Tại sao giới trẻ lại hiếu chiến trên mạng xã hội facebook?
Tâm lý a dua theo người khác trên mạng xã hội tạo ra hiệu ứng đám đông chính là một trong những nguồn cơn dẫn đến xung đột, hiếu chiến trên thế giới ảo.
Câu chuyện về 2 cô gái có xích mích với nhau trên mạng xã hội facebook rồi hẹn lúc 19 giờ đêm 3/8 đến quảng trường Nguyễn Huệ, TP HCM để giải quyết mâu thuẫn vẫn chưa hết xôn xao dư luận.
Sự việc còn gây náo loạn cả đường phố khi có tới hàng trăm thanh niên theo dõi facebook của 2 nhân vật “nổi tiếng” này a dua kéo tới và hò hét, cổ vũ, công kích.
Lý giải về hiện tượng vì sao gần đây việc tuyên chiến xảy ra trong thực tế mà xuất phát từ trên mạng ngày càng nhiều, Tiến sĩ Tâm lý học Bùi Hồng Quân, Sở LĐTB&XH TP HCM cho hay: Thứ nhất, rõ ràng là cùng với sự phát triển của xã hội, ảnh hưởng của truyền thông, mạng xã hội đến đời sống của con người nói chung ngày càng tăng và đặc biệt là giới trẻ.
Thứ 2, hành vi ứng xử của giới trẻ trong cuộc sống thực cũng như ở trên mạng càng ngày càng có nhiều vấn đề cần quan tâm, có một số bạn trẻ ứng xử xa rời lối ứng xử truyền thống và các bạn bị ảnh hưởng bởi các hành vi gây hấn như có xu hướng thích đối đầu với nhau trong cuộc sống cũng như trên mạng.
Thứ 3, đằng sau các hành vi khiêu chiến như vậy có nhiều động cơ khác nhau có thể gây hấn, muốn gặp nhau để giải quyết mâu thuẫn nhưng nó cũng có thể là một trong những chiêu thức để mọi người biết đến hoặc là một trong những hình thức để các bạn khẳng định hình ảnh của mình trên mạng xã hội.
Theo Tiến sĩ Bùi Hồng Quân, trong trường hợp này, bản thân người trong cuộc cố tình lôi kéo đám đông và đám đông xuất phát từ sự tò mò, dường như là tâm lý a dua theo người khác tạo ra hiệu ứng gọi là hiệu ứng đám đông. Từ những sự cổ vũ, hò reo như vậy nó làm cho người trong cuộc vốn đã có sẵn tính hiếu chiến và sự chuẩn bị tâm lý để chiến thì nó càng kích thích sự hiếu chiến của người trong cuộc hơn và nó dẫn đến mức độ quyết liệt, căng thẳng của hành vi của bản thân người trong cuộc tăng lên. Như vậy vô hình chung đám đông lại là một trong những nguồn cơn rất lớn dẫn đến xung đột.
Bởi theo vị chuyên gia tâm lý này, nếu chỉ có 2 người với nhau, không có những người khác thì có thể diễn biến nó khác rồi nhưng trong trường hợp này sự cổ vũ, theo dõi của đám đông lại làm cho hành vi của 2 nhân vật càng thêm hiếu chiến hơn và kết quả lại càng bi thực hơn.
Còn theo ông Đặng Vũ Cảnh Linh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Truyền thông và Phát triển, trong vụ việc này, trước hết phải nói về trách nhiệm của người phát tán thông tin.
Người phát tin có thể xuất phát từ tâm lý cá nhân của bản thân mình, đôi khi cũng không ý thức hết được sự việc, nhất là với những người tạm gọi là người của “công chúng” lại càng bị để ý nhiều hơn với lượng fan, lượng người theo dõi cao, chính vì vậy câu hỏi đặt ra về trách nhiệm của người phát tin là như thế nào?
Theo Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Truyền thông và Phát triển, trường hợp 2 cô gái gây náo loạn ở TP HCM chỉ là một trong vô số vụ việc liên quan đến chuyện trách nhiệm của người phát ra thông tin, thông tin đó khi phát ra đôi khi chỉ với mục đích cá nhân nhưng khi để public, để ở diện rộng rất nhiều người theo dõi và xem thì sẽ dẫn đến sự kích động của các nhóm người khác nhau, các ý kiến khác nhau, nhất là những thanh niên trẻ bây giờ đôi khi không kiểm chứng thông tin, vô tình kích động làm cho sự việc nghiêm trọng hơn.
Ông Đặng Vũ Cảnh Linh cho rằng, vụ việc như vừa rồi chúng ta có thể ngăn chặn kịp thời còn với những vụ việc khác nếu nếu không ngăn chặn được thì sẽ để lại hậu quả khó lường. Từ một việc rất nhỏ là 2 cô gái tranh luận với nhau, cãi nhau, nếu để ở chế độ messenger– tin nhắn với nhau thôi thì sự việc lại không nghiêm trọng như vậy.
Người phát thông tin nếu không cẩn trọng, đôi khi sẽ biến họ trở thành người bị hại mà họ không biết, ông Võ Cảnh Linh nhận định.
Qua đây, ông Linh cho rằng: “Nếu không ngăn chặn kịp thời vụ việc này sẽ gây hậu quả xấu với xã hội và tiếp diễn những sự việc khác, sẽ có rất nhiều người phát thông tin vô trách nhiệm như vậy cùng với sự kích động của rất nhiều người trên mạng”.
Theo ông Linh, để hạn chế những vụ việc tương tự xảy ra cần đề cao giáo dục truyền thông để việc “like” hay “comment trên mạng xã hội phải được thực hiện có trách nhiệm. “Đây là điều hiện giờ chúng ta chưa làm được, nó thể hiện qua rất nhiều vụ việc khác nhau. Cho nên trách nhiệm ban đầu thuộc về những người trong cuộc, tức là người phát ra thông tin, còn trách nhiệm thứ 2 chính là của cộng đồng mạng”, ông Linh nhấn mạnh.
"Ở đây phải khẳng định rằng có rất nhiều bình luận của cộng đồng mạng là có tính tích cực với các vấn đề xã hội, với cá nhân nhưng bên cạnh đó cũng có những bình luận, “like” thiếu trách nhiệm dẫn đến kích động những người trong cuộc, tạo ra mặt trái của tâm lý đám đông. Nếu không có cơ chế điều chỉnh trong tâm lý đám đông này thì có thể dẫn tới hậu quả rất đáng tiếc không thể lường trước được. Đây không còn là cuộc sống ảo nữa mà nó sẽ bước ra ngoài thế giới ảo đó để bước vào đời sống thật".
Còn theo chuyên gia tâm lý Bùi Hồng Quân, để hạn chế những vụ việc đáng tiếc xảy ra do mạng xã hội “các bạn hãy coi đúng là mạng xã hội là thế giới ảo nhưng tác động của nó là thật và dường như bây giờ có nhiều bạn trẻ coi mạng xã hội là một phần cuộc sống của mình và khi các bạn coi như vậy, ý thức được rằng mạng xã hội nó cũng giống như một không gian, một thế giới, ở trên đó diễn ra tất cả các mối quan hệ của xã hội thì các bạn trẻ sẽ cẩn trọng hơn, ý thức hơn về lời nói, hành vi cũng như đưa những bức ảnh của mình lên mạng, lúc đó mỗi một người sẽ giữ cho mình những cái nhìn đẹp cũng như một ứng xử đúng mực trên không gian mạng, khi đó các mối quan hệ bất hòa giữa người này người kia cũng sẽ “dịu” đi và chắc chắn khi đó mạng xã hội sẽ trở lại đúng bản chất của nó là kênh giải trí giúp con người kết nối với nhau chứ không phải tình trạng chúng ta đang thấy.