Tư vấn giúp phòng ngộ độc rượu dịp Tết
Bác sĩ Nguyễn Kim Sơn có một số tư vấn để giúp người dân phòng ngộ độc rượu.
Thời gian này, tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên tiếp nhận những ca ngộ độc rượu, nhiều ca liên quan đến các đám lễ tiệc, cưới hỏi. Có bệnh nhân nhập viện muộn, trong tình trạng ngộ độc nặng, suy hô hấp, suy thận, máu bị nhiễm toan...
Hiện nay, nhiều loại rượu người dân nấu, không khử được andehit nên thường gây đau đầu. Ngoài ra, nhiều người dân nấu rượu kinh doanh bằng nhiều loại men, chủ yếu được nhập từ Trung Quốc, chất lượng không đảm bảo.
Cẩn trọng với rượu không rõ nguồn gốc
Trên thị trường, loại rượu này được bán rất phổ biến. Hầu hết những bệnh nhân ngộ độc rượu cấp đều vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nặng vì thường được phát hiện muộn, trong đó có cả ngộ độc rượu thường (ethanol) và rượu công nghiệp (methanol).
Thực tế làm việc cho thấy, từ tháng 9 âm lịch hàng năm cho đến hết tháng Giêng, số vụ và số ca ngộ độc rượu phải nhập viện bao giờ cũng tăng. Nguyên nhân chính bởi đó là mùa cưới, lễ Tết nên gia tăng các vụ ăn uống tập thể, và sử dụng rượu nhiều hơn với các loại rượu không rõ nguồn gốc, rượu giả, rượu tự pha, rượu ngâm các loại cây, con không đảm bảo chất lượng, vệ sinh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dùng…
Vì vậy, người dân cần chú ý phòng, chống ngộ độc do rượu, khi có người bị say (ngộ độc) rượu, người nhà tuyệt đối không nên để bệnh nhân ngủ ly bì suốt ngày hoặc suốt đêm.
Khi người say ngủ ly bì cũng rất nguy hiểm bởi có thể hạ đường huyết, hạ nhiệt độ, nhiều người khi say rượu nằm ngủ, dịch dạ dày nôn ra và bị hít vào phổi, gây sặc cũng rất nguy hiểm, dễ dẫn tới tử vong.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Kim Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai)