Tin vui cho người bệnh phổi
Kỹ thuật sinh thiết bằng kim xuyên thành ngực dưới hướng dẫn của chụp cắt lớp vi tính trong chẩn đoán u phổi giúp phân biệt chính xác u lành hay u ác tính nhằm có hướng điều trị đúng nhất.
Trong các kỹ thuật y khoa, sinh thiết chẩn đoán khối u nằm trong lồng ngực là rất khó và cực kỳ nguy hiểm. Thế nhưng, một bác sĩ (BS) trẻ đã khắc phục được tình trạng này. Độ chuẩn xác cao
Đó là ThS-BS Nguyễn Văn Lợi (36 tuổi), công tác tại Khoa Ngoại lồng ngực Bệnh viện K - Hà Nội. Với đề tài nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh thiết bằng kim xuyên thành ngực dưới hướng dẫn của chụp cắt lớp vi tính trong chẩn đoán u phổi, BS Lợi đã được Bộ Y tế đánh giá cao.
Đó là ThS-BS Nguyễn Văn Lợi (36 tuổi), công tác tại Khoa Ngoại lồng ngực Bệnh viện K - Hà Nội. Với đề tài nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh thiết bằng kim xuyên thành ngực dưới hướng dẫn của chụp cắt lớp vi tính trong chẩn đoán u phổi, BS Lợi đã được Bộ Y tế đánh giá cao.
Gặp chúng tôi trong dịp vào TPHCM nhận giải cá nhân của giải thưởng KOVA lần thứ 9 về lĩnh vực khoa học-công nghệ, BS Lợi cho biết có nhiều loại bệnh dù thiết bị kỹ thuật cao cũng khó phát hiện. Đặc biệt với ung thư phổi, u phổi, u lao phổi, u phổi viêm, u trung thất, u tuyến ức… thì việc chẩn đoán chính xác bệnh để điều trị là không đơn giản. Ở các loại bệnh này, với những u to thì các máy chụp CT có thể dễ dàng phát hiện, phân tích được nhưng khối u nhỏ thì đôi lúc khó phát hiện. Ngoài ra, việc chẩn đoán dựa trên phim ảnh và chọc kim nhỏ làm xét nghiệm tế bào thì độ chính xác không cao, dẫn đến kết quả điều trị không như mong muốn.
ThS - BS Nguyễn Văn Lợi, Bệnh viện K-Hà Nội, đang thực hiện một ca sinh thiết cho bệnh nhân u phổi
Từ những kiến thức học được từ nhà trường cộng với kinh nghiệm điều trị, BS Lợi bắt tay vào việc nghiên cứu từ năm 2007. Với những thiết bị là cây kim lấy thuốc, bản chỉ điểm định vị đường vào, BS Lợi đã tìm ra kỹ thuật sinh thiết kim xuyên thành ngực để chẩn đoán u phổi với độ chuẩn xác cao. Kỹ thuật này xác nhận lại một điều là với y học chứng cứ, phải chẩn đoán khẳng định trước khi điều trị.
Phân loại được tế bào nhỏ
Nói về kỹ thuật sinh thiết u phổi mới của BS Lợi, BS Phan Lê Thắng, Trưởng Khoa Ngoại lồng ngực Bệnh viện K - Hà Nội, cho rằng rất đáng trân trọng vì về mặt chuyên môn, kỹ thuật này đã giúp phân biệt chính xác giữa u lành và u ác tính, phân loại được tế bào nhỏ, tế bào lớn, từ đó giúp sàng lọc, phân biệt bệnh nhân có mắc ung thư hay không nhằm có hướng điều trị chuẩn xác nhất; việc thực hiện kỹ thuật này cũng khá đơn giản, nhẹ nhàng.
Lãnh đạo Bệnh viện K - Hà Nội cũng cho biết kỹ thuật này đã được chuyển giao cho nhiều bệnh viện ở Trung ương, như: 198 (Bộ Công an), Việt Xô, C, kể cả bệnh viện đa khoa của một số tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên, Hòa Bình…
Theo đánh giá của Hội đồng Giám khảo giải thưởng KOVA, kỹ thuật sinh thiết bằng kim xuyên thành ngực dưới hướng dẫn của chụp cắt lớp vi tính trong chẩn đoán u phổi là công trình nghiên cứu rất đáng tôn vinh vì ý nghĩa thiết thực cho cộng đồng. Qua 5 năm nghiên cứu, ứng dụng, kỹ thuật này đã được áp dụng vào việc điều trị cho hơn 1.500 bệnh nhân và đạt kết quả tốt. Nhưng điều quan trọng, công trình mang ý nghĩa cộng đồng nhiều hơn chính là chi phí cho mỗi ca chỉ 700.000 đồng, thấp hơn nhiều lần so với việc áp dụng các kỹ thuật trước đây.
Tối ưu trong chẩn đoán
Theo ThS-BS Trương Như Hiển, Trưởng Khoa Ung Bướu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, chọc sinh thiết là chuyên môn khó đối với bệnh viện tuyến tỉnh. Đây là một nguyên nhân khiến lượng bệnh nhân ung thư phổi trước đây phải dồn về điều trị tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội nên rất tốn kém và gây thêm tình trạng quá tải. Sau gần 2 năm được chuyển giao và triển khai kỹ thuật này vào phục vụ công tác điều trị, số bệnh nhân ung thư phổi ở lại điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình đã tăng thêm từ 20%-30%.
“Kỹ thuật này rất thiết thực, giúp đội ngũ thầy thuốc tối ưu trong chẩn đoán, giải phẫu các bệnh về u phổi nhưng điều quan trọng là tạo thêm niềm tin để bệnh nhân đến với mình”- bác sĩ Hiển nói.