Sức mạnh của lời nói yêu thương

Tùng Bách,
Chia sẻ

Những lời nói yêu thương khi được nói ra chân thành, thường xuyên, sẽ như dòng nước mát lành tưới lên trái tim của người đón nhận...

Sức mạnh của lời nói yêu thương - Ảnh 1.

Cha mẹ hãy cùng con nói lời yêu thương mỗi ngày. Ảnh minh họa.

Nhiều cha mẹ mong con biết quan tâm, sẻ chia với mọi người, tránh lối sống ích kỷ. Theo chuyên gia, hãy bắt đầu với trẻ bằng những lời nói yêu thương mỗi ngày, rồi con sẽ quan tâm bằng hành động.

Chỉ bằng câu nói cũng thấy ấm lòng

“Bình thường, con rất ít nói và không hay thể hiện quan tâm tới ai. Có nhiều lúc tôi đã nghĩ con được chiều chuộng nên sống ích kỷ. Nhưng khi mẹ bị ốm, con lăng xăng chạy ra chạy vào lấy khăn lau mặt rồi hỏi han ăn uống, lấy nước cho mẹ. Điều đó thôi cũng cảm thấy ấm lòng”, chị Lê Như Hoa (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.

Còn anh Hà Văn Dũng (Hoàng Mai, Hà Nội) lại phấn khởi khoe cậu con trai học lớp 6: “Tết năm nay, con trai đi đâu cũng mồm miệng hỏi han, chúc Tết rất lễ phép. Con còn quan tâm từng người trong gia đình, bảo bố đừng uống rượu ảnh hưởng tới sức khoẻ, lo mẹ đứng nấu ăn lâu mỏi chân rồi chạy ra dọn dẹp cùng cả nhà… Chỉ mấy câu nói thôi mà thấy vui”.

Cảm nhận về sức mạnh của lời yêu thương, ThS Lê Thị Liên (chuyên gia tư vấn tâm lý và sức khoẻ vị thành niên Hà Nội) chia sẻ, mỗi gia đình cần tự hỏi xem các thành viên có hay bộc lộ tình cảm với nhau bằng lời nói không? Ví dụ “mẹ thương con”, “cảm ơn bố”, “mẹ mặc áo này đẹp quá”, hay “cảm ơn con yêu nhiều lắm”? Có nhiều người sẽ nghĩ rằng: “Người nhà với nhau cả mà. Nói làm gì. Khách sáo!”. Chính vì thế, mỗi câu nói ấm áp sẽ cảm thấy sượng sùng, không quen hay “làm màu, sến sẩm”…

Cô Liên cho rằng, thể hiện tình yêu thương bằng lời nói là một trong những khó khăn hay gặp phải của các gia đình Việt Nam, phần nhiều vì văn hoá Á Đông khép kín, ít thể hiện. Chúng ta đã quen với việc giữ cảm xúc trong lòng không nói ra từ đời này sang đời khác.

Cha mẹ có thể rất thương con, làm mọi việc cho con, không từ chối con một món quà nào nhưng không thể nói ra những lời yêu thương hay khen ngợi nho nhỏ với con. Con không được nghe, không được tập cách nói lời yêu thương, đôi khi đón nhận tình cảm từ cha mẹ cộc lốc, hoặc hướng tới bạn bè, để được nói, được nghe những lời âu yếm mà ở nhà quá hiếm hoi.

Những lời nói yêu thương khi được nói ra chân thành, thường xuyên, sẽ như dòng nước mát lành tưới lên trái tim của người đón nhận, khơi gợi sự bình yên và hạnh phúc nơi họ. Khi được nghe những lời này từ người thân yêu, bạn và con sẽ cảm thấy mình được chú ý, được yêu thương.

“Hãy tưởng tượng hôm nay con nhớ tưới cây, đổ rác không cần bạn nhắc. Con hồi hộp hình dung gương mặt vui mừng của bạn, được nghe lời ghi nhận của bạn, lúc ấy nếu nói với con: “Cảm ơn con. Nhờ con giúp mà mẹ đỡ mệt ghê”, con sẽ hạnh phúc đến thế nào? Chỉ một lời nói thôi nhưng có thể khiến con hạnh phúc đến vậy, bạn có hạnh phúc, có muốn thực hành thường xuyên hơn không”, cô Liên nói.

