Bi thảm vụ án cô gái gốc Việt thuê sát thủ giết cha mẹ

Theo Người lao động,
Chia sẻ

Cô con gái của một gia đình mẹ người Việt và bố người Việt gốc Hoa tại Canada đã thuê sát thủ giết cha mẹ mình. Nhiều chi tiết trong vụ án chấn động này mới được tiết lộ.


Jennifer Pan. Ảnh: Tòa án Ontario

Đối với cha mẹ, Jennifer Pan, 28 tuổi, từng được coi như cô con gái “vàng”. Cô gái trẻ gốc Việt sống ở thành phố Markham - phía bắc Toronto, là sinh viên hạng A tại một trường Công giáo rồi giành học bổng và sớm được nhận vào đại học. Theo đúng nguyện vọng của cha, Pan tốt nghiệp ngành dược uy tín của Đại học Toronto và không khó tìm được một chỗ tại bệnh viện SickKids.

Thành tích của Pan khiến cha mẹ cô – bà Bích Hà và ông Huei Hann Pan, vô cùng tự hào. Là người nhập cư Toronto từ Việt Nam, làm việc cho một nhà sản xuất phụ tùng ô tô, họ không thể không vui khi 2 đứa con có thể có một tương lai tươi sáng vốn là ao ước của bất cứ bậc làm cha làm mẹ nào.

Tuy nhiên, bảng thành tích hoàn hảo đó của Pan chỉ là sản phẩm của sự dối trá. Thực tế, cô đã không tốt nghiệp trung học hay theo học Đại học Toronto như những lời đã nói với cha mẹ. Kết cục của lời nói dối này thực sự gây choáng váng.

Phiên tòa xử Pan thuê sát thủ giết cha mẹ kết thúc từ tháng 1 với mức án khá nặng dành cho cô con gái độc ác. Tuy nhiên, toàn bộ câu chuyện liên quan tới vụ án hy hữu này với những chi tiết chưa từng được tiết lộ mới được phóng viên Karen Ho của tạp chí Toronto Life công bố vào tuần trước.


Sự thật về Jennifer Pan nằm ngoài khả năng tưởng tượng của nhiều người. Ảnh: Daily Mail

Karen Ho đã khai thác mọi ngóc ngách trong câu chuyện từ những người bạn học của Pan và hồ sơ tòa án. Sự thật nằm ngoài sức tưởng tượng: Thực tế đứa con vàng không hề tồn tại. Lời nói dối của Pan được thể hiện một cách chuyên nghiệp từ rất sớm với những giấy tờ giả mạo từ báo cáo, thư từ học bổng, bảng điểm đại học…

Ho cho biết trường trung học của Pan có thể coi là nơi hoàn hảo cho một sinh viên như cô: một người thân thiện, cô dễ dàng kết bạn với các chàng trai, cô gái, người châu Á, người da trắng, vận động viên, mọt sách, người ham mê nghệ thuật… Ngoài giờ học, Pan bơi và luyện võ wushu. Tuy nhiên, có một góc khuất mà không ai biết tới trong cô gái thân thiện này, đó là sự giày vò bên trong, tự ti và nghi ngờ bản thân. “Có những vết cắt trên cánh tay của Pan cho thấy trạng thái trầm cảm” – Ho tiết lộ.

Pan thực sự chưa bao giờ học đại học. Cô cũng chưa bao giờ tốt nghiệp trung học.

“Cha mẹ Pan muốn con gái phải là một sinh viên hạng A” – Ho viết – “Thực tế, cô toàn được điểm B. Thực tế với phần đông bọn trẻ, điểm B cũng là một thành tích đáng ghi nhận nhưng điều này được coi là không thể chấp nhận trong gia đình nghiêm khắc của Pan. Thế nên, Pan cứ phải “sửa” phiếu thành tích học tập của mình hết lần này tới lần khác trong những năm trung học.

Thực ra, với thành tích hạng B cũng đủ để Pan sớm được nhận vào Đại học Ryerson ở Toronto, tuy nhiên cô đã trượt cuộc thi toán cuối cấp và không thể tốt nghiệp được trung học. Do đó, cánh cửa đại học cũng khép lại. Tuyệt vọng trong nỗ lực ngăn cha mẹ biết được kết quả học tập của mình, Pan nói dối là sẽ bắt đầu học tại Ryerson vào mùa thu.

