Sương mù quang hóa đang hoành hành cả Hà Nội lẫn Sài Gòn: Người dân nên làm gì khi ra đường?
Môi trường không khí luôn trong tình trạng sương mù quang hóa khiến sức khỏe người dân suy giảm, gây ra một loạt các bệnh như hen suyễn, viêm phổi, ung thư, suy nhược thần kinh, giảm tuổi thọ…
Choáng váng cảnh thành phố đẫm màu “sương mù quang hóa”
Theo thông tin từ Tổng cục môi trường, sự gia tăng của các khí ô nhiễm trong môi trường làm cho hiện tượng sương mù quang hóa đã và đang hoành hành ở khắp các trung tâm thành phố, trong đó đỉnh điểm là ở TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Với đặc điểm mật độ phương tiện giao thông dày đặc, cùng lượng khí thải lớn, hai thành phố này nghiễm nhiên trở thành nơi có hiện tượng sương mù quang hóa phổ biến.
Theo báo cáo môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015, nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm sương mù quang hóa tại Việt Nam là do vấn đề ô nhiễm môi trường không khí xuyên biên giới từ các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Trung Quốc, Đài Loan.
Sương mù quang hóa hoành hành tại Hà Nội. (Ảnh: Đời sống pháp luật)
Sương mù quang hóa hoành hành tại Hà Nội. (Ảnh: Đời sống pháp luật)
Ở khu vực Đông Nam Á, biểu hiện sương mù quang hóa có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây do cháy rừng và hoạt động đốt nương rẫy theo mùa vụ từ một số nước trong khu vực như Indonesia; ô nhiễm theo hướng gió Tây Nam từ Indonesia lan rất nhanh và gây ảnh hưởng đáng kể đến nhiều quốc gia láng giềng như Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và phía Nam Việt Nam. Riêng đối với Việt Nam, hiện tượng sương mù quang hóa xuất hiện dạo gần đây thường diễn ra vào những tháng nắng nóng mùa hè. Các giai đoạn xảy ra nghịch nhiệt cũng tạo điều kiện cho sương mù quang hóa xuất hiện rõ nét tại các đô thị lớn.
Kết quả đánh giá chất lượng không khí thông qua chỉ số chất lượng không khí giai đoạn 2011-2015 cho thấy, tại các đô thị lớn, số ngày có thông số ô nhiễm ở mức kém và xấu chiếm tỷ lệ khá lớn. Điển hình như tại đường Nguyễn Văn Cừ (Gia Lâm, Hà Nội), số ngày trong năm 2014 có thông số ô nhiễm ở mức kém chiếm tỷ lệ hơn 50% tổng số ngày quan trắc trong năm. Thậm chí, có những ngày chất lượng không khí suy giảm đến ngưỡng xấu và nguy hại.
Kết luận cho thấy, bụi và khí thải từ hoạt động giao thông đô thị vẫn là nguồn ô nhiễm chính. Báo cáo cũng đánh giá, một phần nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm sương mù quang hóa là do vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới.
Trung tâm Nghiên cứu Môi trường của trường đại học Yale và đại học Columbia đưa ra công bố tại Diễn đàn kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ cũng từng khiến Việt Nam không khỏi điêu đứng: Việt Nam nằm trong top 10 nước có môi trường không khí bị ô nhiễm nhất thế giới. Theo ghi nhận của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm Việt Nam có trung bình 16000 người chết vì ô nhiễm không khí. Hiện tượng sương mù quang hóa chính là một biểu hiện của ô nhiễm không khí nặng.
Bụi và khí thải từ hoạt động giao thông đô thị vẫn là nguồn ô nhiễm chính, gây nên hiện tượng sương mù quang hóa. (Ảnh: Vietnamplus)
Giải pháp phòng chống mù quang hóa nơi bạn sống
Môi trường không khí luôn trong tình trạng sương mù quang hóa khiến sức khỏe người dân suy giảm, gây ra một loạt các bệnh như hen suyễn, viêm phổi, ung thư, suy nhược thần kinh, giảm tuổi thọ… Những nhóm nhạy cảm nhất với ô nhiễm không khí bao gồm người già, phụ nữ mang thai, người đang có bệnh, trẻ dưới 15 tuổi, đối tượng thường xuyên làm việc ngoài trời. Mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe của ô nhiễm không khí tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, thời gian tiếp xúc với chất gây ô nhiễm, loại chất gây ô nhiễm… Số liệu thống kê của Bộ Y tế cho thấy, số người mắc bệnh đường hô hấp – chủ yếu do ô nhiễm không khí chiếm 3-4% tổng dân số. 74,5% người mắc bệnh bụi phổi là công nhân ngành mỏ, xây dựng, cơ khí, luyện kim bởi tính chất thường xuyên tiếp xúc với khói bụi.
Để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh từ sương mù quang hóa, bạn cần:
- Luôn đeo khẩu trang bảo vệ khi đi ra bên ngoài. Chú ý chọn khẩu trang giấy hai lớp N95 – loại được khuyên dùng vì có thể che kín khuôn mặt, đồng thời có tác dụng lọc 95% khói bụi trong không khí.
- Không tập thể dục ở khu vực bị ô nhiễm không khí nặng, đặc biệt là các hoạt động đòi hỏi tính vận động cao như đạp xe, chạy bộ.
- Nếu xuất hiện những triệu chứng khó thở, ho, đau mắt, ngứa họng thì bạn cần đi khám bác sĩ ngay. Đặc biệt trẻ em và người cao tuổi xuất hiện những hiện tượng này kéo dài rất có thể đã bị hen hoặc các bệnh hô hấp mãn tính.
Luôn đeo khẩu trang bảo vệ khi đi ra bên ngoài, bạn cần chú ý chọn khẩu trang giấy hai lớp N95 để bảo vệ sức khỏe cho chính mình.
- Thời điểm ô nhiễm không khí ở mức cao nhất là vào trời nóng, do đó bạn cần hạn chế đi ra ngoài vào thời điểm này. Nên chuyển các hoạt động ngoài trời vào sáng sớm hoặc chiều tà.
- Nếu phải đỗ xe ô tô trên đường hãy sử dụng điều hòa để lấy khí trong, thay vì mở cửa để khí bên ngoài lọt vào, sẽ giúp hạn chế ô nhiễm không khí trong xe.
- Nếu đang ở khu vực không có sẵn các phương tiện để ngăn chặn ô nhiễm không khí thì bạn có thể sử dụng khăn che miệng và mũi để lọc bớt phần khí độc hại mà mình hít phải.
- Trồng thêm nhiều cây xanh xung quanh nhà ở, trên đường đi sẽ giúp làm sạch không khí, lọc sạch khí bụi.
- Ăn nhiều thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như rau, trái cây để bảo vệ cơ thể tránh sự hình thành các gốc tự do từ không khí ô nhiễm.
(Tổng hợp)