Tác dụng ngược từ việc cho trẻ học tiền lớp 1
Nhiều phụ huynh vì quá lo lắng đã bắt trẻ mầm non học trước cả mấy tháng hè, kể cả tập viết, làm toán, kể chuyện… theo sách lớp 1.
Điều này được đánh giá là không khoa học, thậm chí với nhiều trẻ là phản tác dụng.
Hối hả tìm thầy
Cách ngày khai trường nửa năm, nhiều trẻ đã được cho học sớm những kiến thức được cho là cần thiết để yên tâm khi vào “đại học chữ to”. Nhiều gia đình đôn đáo lo tìm trường, lớp để con học tiền tiểu học.
Chị Nguyễn Thu Huyền (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Đến cơ quan thì những phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 sốt sắng hỏi nhau. Người cho con học tiền lớp 1, người tìm thầy luyện chữ, tìm kiếm kinh nghiệm của phụ huynh đi trước…”.
Dù được khuyên không nên cho con học chữ trước khi vào lớp 1 nhưng chị Huyền Anh (Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Không cho con học trước, tôi lo khi bước vào năm học tới, con sẽ không theo kịp các bạn. Môi trường mới với nhiều điều lạ lẫm đã khiến trẻ khó thích nghi, lại thêm kiến thức không vững nên tôi sợ con mất tự tin, dễ nản mà thụt lùi”.
Khi tham khảo ở những hội nhóm cha mẹ trên mạng xã hội, chị Huyền Anh thấy một số đã viết và đọc khá tốt, trong khi con nhà mình chưa thuộc hết mặt chữ. “Tôi thấy con tiếp thu chậm, mải chơi. Mỗi lần bố mẹ bắt học chữ con đều uể oải, mếu máo. Tôi rất lo vì sắp vào năm học rồi”, chị Huyền Anh nói.
Cô Nguyễn Thị Huê, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng (Hà Nội), phân tích, không phủ nhận việc các khóa tiền tiểu học sẽ phát triển kỹ năng quan sát, ghi nhớ, suy luận và diễn đạt cho trẻ. Nhưng nếu đã được học trước, trẻ khi vào học sẽ không còn tập trung nữa. Từ đó dẫn tới tâm lý chủ quan. Quá trình tự khám phá kiến thức cũng không còn. Thậm chí, do bị ép quá nhiều khi vẫn ở độ tuổi mầm non còn ham chơi, một số em sợ vào lớp 1, sợ chuyển trường mới và chán nản.
Cô Huê cũng cho rằng, con trẻ có 5 năm để làm quen dần với việc học hành. Trong 5 năm tiểu học đó, mục tiêu giáo dục chủ yếu là cho các con làm quen.
“Chương trình học lớp 1 là bắt đầu từ đầu. Tất cả các tiết học của trẻ sẽ phải được tiến hành đầy đủ cho dù học sinh đã biết chữ trước hay chưa. Điều đó có nghĩa là dù trẻ học trước hay không học trước thì các bài học vẫn được diễn ra hoàn toàn từ đầu. Như vậy, việc học trước khi vào lớp 1 là thừa. Các giáo viên lớp 1 đã nhận diện về trẻ học trước hay không cũng sẽ có mặt bằng kiến thức bằng nhau sau 2 tháng nhập học”, cô Huê nói.
Học sớm dễ gây nhàm chán
Lâu nay, kỳ tuyển sinh vào các lớp đầu cấp luôn là cuộc chạy đua khốc liệt. Điều này cũng dễ lý giải khi số lượng dân cư tập trung tại các thành phố ngày càng cao. Trong khi theo Điều lệ Trường tiểu học, mỗi lớp học không quá số học sinh theo quy định. Nhiều năm qua, tình trạng quá tải sĩ số học sinh của Hà Nội luôn là vấn đề phải bàn mà chưa có lời giải.
Là giáo viên mầm non gần 20 năm kinh nghiệm, cô Nguyễn Thị Liên, Trường Mầm non Thực hành Hoa Sen (Hà Nội) chia sẻ: “Tôi không khuyến khích cha mẹ học sinh đôn đáo tìm lớp học cho con trước khi vào lớp 1. Kể cả việc cha mẹ tự dạy con ở nhà cũng nên tránh. Bởi các cháu khi được tập viết từ trước nhưng nếu không đúng phương pháp sẽ dẫn đến tình trạng bị quen tay và rất khó uốn nắn. Từ đó dẫn tới việc chữ viết không đúng quy chuẩn và kích cỡ”.
Cô Liên cho rằng, chương trình tiểu học đã được tính toán rất kỹ dựa trên quá trình nghiên cứu cụ thể. Việc cần nhất là để con trẻ được phát triển tự nhiên theo đúng lứa tuổi của mình. Bên cạnh đó, cha mẹ cần thúc đẩy con thích tìm tòi, khám phá, thích nghi với những cái mới… Được học trước kiến thức sẽ khiến trẻ nhàm chán, chủ quan, không tập trung ngay khi các em phải học những bài học đầu tiên.
Bên cạnh đó, nhiều cha mẹ thường mắc sai lầm là con đang ở độ tuổi mẫu giáo nhưng đã cho trẻ viết bút mực và bút bi. Đây là lần đầu tiên các em được cầm bút để tập viết những nét chữ, con chữ theo “quy trình viết chữ”. Vì vậy khi cầm bút, bàn tay, cổ tay và các ngón tay của các em đang còn vụng về.
Thậm chí, lúc viết các em đè rất mạnh nhiều khi rách cả tờ giấy. Chỗ cầm bút có em cầm thấp, có em cầm cao, viết chưa ưng ý lại tẩy để viết lại… Và công cụ tập viết hữu hiệu nhất theo đúng tâm lý và hành động của các em chính là bút chì.
Khi dùng bút chì, chỗ trên điểm gọt bút chính là chỗ để các em cầm bút viết, nếu các em cầm bút thấp hơn hoặc cao hơn điểm gọt bút sẽ dẫn đến khó viết và viết chậm. Ngòi bút chì mềm nên nếu các em đè mạnh thì ngòi bút sẽ bị gãy. Sau một vài lần ngòi bút bị gãy, các em sẽ rút kinh nghiệm và không đè mạnh nữa. Điều nữa là phía trên của mỗi chiếc bút chì người ta gắn một cục tẩy để giúp học sinh khi viết sai có thể tẩy để viết lại. Vì vậy, phụ huynh không nên tự ý cho con em mới vào lớp 1 viết bằng bút bi, bút mực.
“Phụ huynh không cần phải quá lo lắng việc con em mình không thể theo nổi chương trình. Trong khi, yêu cầu của ngành Giáo dục đối với cấp mầm non là chỉ cần nhận biết mặt chữ và 10 con số. Việc tập viết chủ yếu là mô phỏng. Mặc dù, các bậc phụ huynh rất sốt ruột, lo lắng nhưng cho con học tiền tiểu học thực sự không cần thiết” - cô Nguyễn Thị Huê chia sẻ.