị đau và gặp một số tác dụng phụ khác như núm vú chảy máu, bị khô, bầm tím… Điều đó không chỉ xảy ra với bạn mà nhiều phụ nữ khác khi cho con bú. Để giảm đau, bạn có thể bôi dầu hoặc kem dưỡng da sau khi cho bé bú.
5. Cho bé bú bình nếu cần
Bạn có một bộ ngực lớn không đồng nghĩa với việc bạn sẽ có nhiều sữa. Do đó, nếu không đủ sữa mẹ cho bé thì đừng chần chừ trong việc cho bé uống sữa bột.
Đối với những phụ nữ cho con bú sữa mẹ, thỉnh thoảng nên xen kẽ bú bình và bú sữa mẹ. Như thế, bạn sẽ giúp bé làm quen với bú bình và khi cần cho bé ngừng bú sữa mẹ, bạn sẽ không gặp khó khăn.
Điều quan trọng nhất cần nhờ là nếu bạn không thể nuôi con bằng sữa mẹ hoặc quyết định cho con bú bình ngay từ khi bé chào đời thì không có nghĩa bạn là một người mẹ tồi. Nhiều nghiên cứu cho thấy không phải với trẻ nào bú sữa mẹ cũng là cách tốt nhất. Do đó, hãy chọn cách nào tốt nhất cho bạn.
Thụy Vân