Cô nói dự định sẽ học 2 năm sau đó học lên chương trình dược của Đại học Toronto, đúng như kỳ vọng của cha. Ông Hann đã rất vui mừng và thưởng cho cô “con gái rượu” máy tính xách tay mới. Sau đó, Pan lại phải vật lộn để cho cha mẹ tin rằng mình đang sống cuộc đời của một sinh viên và phải giả mạo giấy tờ để thuyết phục cha là mình giành được học bổng 3.000 USD. Tất cả các trò lừa dối của Pan đều qua mắt được cha mẹ và đến lễ tốt nghiệp, cô nói với họ rằng không có đủ vé cho buổi lễ nên họ không thể tham dự. Tuy nhiên, cái kim trong bọc lâu ngày cũng phải lòi ra, theo nhà báo Ho, cha mẹ Pan bắt đầu nghi ngờ và theo dõi cô. Sự thật phơi bày nằm ngoài sức tưởng tượng của họ. Khi cô gái thú nhận, cuộc sống của cô trở nên bức bối hơn.

Cha mẹ của Pan đã nuôi dạy cô và anh trai, Felix, tin vào sự quan trọng tối thượng của thành công học tập. Hai đứa con bị hạn chế các hoạt động đến mức thấp nhất. Cả hai đều “được lệnh” phải dồn tất cả vào học. Ngoài các hoạt động ngoại khóa của trường như trượt băng nghệ thuật, piano, võ thuật và bơi lội, Pan bị cấm tham dự thêm bất cứ hoạt động nào khác được cha mẹ cho là không phục vụ cho một tương lai tươi sáng. Tất nhiên, những đứa trẻ trong ngôi nhà cũng không bao giờ biết tới hẹn hò.

Trong ngôi nhà ở Markham còn trưng bày nhiều chiếc cúp giải thưởng của Pan.

Khi biết được sự thật, cha mẹ còn cấm đoán nghiêm ngặt hơn đối với đứa con gái họ cho là đã hư hỏng. Pan bị cấm dùng điện thoại di động, máy tính xách tay và cả hẹn hò với bạn trai Daniel Wong. Pan bắt đầu nghĩ rằng cuộc sống của mình sẽ tốt hơn biết bao nếu không có cha mẹ. Và với sự giúp đỡ của Daniel, cô lập mưu giết cha mẹ để thoát khỏi cuộc sống cầm tù trong chính ngôi nhà mình.


Daniel Wong (phải). Ảnh: Daily Mail

Chuyện sau đó được mô tả rất khủng khiếp trên Toronto Life và trước đó trong phiên tòa. Trong vụ giết người được lên kế hoạch giống như một vụ cướp, Pan đóng vai nhân chứng bất lực trong khi 3 kẻ giết thuê gồm David Mylvaganam, Lenford Crawford và Eric Carty (bị cáo buộc), bắn chết người mẹ mình và gây thương tích nặng cho người cha. Pan còn gọi 911 để vụ án có vẻ “thật” hơn.

Tuy nhiên, sự thật đã không thể qua mắt được giới điều tra. Tòa án ở Ontario hồi tháng 1 đã buộc tội Pan và 3 đồng phạm phạm tội giết người cấp độ 1 và cố sát. Tất cả đều bị án tù 25 năm. Carty, người không nhận tội, sẽ được xét xử riêng.


Ảnh nạn nhân. Tại phiên tòa xử con gái, ông Hann đã chia sẻ: "Tôi không còn người vợ thân yêu và cũng mất luôn cả con gái, tôi cảm thấy như mình cũng đã chết". Ảnh: Daily Mail

Đây là một vụ án hy hữu gây chấn động dư luận. Ngoài lên án hành động mất nhân tính của cô con gái, nhiều người lại bàn tới câu chuyện áp lực gánh nặng lên con gái từ những bậc cha mẹ nhập khiến con cái họ bị “mắc kẹt” trong những giấc mơ của cha mẹ.

Chia sẻ