Tại sao một số cô gái trẻ lại muốn trở thành "Sugar baby"? Lý giải từ chuyên gia sẽ khiến bạn phải giật mình
Điều mà hầu hết mọi người vẫn nghĩ về mối quan hệ Sugaring thực chất chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm. Không phải tự nhiên, cũng chưa hẳn chỉ vì tiền mà nhiều cô nàng có đam mê trở thành viên kẹo ngọt của các "bố đường".
Môi trường sống hình thành nên tính cách con người, điều này là dễ nhận thấy. Nhưng nó có can hệ gì tới chuyện nhiều cô gái quyết định trở thành Sugar baby, thay vì là một người phụ nữ chính chuyên hay không?
Câu trả lời, xét trên góc độ tâm lý học, là có!
1/3 các Sugar baby có vấn đề về ám ảnh tuổi thơ?
Đương nhiên, điểm chung dễ thấy nhất chính là các ả đều ngại lao động chân chính nhưng lại khát khao giàu sang. Người ta vẫn bảo không nên nghe các cô nàng lười biếng này trình bày, ngụy biện nhưng hãy tạm bỏ qua định kiến ấy để thấy được những điểm chung khác của các Sugar baby.
Theo nghiên cứu của Seeking Arrangement - website khá nổi tiếng trong giới "làm mai" các sugar baby với daddy lắm tiền nhiều của: Khoảng 1/3 trong số 12.600 "bé đường" được phỏng vấn có vấn đề tâm lý do ám ảnh tuổi thơ liên quan tới người cha. Họ - một là không biết đến mặt người cha sinh học của mình, hoặc, bị cha bạo hành, lạm dụng.
Năm 2011, Cục Thống kê dân số Mỹ cho biết có tới 24 triệu trẻ em nước này đang sống trong hoàn cảnh thiếu vắng người cha. Bên cạnh đó, trẻ em sống trong gia đình thiếu vắng người cha có tỷ lệ sống dưới mức nghèo cao gấp 4 lần so với các gia đình đủ đầy.
Cụ thể hơn, trong năm 2011, số gia đình đủ bố và mẹ chiếm 12% tổng số hộ nghèo, trong khi gia đình mẹ đơn thân lại chiếm tới 44% số đó.
Một baby 25 tuổi người Việt đã thừa nhận: Gia đình cô không hề khốn khó, bản thân cũng có công việc riêng nhưng vẫn quyết định coi Sugar baby như một công việc tay trái. Thời thơ ấu, ả luôn bị bố đánh đập, chửi mắng thậm tệ mỗi lần xin tiền đóng học. Khi trưởng thành, nhận được tiền cùng sự ve vuốt từ đàn ông bỗng trở thành niềm hưng phấn, an ủi khó bỏ.
Trên trang Quora, một tài khoản có tên Robyn Lockhart đã trả lời câu hỏi "Tại sao một số người phụ nữ lại muốn trở thành Sugar baby?" như sau: "Cha tôi đã bỏ mẹ con tôi để đi theo một người phụ nữ khác khi tôi chưa đầy 1 tuổi. Tôi đã sống 26 năm mà không nhận được sự quan tâm hay chú ý từ bất kỳ người đàn ông nào. Tôi không có bố và suốt thời đi học, cũng chẳng có gã nào thích tôi.
Tôi không cố gắng đổ lỗi cho hoàn cảnh hay quá khứ của mình, nhưng thật khó để từ chối khi lần đầu tiên được đàn ông tiếp cận, dù dưới danh nghĩa một Daddy chăng nữa."
Trang Trauma.blog cũng đăng tải lời tự sự của Emily (tên nhân vật đã được thay đổi) với hoàn cảnh gần tương tự: "Tôi không có bố mẹ và Daddy là nguồn thu nhập giúp tôi trang trải cuộc sống suốt những năm Đại học. Daddy của tôi là một người đã có gia đình.
Tôi đã trải qua một cuộc khủng hoảng giá trị bản thân trước khi quyết định từ bỏ công việc này. Gian díu với một người đàn ông có vợ con là điều tôi không muốn, nhưng tôi chẳng có lựa chọn nào khả thi hơn vào thời điểm đó. Tôi đã dừng lại sau khi tốt nghiệp."
Đây chỉ là 3 trong rất nhiều câu chuyện thật đằng sau quyết định trở thành Sugar baby của nhiều cô gái trẻ. Bản thân họ đều nhận thức được những rủi ro như bị hãm hại, bạo hành,... khi tham gia mối quan hệ Sugaring. Nhưng hầu hết đều bất chấp, vì tiền, hoặc ngây thơ coi rằng sự xuất hiện của các Daddy chính là niềm cứu rỗi cho một tuổi thơ không vẹn toàn.
Chuyên gia tâm lý nói gì về hiện trạng này?
Jessica Stebbins - Nhà trị liệu hôn nhân và gia đình, người có nhiều kinh nghiệm giúp đỡ các Baby trải qua khủng hoảng sau các mối quan hệ với "bố đường" chia sẻ:
"Hầu hết các Sugar baby và gái mại dâm đều có những điểm chung: Họ bắt đầu những mối quan hệ không mấy lành mạnh này vì tiền, đều không có khả năng nhìn nhận đúng đắn về cảm xúc của bản thân cũng như các nhu cầu thực sự cần cho cuộc sống của họ.
