Mỗi năm chỉ vẽ 3 tranh, thông tin về đại danh họa thế giới này quá ít ỏi
Vì đâu mà thủ pháp nghệ thuật của ông lại được rất nhiều người ngưỡng mộ?
Khi nhắc đến đại danh họa nổi tiếng của thế giới, bạn nghĩ ngay đến ai? Leonardo da Vinci, Van Gogh, Michelangelo, Picasso?
Vậy còn Johannes Vermeer thì sao?
Johannes Vermeer, họa sĩ sáng tác bức tranh “Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai” nổi tiếng, là cái tên còn xa lạ với một số người. Điều này cũng dễ hiểu, bởi những gì thế giới biết và ghi chép về cuộc đời của Vermeer còn quá ít ỏi.
Dường như danh họa này đã dành trọn cuộc đời cho nghệ thuật mà không đoái hoài gì đến việc ghi lại những dấu ấn khác, hoặc ít nhất là truyền lại kỹ thuật vẽ cho thế hệ mai sau. Thậm chí, có lẽ vì mải mê mô tả sự vật xung quanh mà ông không có một bức chân dung tự họa nào.
Những nguồn thông tin duy nhất còn lại của Vermeer chỉ là một số giấy tờ đăng ký, vài tập tài liệu và lời các nghệ sĩ khác nhận xét về ông. Khi qua đời, Vermeer chìm vào lãng quên, mãi cho tới năm 1866, khi nhà phê bình nghệ thuật người Pháp Thore Burger xuất bản sách luận bàn về tranh của Vermeer thì thế giới mới nhận ra tài năng của ông.
Cũng vì quá bí ẩn mà Thore Burger đã gọi Vermeer bằng cái tên “nhân sư thành Delft” (thành Delft là nơi ông sinh ra).
Tài năng chưa tỏa sáng đủ lâu thì đã vụt tắt
Johannes Vermeer sinh ra ở thành phố Delft, Hà Lan vào ngày 31 tháng 10 năm 1632. Cha ông làm công việc quản lý quán rượu và buôn bán các tác phẩm nghệ thuật, và Vermeer thừa kế cả hai công việc kinh doanh này sau khi cha qua đời năm 1652. Tính chất công việc đã giúp ông hình thành quan điểm sắc bén và có tính chuyên môn về nghệ thuật.
Vermeer đã kết hôn với một cô gái Công giáo tên là Catherina Bolnes, sống tại một ngôi làng lân cận tên là Schipluiden. Đối với Vermeer, đây là một sự kết duyên rất phù hợp, bởi vợ ông xuất thân là từ một gia đình có nền tảng tài chính ổn định. Về sau, cặp đôi được cho là đã chuyển đến sống với mẹ Catherina tại ngôi nhà rộng lớn. Vermeer sống ở đó và vẽ tranh đến cuối đời.
Không ai biết chắc Vermeer học vẽ ở đâu và từ ai. Người ta đồn giáo viên của ông là Carel Fabritius hoặc họa sĩ Leonaert Bramer. Cũng có thể ông tự mày mò. Xét cho cùng, có cha là người thường làm việc với tranh ảnh nên không khó để ông kết nối với các danh họa nổi tiếng hoặc học hỏi một số phong cách vẽ đặc biệt.
Năm 1653, một năm sau ngày cha Vermeer mất, ông gia nhập Hiệp hội Saint Luke, một tổ chức thương mại dành cho các họa sĩ, nhưng người ta nhận ra ông không trả phí thành viên thường xuyên - đây là dấu hiệu chứng tỏ Vermeer đang gặp khó khăn tài chính. Đến năm 1662, ông được bầu làm người đứng đầu tổ chức nhờ khả năng hội họa nổi bật hơn hẳn các đồng nghiệp cùng thời.
Tài năng là thế, nhưng Vermeer không phải là một họa sĩ năng suất, ông làm việc khá chậm, trung bình “cho ra lò” được 3 bức tranh mỗi năm theo đơn đặt hàng. Ông đặt rất nhiều tâm huyết vào một bức tranh và mỗi tác phẩm đều đòi hỏi sự chi tiết, chính xác đến phi thường. Sự kỳ công này phần nào giải thích cho số lượng tác phẩm hạn chế của Vermeer.
Cuộc sống yên bình chưa diễn ra được bao lâu, một đợt suy thoái kinh tế nghiêm trọng xảy ra ở Hà Lan năm 1672 do chiến tranh xảy đến, kéo theo đó là sự sụp đổ của thị trường kinh doanh tranh nghệ thuật.