Cũng theo cô Liên, những lời nói này là cách nhanh chóng và đơn giản nhất để tạo ra bầu không khí ấm cúng, bình yên trong gia đình, một nơi con luôn muốn quay trở về và nhận được tất cả yêu thương mình cần. Người lớn có thể tập nói từ từ, bắt đầu bằng những sự ghi nhận đơn giản, như “con mặc áo này xinh quá”, “con đón em giùm mẹ nhé, cảm ơn con”, sau đó đến dần những câu khó hơn, như “bố mẹ thương con”, “bố mẹ tự hào về con”.

“Lời nói yêu thương tuy nhỏ bé nhưng có sức mạnh to lớn trong việc gắn kết những thành viên trong gia đình. Hãy để ý và biết ơn những điều bé nhỏ, thể hiện lòng biết ơn bằng lời nói và dạy con điều đó. Một gia đình biết nói lời yêu thương với nhau là một gia đình thường xuyên được hạnh phúc”, cô Liên nhấn mạnh.

Sức mạnh của lời nói yêu thương - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Lời yêu thương mang lại nhiều điều tích cực

Cô Nguyễn Thu Phương, giáo viên Trường Mầm non Hoa Sen (Hà Nội) cho hay, với trẻ nhỏ, việc nói lời yêu thương chính là việc nói những lời quan tâm, thân mật tới những người thân, người bé yêu quý. Đồng thời, các bé cũng sẽ nhận lại được tình yêu thương của mọi người thông qua lời nói, hành động và sự hiểu biết của mình như cười đùa, ôm ấp, tặng quà, được nói những lời yêu thương. Hoặc lời yêu thương cũng dành cho con vật, cây cối, thiên nhiên, môi trường…

Việc dạy bé nói lời yêu thương rất quan trọng trong các mối quan hệ. Với thói quen này sẽ mang lại nhiều lợi ích tích cực cho con trong từng hành vi, suy nghĩ như: Giúp con có cuộc sống hạnh phúc hơn; Trẻ được đồng cảm, hiểu giá trị của tình yêu thương và bao dung hơn; Mang lại sự tích cực cho mọi người và cho chính bản thân trẻ; Bé dễ dàng hiểu được ý nghĩa của lời nói yêu thương; Trẻ biết nhận biết cảm xúc vui, buồn qua lời nói, hành động của mình.

Để bé biết được giá trị của lời yêu thương, đòi hỏi cha mẹ, người thân trong gia đình cần phải nói những lời yêu thương với bé. Đặc biệt, với các bé còn nhỏ tuổi thường có thói quen nhìn nhận, bắt chước và học hỏi từ người khác. Vậy nên, cha mẹ cần làm gương để con cái có thể noi theo. Bạn có thể bày tỏ, nói lời yêu thương với ông bà, động viên, khích lệ, quan tâm tới con cái mỗi ngày…

Theo cô Phương, thay vì chỉ nói “con cần phải nói lời yêu thương với mọi người”, cha mẹ nên giúp bé hiểu rõ hơn thế nào là nói lời yêu thương, lời nói làm sao thể hiện được sự chân thành, lịch sự, lễ phép nhưng chứa đựng tình cảm.

Cha mẹ nói lời quan tâm, yêu thương tới nhau, tới các thành viên trong nhà hàng ngày cũng sẽ giúp con học được cách thể hiện tình cảm chân thành, tự nhiên nhất mà không bị ngượng ngùng. Dạy con khi nói lời quan tâm, yêu thương ai đó cần rõ ràng, chậm rãi, vừa đủ nghe. Khi quan tâm, yêu thương ai đó thì thái độ đối với họ phải chân thành, nhưng vẫn đảm bảo tính lịch sự, lễ phép, ngoan ngoãn và không thể thiếu một nụ cười rực rỡ, hạnh phúc.

“Không chỉ riêng trẻ nhỏ, mà ngay cả người lớn khi nói lời yêu thương, quan tâm tới một ai đó trong gia đình của mình cũng thường rất ngại ngùng. Vậy nên, để dạy trẻ nói lời yêu thương thì ba mẹ cần rèn luyện thói quen này cho con từ nhỏ, để biến chúng thành thói quen hàng ngày chứ không phải là nghĩa vụ”, cô Phương nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên chủ động nói lời yêu thương với con, với mọi người như một thói quen. Để từ đó bé có thể noi gương và chủ động hình thành thói quen yêu thương, kính trọng người lớn từ chính cha mẹ.

