Thận trọng để không bị nhiễm sán lá gan
Thói quen ăn uống các loại đồ tái chín của nhiều người là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh sán lá gan.
Đây là bệnh rất khó chẩn đoán, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.
Mọi lứa tuổi đều có thể mắc sán lá gan
Mới đây, bệnh viện Nhi trung ương tiếp nhận và điều trị cho bé Phàng Thị Cháu, 4 tuổi, dân tộc Mông ở Sơn La trong tình trạng khó thở, nôn liên tục. Các bác sĩ siêu âm tim phát hiện tràn dịch màng tim mức độ nặng, dẫn tới chèn ép tim, gây khó thở.
Theo gia đình bé Cháu, trước đó 2 tuần người nhà có cho cháu ăn thịt bò tái và cua nướng, một tuần sau bé sốt, đau đầu, đau và chướng bụng. Tại khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi trung ương, bệnh nhi được thở ôxy và chọc hút dịch ngoài màng tim cấp cứu. Sau vài giờ, cháu bé đã thoát cơn nguy hiểm, tình trạng khó thở giảm hẳn.
Điều đặc biệt là dịch màng tim của trẻ có màu vàng, lẫn nhiều sợi trắng và mảnh, nhìn như đốt sán. Kết hợp với dấu hiệu bạch cầu ưa axit trong dịch màng tim tăng cao, các bác sĩ nghi ngờ cháu bé bị nhiễm ký sinh trùng.Tiếp tục xét nghiệm máu, các bác sĩ phát hiện bệnh nhi nhiễm sán lá gan lớn.
Theo chia sẻ của Ths. BS Nguyễn Văn Lâm, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi trung ương, thì trong 6 tháng đầu năm, có nhiều trẻ nhiễm ký sinh trùng phải nhập viện, trong đó có 4 ca nhiễm sán. Hầu hết bệnh nhi nhiễm sán lá gan khi được đưa vào cấp cứu đều đã bị sán xâm nhập nội tạng, gây áp xe gan, tràn dịch màng phổi, viêm não, áp xe não. Đặc biệt, bệnh nhi Cháu là trường hợp đặc biệt bị tràn dịch màng tim do nhiễm sán.
Điều này không chỉ gặp ở trẻ em mà ngay cả người lớn cũng mắc. Bệnh viện đại học Y từng tiếp nhận Bệnh nhân N.Đ.T. (Nghệ An) trong tình trạng người gầy đét, bụng trướng to, lơ mơ mất tri giác.
Trước đấy, bệnh nhân cũng được điều trị tại BV tỉnh không có kết quả và được trả về. Sau đó bệnh nhân được gia đình chuyển lên Bệnh viện đại học Y. Sau khi nhập viện, bệnh nhân nôn nhiều, thậm chí nôn ra cả búi sán lá ruột màu hồng. Kết quả siêu âm của bệnh nhân cho thấy các khối u giống hình ảnh ổ sán, xét nghiệm máu tỉ lệ dương tính sán lá gan lớn rất cao. Sau ba đợt điều trị, khối u đã hết, bệnh nhân khỏe mạnh trở lại bình thường.
Thói quen ăn uống các loại đồ tái chín của nhiều người là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh sán lá gan. Ảnh minh họa
Không nên ăn thức ăn tái, sống để phòng bệnh
Sán lá gan lớn là loại sán có kích thước 3-4 cm x 1cm. Sau khi đi vào cơ thể người, sán ký sinh trong gan mật, trường hợp bất thường sán có thể ký sinh trong cơ, dưới da (ký sinh lạc chỗ). Tùy vào số lượng sán và vị trí ký sinh trùng khu trú mà bệnh nhân nhiễm sán có những biểu hiện điển hình hoặc không điển hình.
Điều đáng lưu ý là sán lá gan lớn ngoài ký sinh ở gan, còn bất thường sán non có thể di chuyển và ký sinh trong cơ bắp, phúc mạc, đại tràng, khớp gối, tuyến vú, dưới da, tim, phổi, màng phổi, ổ mắt, thành bụng, ruột thừa, tuỵ, lách, hạch bẹn, hạch cổ, mào tinh hoàn... gây nên những khối u nơi ký sinh rất khó chẩn đoán. Đặc biệt, tại Việt Nam đã gặp ca bệnh sán lá gan lớn ký sinh ở dưới da ngực, tuyến vú, bắp chân và khớp gối.
Dấu hiệu của người bị bệnh sán lá gan mệt mỏi, biếng ăn, gầy sút. Sốt thất thường, có thể sốt cao, rét run hoặc sốt chỉ thoáng qua rồi tự hết, đôi khi cơn sốt kéo dài. Đặc biệt, da xanh, niêm mạc nhợt sẽ gặp ở các trường hợp nhiễm kéo dài đặc biệt ở trẻ em. Bệnh nhân thường đau vùng hạ sườn phải lan về phía sau hoặc vùng thượng vị-mũi ức. Tính chất đau không đặc hiệu, có thể đau âm ỉ, đôi khi dữ dội, cũng có trường hợp không đau. Bệnh nhân có cảm giác đầy bụng khó tiêu, rối loạn tiêu hoá, buồn nôn. Một số bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng của các biến chứng như tắc mật, viêm đường mật, viêm tụy cấp, xuất huyết tiêu hoá...
Loại sán này chủ yếu ký sinh ở động vật ăn cỏ như trâu, bò, cừu, lạc đà... và có thể ký sinh gây bệnh ở người. Sán ký sinh trong hệ thống gan mật, chúng đẻ trứng theo dịch mật xuống ruột và theo phân ra ngoài môi trường.
Ở ngoài môi trường, trứng sán rơi xuống nước, nở ấu trùng lông chui vào ốc thích hợp phát triển thành ấu trùng đuôi bơi tự do trong nước và bám vào rau cỏ thủy sinh.
Người hay ăn sống thực vật thủy sinh như rau ngổ, rau cải xoong, rau muống nước, rau cần hay uống nước lã có ấu trùng... sẽ bị nhiễm bệnh.
Để phòng bệnh sán lá gan, tuyệt đối không nên ăn rau sống thủy sinh bởi ấu trùng sán thường nằm trong cọng lá, không thể rửa sạch. Không uống nước lã và diệt mầm bệnh trên súc vật bằng cách tẩy sán lá gan lớn định kỳ cho trâu, bò.
Không ăn gỏi cá và các loại thực phẩm chế biến từ cua cá nấu chưa chín.
Khi có triệu chứng mắc bệnh, cần đến các cơ sở chuyên khoa ký sinh trùng để xét nghiệm chẩn đoán và điều trị.