Công việc của Vermeer bị tổn hại nghiêm trọng, buộc ông phải đi vay tiền, chạy vạy khắp nơi lo cho gia đình gồm 11 người con. Có lẽ vì căng thẳng chồng chất, Vermeer qua đời năm 1675 do đột quỵ và để lại một khoản nợ lớn. Điều đáng tiếc là không ai trong số 11 người con được kế thừa kỹ năng vẽ tranh và quan điểm thẩm mỹ có một không hai của cha.
Tranh của Vermeer rõ ràng được giới mộ điệu đương thời đánh giá cao, nhưng vì sao nó vẫn chưa có được sự phổ biến và công nhận xứng đáng vào thời điểm ấy? Các chuyên gia phân tích rằng có thể Vermeer không tìm được cách để kết nối với các nhà bảo trợ bên ngoài thành Delft để giới thiệu tác phẩm của mình. Thực tế, ông chưa bao giờ rời quê hương để “tiếp thị” tác phẩm tự họa.
Yếu tố thứ hai là Vermeer cũng không làm việc với tranh khắc axit (etching) hay tranh chạm trổ (engraving), vốn rất thịnh hành vào thời điểm bấy giờ. Ngoài ra, vì Delft thuộc phía nam Hà Lan, một vị trí thường bị quân Tây Ban Nha xâm chiếm, nên nền kinh tế và thị trường nghệ thuật thường gặp nhiều gián đoạn, từ đó làm trầm trọng thêm các vấn đề sẵn có của Vermeer.
Dù vậy, Vermeer vẫn là một nghệ sĩ được kính trọng. Người ta cứ mãi nuối tiếc vì ông không bao giờ nhận dạy một học trò nào, ông cũng chưa kịp để lại một gia tài tranh đồ sộ thì đã ra đi quá sớm.
Thủ pháp bậc thầy trong việc điều khiển ánh sáng
Vermeer vẽ chưa đến 60 tranh trong toàn bộ sự nghiệp, nhưng người ta chỉ thu thập được 36 bức. Đặc điểm dễ nhận ra nhất trong các tác phẩm mang dấu ấn Vermeer chính là ánh sáng, hay cụ thể hơn là ánh sáng hắt từ trái sang phải. Có rất nhiều chủ thể (con người, đồ vật) hiện lên dưới lớp ánh sáng dịu nhẹ trong tranh của ông, và để khắc họa chân thực từng chi tiết, người vẽ sẽ cần một sự am hiểu kỹ lưỡng về toán học, quang học, vật lý, đồng thời sở hữu óc quan sát tinh tế về không gian.
Tuy nhiên, óc quan sát thôi là chưa đủ, mà còn cần đến khả năng lựa chọn màu vẽ, các nhà phân tích tranh nhận ra Vermeer ngay từ thời kỳ đầu bước vào ngành nghệ thuật đã rất ưa dùng bột màu xanh lam ultramarine làm từ đá lapis lazuli.
Không một nghệ sĩ nào cùng thời bắt đầu sự nghiệp mà đã dám dùng màu ultramarine, bởi đây là thứ màu “đắt cắt cổ”, bù lại cho chi phí về màu vẽ, Vermeer phải dùng bút lông có chất lượng rất thấp. Đôi khi ông cũng dùng bột ultramarine không tinh khiết để tiết kiệm tiền.
Sở dĩ màu ultramarine là nhân tố quan trọng trong tranh Vermeer là nhờ đặc tính phản chiếu, ví dụ khi phóng to hình ảnh cửa sổ kính trong bức tranh "Buổi học nhạc", ta nhận ra một lớp ảo giác như thể ánh sáng thực sự đang chiếu mờ qua lớp kính. Bí quyết là Vermeer đã cố tình để lớp phủ màu nâu lộ ra ở viền kính, còn lớp kính thì được vẽ bằng màu ultramarine pha trắng.
Khi nhìn cận cảnh cửa sổ, ta nhận ra một lớp ảo giác như thể ánh sáng thực sự đang chiếu mờ qua lớp kính.
Phương pháp pha màu này có thể được truyền cảm hứng bởi lý thuyết màu sắc của Leonardo da Vinci, theo đó bề mặt của mọi vật thể đều bị tác động bởi màu sắc của những vật thể khác bên cạnh. Điều này có nghĩa là màu sắc của mọi vật thể bạn nhìn thấy đều không phải màu tự nhiên nhất của nó.
