Trị nấm da khi mùa mưa đến
Thời tiết ẩm ướt mùa mưa dễ gây ra các bệnh cho làn da. Tuy vậy, nhiều người mới chỉ sợ ánh nắng gây hại cho làn da, chứ chưa hề cảnh giác với những hạt mưa. Đặc biệt, nấm trên da.
Thời tiết nhiệt đới, mưa, lụt, vệ sinh cá nhân… là một trong những nguyên nhân tác động gây ra bệnh
Nấm chân: Phổ biến nhất trong số các loại nấm da vào mùa mưa. Nam giới được “ưu tiên” viếng thăm hơn cả bởi thói quen đi giày, tất. Khi gặp mưa, tất bẩn và ướt sẽ là mảnh đất màu mỡ để nấm chân phát triển. Có 3 thể thường gặp là thể tróc vẩy khô, mụn nước và viêm kẽ thường gặp ở các kẽ ngón.
Nấm bẹn (còn gọi là hắc lào): Cũng thường “ra oai” vào mùa hè khi thường xuyên đổ mồ hôi nhiều hay mặc đồ ẩm ướt sau khi mắc mưa. Từ một bên bẹn nấm sẽ lan sang bên kia lên mông, thắt lưng.
Nấm thân: Nhiều khi do người bị bệnh hắc lào gây ngứa, gãi và làm lây lan trên cơ thể. Nấm thân rất dễ lây lan do sử dụng chung các đồ dùng sinh hoạt như: quần, áo, khăn mặt, khăn tắm, ngủ chung giường, đắp chung chăn…
Nấm móng: Thường do vi nấm Trichophyton hoặc Candida gây nên. Khi bị bệnh, móng mất màu bóng, bị trồi lên hoặc khuyết vào, trên mặt móng lỗ chỗ hoặc khứa rãnh. Dưới rãnh có chất như bột vụn. Móng sẽ càng ngày càng bị sù sì, màu vàng hoặc đục. Bệnh có thể lây từ móng này sang móng khác.
Bệnh lang ben: có “thủ phạm” là vi nấm Pityrosporum orbiculare gây nên, có hai dạng: màu trắng và màu nâu. Bệnh gây ngứa, nhất là khi ra nắng hay ra nhiều mồ hôi. Bệnh tùy thuộc khá nhiều vào việc vệ sinh da, sức đề kháng của cơ thể, phụ thuộc vào độ pH của da và cả độ ẩm của da. Vì vậy một số trường hợp trong một gia đình có người mắc bệnh lang ben nhưng người khác lại không mắc.
Các dạng lang ben:
Lang ben sậm màu - Lang ben nhạt màu
Nên làm gì khi bị bệnh nấm da?
Hãy “hành động” ngay để nấm không có điều kiện phát triển thêm, cũng như tái phát hay lây lan cho người khác. Giữ gìn vệ sinh, không dùng chung khăn mặt, áo quần chung, luộc sôi quần áo có nhiễm nấm. Điều trị nấm da bằng các thuốc bôi, uống. Dùng các kem bôi hay dầu gội có chứa Ketoconazole 2%, hay uống thuốc có chất itraconazole… theo sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ, không nên dùng các thuốc trị nấm da pha lẫn corticoide vì có thể gây tác dụng phụ như teo da, rạn da, và tạo cơ hội nấm phát triển nhiều hơn, khó chẩn đoán và điều trị sau này.
Tham khảo thêm tại: http://smapps.vn/microsites/nizoral/shampoo/index.html.
Bác sĩ Huỳnh Huy Hoàng (chuyên khoa da liễu TP.HCM)