Tại sao "cậu Thủy" bị nghi ngờ khi đi tìm hài cốt liệt sĩ?
“Cậu Thủy” và đồng bọn đã chiếm đoạt của Nhà nước khoảng 8 tỷ đồng trong chương trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại Quảng Trị.
Sáng nay (28.10), Cơ quan an ninh điều tra, Công an tỉnh Quảng Trị đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng, khám xét nơi ở đối với Nguyễn Văn Thúy (tức “Cậu Thủy”, SN 1959) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo nguồn tin ban đầu, ngoài "ăn" tiền của người dân, “Cậu Thủy” và đồng bọn đã chiếm đoạt của Nhà nước khoảng 8 tỷ đồng trong chương trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại xã Gio Mai, huyện Gio Linh (Quảng Trị) vào ngày 25.7 vừa qua.
Đây là chương trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ do Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tổ chức. Tại buổi cất bốc, ông Thúy có vai trò là nhà ngoại cảm, giúp việc cho ông là bà Duyên.
"Cậu Thủy" thời điểm bị cơ quan điều tra bắt giữ hôm 28.10.
Tại đây, “Cậu Thủy” tìm thấy được 9 bộ hài cốt, trong đó ông này xác định danh tính, quê quán 3 hài cốt, gồm: liệt sĩ Tạ Văn Tín, thuộc Sư đoàn 320, (SN 1946, hy sinh ngày 27.6.1969); liệt sĩ Nguyễn Như Hồ (thuộc Trung đoàn 48, sư 320, hy sinh ngày 25.5.1968, xã Chu Dương, Thanh Oai, Hà Tây nay thuộc Hà Nội) và liệt sĩ Hoàng Văn Thành (SN 1942 tại xã Sơn Lâm, Sơn Dương,Tuyên Quang).
Tuy nhiên, theo hồ sơ lưu trữ tại cơ quan chức năng Quảng Trị, liệt sĩ Tạ Văn Tín, người nhà của chị Chung tại Quảng Bình, không thuộc sư đoàn 320. Liệt sĩ Tín (SN 1946) nhập ngũ tháng 8.1964 thuộc đại đội 8, tiểu đoàn 5, trung đoàn 24, sư 304, hy sinh năm 1969, tại cao điểm 420 ở huyện Hướng Hoá, Quảng Trị. Việc liệt sĩ hy sinh tại Hướng Hóa lại được chôn cất tại huyện Vĩnh Linh và chôn chung với liệt sĩ khác hy sinh năm 1968 đã khiến cơ quan chức năng nghi ngờ.
Ngoài ra, hiện trường cho thấy nơi khai quật các hài cốt liệt sĩ dù cách đây 45 năm nhưng đất rất tơi xốp; các di vật như bi đông và tên khắc trên bi đông còn rất mới; lá cây tràm còn xanh dù được đào lên từ độ sâu 60 cm… Hơn nữa, khu vực này vốn là cánh đồng lúa của người dân trồng từ những năm 1966 đến 1969. Sau này, dân bỏ hoang do tình trạng cát bay, cát nhảy bồi lấp hình thành cồn cát, nên đào sâu 80 cm vẫn chưa chạm đến phần đất ruộng.
Khi “Cậu Thủy” bị bắt, hàng trăm người dân đã đến chứng kiến. Ông Mẫn Bá Thành (SN 1952, ở cùng thôn “Cậu Thủy”) - cựu chiến binh từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, bức xúc: “Xã hội không còn pháp luật nữa hay sao mà các đối tượng lừa đảo lợi dụng lòng tin của người dân, kiếm tiền trên linh hồn của đồng đội chúng tôi”.
“Việc bắt các đối tượng này chúng tôi rất vui mừng và mong pháp luật sẽ xử lý thích nghiêm các đối tượng này”- ông Thành nói.