Màu ultramarine cũng làm dịu mắt của các sắc tố nóng, giúp bức tranh hài hòa hơn kể cả khi gam màu gắt chiếm ưu thế trong bố cục.
Ví dụ như bức tranh Cô gái cầm ly rượu (Braunschweig). Chiếc váy màu đỏ đã được sơn lót bằng một lớp ultramarine tự nhiên, và nhờ lớp sơn màu xanh lam bên dưới này mà chiếc váy phảng phất chút sắc tím dịu dàng, mát mẻ và lôi cuốn.
Mỗi nhân vật trong tranh đều có một tính cách bí ẩn, hấp dẫn
Vermeer thường hiếm khi vẽ tranh phong cảnh, chủ đề yêu thích của ông là chân dung. Ông tập trung tả thực hình ảnh con người trong xã hội Hà Lan thế kỷ XVII, từ chân dung cô gái rót sữa chất phác, giản dị, đến những người thương gia, gia đình tư sản giàu có, sang trọng. Ngoài ra, một số bức tranh cũng ẩn chứa thông điệp về tôn giáo, khoa học.
Dù ông chọn dấn thân với chủ đề nào, thì nhân vật trong tranh luôn hiện lên với một vẻ tĩnh lặng, nhung nhớ trầm mặc và bí ẩn. Vermeer không cố “lên gân” các đường nét mà để nhân vật tương tác một cách từ tốn trong không gian sống của riêng họ. Họ có thể đang rót sữa, đánh đàn, viết, vẽ tranh, tất cả các hoạt động đều rất gần gũi với đời thường.
Ngoài cố gắng vẽ nhân vật thật chi tiết, làm sao để Vermeer miêu tả đời sống nội tâm của nhân vật trong tranh? Đáp án là chạm đến những mặt cắt riêng tư của nhân vật.
Ví dụ trong bức tranh “Người đàn bà đọc thư bên cửa sổ", một hành vi văn hóa rất riêng tư của con người là “đọc thư” đã hiện lên thật chi tiết, ánh sáng nhạt hắt ra từ khung sổ gợi mở nhiều cảm xúc, đó có thể là một bức thư đượm buồn, nhưng cũng ẩn chứa nhiều thông điệp tươi sáng, tùy cách nhìn nhận của người xem.
Hành động đọc cho thấy cô đang đắm chìm vào dòng suy tưởng riêng, ta như đang quan sát một thế giới mà con người trong thế giới đó lại như chìm vào thế giới khác. Phong cách đặc trưng của Vermeer là mời gọi người xem cuốn vào đời sống của người trong tranh, và ông đã thành công.
Có lẽ ai cũng từng thấy bức tranh "Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai" một lần trong đời, đây là bức tranh nổi tiếng nhất của Vermeer. Bức tranh mô tả một thiếu nữ ngồi trước phông nền tối, hình ảnh cô sáng bừng lên, xóa nhòa ranh giới giữa tranh và người ngắm tranh.
Khi nhìn vào đôi mắt sâu thẳm của người thiếu nữ, nhà phê bình Tracy Chevalier cảm thấy cô gái ấy vừa cởi mở, có nhiều tâm tư muốn nói nhưng cũng khép kín, quyến rũ và rất bí ẩn.
Từ ngày 10/2/2023 đến ngày 4/6/2023, 28 bức tranh của Vermeer sẽ được trưng bày ở thủ đô Amsterdam, Hà Lan. Hiện tranh của danh họa được coi là báu vật nên rất hiếm khi được cho mượn để trưng bày.
Chính vì vậy, đây là dịp đặc biệt để chiêm ngưỡng tranh của ông với quy mô lớn. Đây cũng là triển lãm quy mô chưa từng có về một trong những bậc thầy hội hoạ thế kỷ 17. Giám đốc phòng trưng bày Bảo tàng Rijksmuseum, ông Taco Dibbits cho biết: “Lần đầu tiên trong lịch sử 200 năm của Bảo tàng, chúng tôi tổ chức một triển lãm chuyên khảo về Vermeer”.
Tại triển lãm tranh Vermeer, những người yêu hội hoạ có cơ hội chiêm ngưỡng nhiều kiệt tác của nền mỹ thuật thế giới như tác phẩm “Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai”, “Diana và các bạn gái”, “Cô gái rót sữa”, “Quang cảnh thành Delft”.