Tôi không khẳng định là tất cả baby và gái mại dâm đều như vậy, nhưng phần lớn, tuổi thơ của họ không được phát triển lành lặn về mặt cảm xúc. Thiếu cha hoặc mẹ, bị đánh đập thường xuyên hoặc bị bỏ rơi đều là những yếu tố khiến con người dễ có phức cảm tự ti.
Cũng chính bởi tuổi thơ thiếu thốn tiền bạc, hoặc vật chất nên họ càng dễ hài lòng khi nhận được tiền và sự chú ý từ các mối quan hệ có tính chất đổi chác, hơn là thiên về mặt tình cảm."
Stebbins cũng cho biết thêm, rất nhiều cô gái rơi vào tình trạng tệ hơn về cả mặt tinh thần lẫn thể xác sau một vài mối quan hệ với các Daddy: "Một số bị bạo hành, bị ép dùng chất kích thích, thậm chí là phá thai,... Thật đáng buồn rằng chỉ khi những hậu quả đó ập đến, các baby mới tìm đến một nhà trị liệu để bắt đầu quá trình hồi phục và chữa lành những tổn thương trong tinh thần của họ.
Mọi thứ chắc chắn sẽ tốt hơn nếu họ không coi thường những hậu quả và biết tìm một chuyên gia tâm lý, thay vì tin vào những lời ngon ngọt của các ông bố đường."
Chia sẻ về kinh nghiệm giúp đỡ các Sugar baby vượt qua sang chấn hậu đổ vỡ với những ông "bố đường" và băng bó lại vết thương tuổi thơ, Stebbins khẳng định đó là một quá trình cần nhiều thời gian, nỗ lực từ nhà trị liệu và thân chủ - người đang cần được hỗ trợ.
Theo Stebbins, hai phương pháp phổ biến, thường được các nhà trị liệu áp dụng là CBT - Liệu pháp Nhận thức, hành vi (Cognitive Behavioral Therapy) và DBT - Liệu pháp hành vi biện chứng (Dialectical Behavior Therapy).
"Cả hai liệu pháp này đều tập trung vào việc giúp các thân chủ thay đổi hành vi từ việc thay đổi nhận thức, hoặc ngược lại. Nếu CBT là quá trình tương tác, điều trị giữa thân chủ - nhà trị liệu, thì DBT thường là sự hợp tác giữa các thân chủ và các chuyên gia/nhà trị liệu khác nhau.
Hình dung một cách đơn giản: CBT tập trung đánh giá thay đổi của cá nhân thân chủ, trong khi đó, DBT tập trung đánh giá sự thay đổi trong mối quan hệ/tương tác của thân chủ với những người khác."
Cảm xúc - Suy nghĩ - Hành động là 3 mảnh ghép tác động lên nhau, không thể tách rời và chỉ cần thay đổi 1 trong 3 yếu tố đó theo hướng tích cực hơn, kết quả sẽ thay đổi.
"Một người phụ nữ hay bị bạo hành thường tin rằng cô ấy đáng bị như vậy (suy nghĩ). Niềm tin đó khiến họ cầu xin sự tha thứ hoặc cam chịu tình trạng độc hại đó (hành động). Cuối cùng, tất cả những gì họ cảm thấy là sự phẫn nộ với chính mình, hoặc với cả những người xung quanh (Cảm xúc).
Đây là một vòng tròn, cũng là một ví dụ rất dễ hiểu. Tuy nhiên phá vỡ được vòng lặp đó bằng cách thay đổi từng yếu tố Cảm xúc - Suy nghĩ - Hành động thường là một quá trình kéo dài ít nhất 3-6 tháng."
Để giúp các thân chủ của mình bắt đầu những bước thay đổi đầu tiên, Stebbins thường yêu cầu họ viết nhật ký hàng ngày, luyện tập thể thao, thiền,... Sự hỗ trợ và quá trình trị liệu được coi là thành công và dừng lại khi thân chủ có thể nhìn nhận tích cực và chính xác về cảm xúc/bản thân, chọn cách bình tĩnh đối mặt và giải quyết vấn đề thay vì mất kiểm soát hoặc né tránh bằng các hành động có tính độc hại (dùng chất kích thích, self-harm,...)
Trên đây là những miêu tả cơ bản và dễ hình dung nhất mà Stebbins chia sẻ về quá trình giúp các thân chủ nói chung và các nàng Sugar baby vượt qua sang chấn.
Các cô nàng đang nuôi mộng tìm kiếm Daddy có thể đã có một tuổi thơ không mấy dễ dàng. Nhưng chắc chắn, điều đó không thể là lời ngụy biện cho việc trở thành Sugar baby - Một việc làm mà phần rủi ro chẳng khác nào một quả bom hẹn giờ. Hơn nữa, không phải ai có tuổi thơ khốn khó cũng đều trở thành Sugar baby khi lớn lên.
Vì thế, nghĩ thế nào đi chăng nữa, cũng thật khó để tìm được sự thông cảm hoặc một lý do hợp lý cho việc các ả chọn việc "dạng chân kiếm tiền", thay vì chăm chỉ lao động với sức lực của một người trẻ.
Như chia sẻ phía trên của Nhà trị liệu Stebbins: Khi nảy sinh ham muốn tìm Daddy, hãy nghĩ ngay tới những rủi ro đáng sợ của lựa chọn này. Nếu điều đó vẫn chưa đủ để chặn đứng ham muốn ấy lại, bạn cần tìm sự trợ giúp của chuyên gia tâm lý.
Bởi chắc chắn, rủi ro của việc sống dựa vào các "bố đường" sẽ đến, không sớm thì muộn!
Tham khảo Quora/Trauma.blog