8 sự thật về đại danh họa Leonardo da Vinci giúp giải mã rất nhiều điều thú vị về các bức tranh nổi tiếng nhất thế giới
Leonardo da Vinci - danh họa vĩ đại của thế giới luôn có những tính cách và suy nghĩ khác biệt, đi trước thời đại.
Leonardo da Vinci sinh ngày 15 tháng 4 năm 1452 tại Vinci, Cộng hòa Florence, Ý và mất ngày 2 tháng 5 năm 1519 tại Amboise, Pháp. Cho đến tận ngày nay, ông vẫn được công nhận là một trong những nhà hội họa đại tài, có ảnh hưởng nhất lịch sử. Ngay từ nhỏ, Leonardo da Vinci đã có biểu hiện thiên tài. Đại danh họa có rất nhiều suy nghĩ, tính cách khác biệt với số đông và nhiều điều trong số đó đã giúp ông trở thành thiên tài:
Leonardo không được đến trường đi học
Leonardo không được đi học theo kiểu chính quy truyền thống khi còn nhỏ. Là con trai của một cặp vợ chồng chưa kết hôn chính thức, ông bị xa lánh khi đến trường. Vì vậy, Leonardo đã phải tự học. Thiên nhiên là lớp học của ông. Ông học cách quan sát, lý thuyết hóa và sau đó kiểm tra kiến thức của mình một cách nghiêm ngặt. Niềm đam mê học tập của Leonardo có thể được nhìn thấy trong các ghi chú và mật mã chi tiết trong loạt tác phẩm sau này.
Leonardo tin rằng điêu khắc là một loại hình nghệ thuật kém hơn hội họa
Ông từng khẳng định mình cảm thấy điêu khắc kém cao quý hơn hội họa vì nó đòi hỏi “ít sự khéo léo hơn” và không liên quan đến “tất cả những thứ có thể cảm nhận được trong tự nhiên”. Cụ thể, một nhà điêu khắc có thể tạo ra tác phẩm của mình mà không cần quan tâm đến màu sắc, ánh sáng và bóng tối, ông nói.
Leonardo da Vinci cho rằng mình không chỉ là một họa sĩ
Ông mô tả và giới thiệu mình là một kỹ sư cơ khí, kỹ sư quân sự, kiến trúc sư, nhà phát minh, kỹ sư thủy lực và triết gia, chứ không chỉ đơn thuần là họa sĩ. Lúc sinh thời, dù sống trong thế kỷ 15 nhưng Leonardo da Vinci đã luôn “vượt chuẩn” chung và không hạn chế mình trong những tiêu chuẩn xã hội.
Leonardo luôn thử nghiệm góc nhìn phi truyền thống trong tranh của mình
Nếu một bức tranh được đặt trên một bức tường mà nó sẽ được nhìn chủ yếu từ một góc, thì đại danh họa sẽ làm biến dạng hình ảnh để tạo ra ảo ảnh quang học về phối cảnh chính xác từ góc đó. Cách này được gọi là biến hình. Trong các bức tranh khác, ông đã sử dụng các kỹ thuật “phối cảnh phức tạp” - chẳng hạn như trong bức tranh tường “Bữa ăn tối cuối cùng”.
Những bức tranh tường hoặc tranh treo tường lớn của ông thường được nhìn từ bên cạnh hoặc từ xa. Leonardo đã vẽ từ góc độ “rút gọn” để điều chỉnh góc độ và khoảng cách của người xem với bức tranh. Họa sĩ luôn muốn tác phẩm phải trông sống động, hiện thực từ mọi góc độ khác nhau.
Leonardo được ghi nhận là người đã nghĩ ra nhiều phát minh thời hiện đại
Có vô số thứ mà Leonardo đã tưởng tượng ra trước khi chúng thực sự được phát minh vào hàng trăm năm sau. Trong ghi chú hoặc tranh vẽ của mình, ông từng “tạo ra” xe tăng bọc thép, súng máy, máy đánh chữ, cần cẩu xây dựng, máy bay,... Lúc đó, chúng đều là phát minh tưởng tượng của họa sĩ nhưng thực sự đã trở thành hiện thực trong tương lai. Người ta có thể thấy trí tưởng tượng của Leonardo da Vinci đi trước thời đại đến mức nào.
Leonardo là nhà giải phẫu cơ thể người và động vật
Các nghiên cứu về giải phẫu của ông bắt đầu như nghiên cứu để tìm hiểu hình dạng con người cho mục đích vẽ tranh. Thế nhưng với trí tò mò và ham học hỏi vô tận, danh họa đã vượt xa việc chỉ cung cấp thông tin nghệ thuật. Ví dụ, ông sẽ tìm các thi thể được hiến cho y học, loại bỏ nhãn cầu của con người và giải phẫu chi tiết để hiểu rõ hơn về từng kết cấu con ngươi. Đó là một trong những lý do những con người trong tranh da Vinci trông thật và sống động đến vậy.
Leonardo đã viết ghi chú của mình bằng chữ viết gương
Một phát hiện khiến người ta phải kinh ngạc sự thần bí thiên tài của Leonardo là nhiều tập ghi chú của ông được viết bằng chữ viết trong gương, tức chúng ta phải giơ trước gương mới có thể đọc được chính xác. Nhưng lý do ông viết theo cách này rất đơn giản: Leonardo thuận tay trái. Viết từ phải sang trái khiến ông thoải mái hơn.
Leonardo da Vinci thường xuyên bỏ dở các dự án nghệ thuật và các dự án cá nhân
Mona Lisa là một dự án Leonardo được thuê vẽ bởi Francesco del Giocondo, một nhà buôn tơ lụa giàu có của Medici. Giocondo chưa bao giờ nhận được bức tranh. Các tác phẩm khác như tượng đài ngựa Sforza và tranh tường Trận Anghiari đều bị Leonardo bỏ dở và không bao giờ hoàn thành. Lúc cuối đời, Leonardo thậm chí đã chán vẽ và không thể “chịu nổi khi nhìn thấy cây cọ vẽ”.
Nguồn: Listcaboodle