Để bé tự tin hơn khi nói lời yêu thương với người khác, cha mẹ nên chia sẻ cho trẻ hiểu việc nói ra những lời này mang lại những lợi ích tích cực gì cho chính bé và người nghe. Chẳng hạn như giúp mọi người yêu quý, tin tưởng con hơn, giúp gia đình luôn hạnh phúc và quan trọng nhất là con có thể động viên, an ủi, truyền cảm hứng để giúp họ vượt qua những vấn đề trong cuộc sống.

Cũng theo cô Phương, sách vở, phim ảnh, đọc truyện cũng là một phương pháp giáo dục tình cảm cho trẻ khá hiệu quả. Bởi vì trẻ nhỏ thường tiếp thu thông tin qua những phương tiện này nhanh chóng, hiệu quả hơn.

Vậy nên, cha mẹ có thể dạy bé nói lời yêu thương thông qua những tác phẩm phù hợp với độ tuổi, tâm lý của con. Đồng thời, đừng quên trao đổi cùng với bé những thông điệp mà tác phẩm bé xem, bé đọc mang đến. Cũng như giải thích cho bé những hình ảnh, hành động, cảm xúc của các nhân vật để bé có thể cảm nhận và hiểu được ý nghĩa của việc nói lời yêu thương.

Khi trẻ được sống trong môi trường tích cực, tràn ngập tình yêu thương từ mọi người thì chắc chắn việc nói ra những lời yêu thương với bé sẽ dễ dàng hơn. Vì thế, cha mẹ và mọi người nên dành thời gian để bên cạnh, quan tâm, chia sẻ, an ủi, động viên trẻ nhiều hơn. Nhất là việc đồng hành giúp con vượt qua những giai đoạn khó khăn, hiểu được sở thích của trẻ.

Điều này dần dần sẽ giúp con cũng biết cách quan tâm ngược lại, cũng như sẵn sàng chia sẻ, tâm sự và nói lời yêu thương như cách mà mọi người đã dành cho bé.

Khi trẻ đã hiểu được tầm quan trọng của việc nói lời yêu thương tới mọi người, ba mẹ nên cho con được thực hành nhiều hơn. Chẳng hạn như mỗi tối đi ngủ có thể chúc ba mẹ, ông bà ngủ ngon, sáng sớm có thể chúc mọi người một ngày tốt lành, hay thường xuyên nói “con yêu ba, con yêu mẹ”, khi thấy ba mẹ bị mệt có thể quan tâm bằng việc hỏi han…

Với tâm lý nhạy cảm của trẻ nhỏ, nếu biết cách biểu hiện ra ngoài sẽ giúp hình thành thói quen và giúp trẻ biết cách ứng phó linh hoạt hơn trong mọi hoàn cảnh.

Để tạo động lực, cũng như khuyến khích trẻ thì cha mẹ đừng quên dành những lời khen ngợi, hay những món quà nho nhỏ khi con biết quan tâm, nói lời yêu thương với mọi người như một thói quen, cũng như xuất phát từ chính tấm lòng của bé.

Đơn giản có thể nói câu “con làm tốt lắm” hay dẫn trẻ đi ăn, tặng bé món đồ chơi yêu thích,… cũng là những lời yêu thương, sự quan tâm dành cho trẻ để con cảm thấy những hành động của mình là đúng.

Để dạy trẻ nói lời yêu thương hiệu quả, cha mẹ cũng cần lưu ý: Luôn tạo cơ hội để con được nói lời yêu thương với mọi người. Dành thời gian cùng con chia sẻ, tâm sự, quan tâm và dành lời yêu thương để con hiểu được giá trị của hành động này.

Thấu hiểu trẻ nhiều hơn, vì mỗi bé là một cá thể độc lập và không thể dạy con nói lời yêu thương khi bé chưa sẵn sàng. Lắng nghe trẻ để biết con đang gặp khó khăn gì, vì sao bé khó có thể nói lời yêu thương để từ đó động viên, đưa ra phương án giáo dục hợp lý.

Chia sẻ