Tại sao không nên đẻ mổ?

,
Chia sẻ

Nhiều phụ nữ chọn phương pháp đẻ mổ vì cho rằng sẽ giảm đau đớn hơn khi sinh thường. Tuy nhiên, những lý giải dưới đây sẽ cho bạn thấy tại sao bạn không nên mổ đẻ.

Các bác sỹ luôn khuyến khích phụ nữ mang thai sinh đẻ tự nhiên và đúng lịch chứ không nên mổ đẻ. Mổ đẻ chỉ được chỉ định cho các trường hợp đẻ thường có nguy hại cho thai nhi và thai phụ như thai ngược, thai quá to, thai có biểu hiện thiếu oxi, mẹ có u xơ, bị viêm nhiễm âm đạo, xương chậu hẹp .... Khi đó, mổ đẻ là phương pháp an toàn nhất và khuyến cáo chỉ nên mổ đẻ sau khi thai được 39 tuần tuổi. Còn lại, hầu hết các trường hợp đẻ mổ đều tiềm ẩn nhiều biến chứng.

Ảnh hưởng tới mẹ

Đẻ mổ không hề an toàn hơn đẻ thường như nhiều thai phụ vẫn nghĩ với tỷ lệ tử vong là 4-8 trên 1.000 trường hợp. Trong trường hợp đẻ mổ, thai phụ thường mệt mỏi nhiều hơn đẻ thường vì phải trải qua phẫu thuật và có thể bị tai biến do gây mê hồi sức, chảy nhiều máu do khi mổ chạm phải động mạch tử cung, nguy cơ gây viêm tĩnh mạch, nghẽn động mạch phổi. Nguy cơ nhiễm trùng từ vết mổ cao gấp ba lần so với đẻ thường. Nhiễm trùng vết mổ tử cung sau mổ sinh có thể khiến phụ sản bị băng huyết sau vài tuần có khi phải cắt bỏ tử cung là biến chứng nặng nề nhất khiến phụ nữ không thể mang thai nữa.

Ngoài ra, những vết sẹo từ vết mổ cũng làm cho bà mẹ đau đớn do tác động của cơn co thắt tử cung sau khi sinh.

Phụ nữ mang thai nên sinh đẻ tự nhiên và đúng lịch chứ không nên mổ đẻ

Phụ nữ đẻ mổ phải lưu lại thời gian ở bệnh viện nhiều gấp 2 lần so với người sinh bình thường, và mất khoảng 20 tới 30 ngày mới khỏe mạnh trở lại.

Tuyến sữa hoạt động chậm hơn, có khi gây mất sữa do mẹ phải dùng kháng sinh sau phẫu thuật và phải mất vài ngày mới có khả năng cung cấp sữa cho con bú. Sau khi sinh mổ, chức năng hoạt động của ruột kém đi nên sản phụ cũng phải kiêng khem nhiều hơn so với sinh thường.
 
Nhiều nghiên cứu cho thấy đẻ mổ cũng ảnh hưởng tới sự hình thành mối quan hệ tình cảm đầu tiên giữa mẹ và bé. Với sản phụ sinh mổ, muốn sinh trở lại cần chờ ít nhất là ba năm và khoảng cách tốt nhất là năm năm.
 
Ảnh hưởng tới thai nhi

Một ca sinh nở bình thường được từ tuần 39 đến 42 của thời kỳ mang thai. Các bác sỹ cho rằng, nếu thai phụ mổ đẻ trước thời điểm thai 39 tuần dễ gây hiện tượng trẻ bị chứng phổi ướt (trong phổi trẻ sơ sinh có nước hoặc chất lỏng) và hàng loạt bệnh khác. Những ca mổ đẻ sớm nếu không phải trong trường hợp khẩn cấp sẽ không có lợi cho trẻ sơ sinh, và nếu càng mổ sớm, tỷ lệ nguy hiểm đối với trẻ càng cao.

So với các trẻ mổ sinh vào tuần thứ 39 hoặc sau đó, các trẻ mổ sinh vào tuần thứ 37, 38 có nguy cơ cao hơn mắc phải các bệnh về đường hô hấp, do trung khu hô hấp chưa được chuẩn bị, trẻ cũng bị ảnh hưởng về lượng đường trong máu và các bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng. Trẻ đẻ mổ nếu non tháng có nhiều biến chứng như bệnh võng mạc sơ sinh, xẹp phổi... Bệnh võng mạc sơ sinh nếu không được phát hiện kịp thời có thể gây mù ở trẻ.

Mới đây, một nghiên cứu cũng tìm ra rằng 80% trẻ mổ sinh có nguy cơ cao dính bệnh hen.

Ngoài ra, phần lớn số trẻ mổ sinh đều phải nhận được sự chăm sóc y tế đặc biệt sau khi chào đời.

Hoàng Nhụy
(Tổng hợp)
Chia sẻ