Sẩy thai sớm và nguyên nhân không thể coi thường
Sẩy thai sớm là việc thai phụ không giữ được thai nhi trong 3 tháng đầu thai kỳ. Hiện tượng sẩy thai sớm không phải là hiếm gặp.
Ước tính cứ 5 phụ nữ mang thai thì có 1 thai phụ bị sảy từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, nếu biết trước những yếu tố nguy cơ dẫn đến sẩy thai, thai phụ có thể phòng tránh để hạn chế rủi ro cao nhất.
Vừa biết có thai đã vụt mất con
Nước mắt ngắn, nước mắt dài chị Huyền 28 tuổi (ở Thanh Trì, Hà Nội) vội vã đến bệnh viện phụ sản khi thấy "vùng kín" ra máu không cầm được.
Lấy chồng gần một năm, hai vợ chồng có công việc ổn định, điều kiện kinh tế không quá khó khăn, cả nhà chồng lại đang mong cháu nên anh chị không có ý định kế hoạch. Tuy nhiên, "thả" gần năm trời, tin vui vẫn chưa thấy đâu.
Sau bao ngày chờ đợi, cuối cùng chị Huyền cũng có tin vui. Khỏi phải nói, chị được cả nhà chăm sóc chu đáo thế nào, mẹ chồng chị còn cất công tìm mua nhiều loại thuốc quý về tẩm bổ cho chị. Chị còn xin nghỉ phép hẳn 1 tháng để ở nhà dưỡng thai.
"Hạnh phúc ngắn chẳng tày gang. Hơn 1 tuần sau, thấy những triệu chứng bất thường như bụng đau âm ĩ, ra ít máu nhạt, vợ chồng mình đã cẩn thận đi khám và bác sĩ bảo là động thai, cần tránh làm việc nặng và nghỉ ngơi nhiều.
Mặc dù đã nghe lời bác sĩ triệt để nhưng mấy ngày sau mình lại thấy máu ra nhiều. Gia đình vội vã đưa vào viện thì mình đã bị sẩy thai”, chị Huyền buồn rầu kể lại.
Có những trường hợp thai phụ sẩy thai mà không có nguyên nhân rõ ràng. Ảnh Internet
Có những trường hợp thai phụ sẩy thai mà không có nguyên nhân rõ ràng. Ảnh Internet
Mặc dù có rất nhiều cảnh báo về tình trạng sẩy thai sớm ở ba tháng đầu thai kỳ và có ý thức giữ gìn nhưng có trường hợp, sẩy thai lại do tính chủ quan của chị em.
Như trường hợp của chị Lam (ở Hoài Đức, Hà Nội), có bầu 8 tuần, chị vẫn tự lái xe đi làm cách nhà gần 20km. Vì biết là giai đoạn này rất quan trọng nên c đi lại rất cẩn thận. Nhưng một hôm chị đang chạy xe vô tình bị một thanh niên va phải khiến chị bị ngã.
Mấy hôm không thấy vấn đề gì chị Lam yên tâm, không đi khám. Hơn một tuần sau, thấy bụng đau, ra máu "vùng kín", chị Lam mới đi khám thì bác sĩ cho biết, tim thai không còn và chị phải hút thai ra.
Có thể sẩy thai vì nguyên nhân không rõ ràng
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sẩy thai sớm trong 3 tháng đầu của thai kì, trong đó có tới 20-30% trường hợp phụ nữ sẩy thai không rõ nguyên nhân.
Như trường hợp của chị Huyền, dù rất cẩn thận trong việc chăm sóc, từ chế độ ăn uống, nghỉ dưỡng đến tinh thần cũng thoải mái nhưng chị vẫn không giữ được thai. Bác sĩ cho biết, nguyên nhân gây sẩy thai ở chị có thể do trứng và tinh trùng không tốt hoặc sắp xếp không đúng vị trí khi thụ thai.
Bác sĩ Lê Thị Kim Dung, Trưởng phòng khám sản phụ khoa, Trung tâm y tế lao động Thái Hà cho biết: Có nhiều nguyên nhân gây sẩy thai, nhưng sảy thai trong giai đoạn 3 tháng đầu thường do những nguyên nhân như thai phụ mắc bệnh nội khoa, bệnh ở tử cung, buồng trứng, căng thẳng quá mức, dinh dưỡng không tốt…
Có khi do thai phụ mắc các bệnh nặng từ trước lúc mang thai như tim, viêm phổi hay đơn thuần thai phụ bị nhiễm virus cúm, thương hàn, sốt rét, rubella… mà có thể dẫn đến nguy cơ sẩy thai.
Hoặc trong quá trình mang thai bị thiếu máu khiến khả năng miễn dịch bị rối loạn. Không ít phụ nữ mang trong mình bệnh u xơ tử cung, hở eo cổ tử cung, tử cung có vách ngăn, u nang buồng trứng… khi có bầu cũng khó giữ được thai nhi an toàn.
Ngoài ra, yếu tố dinh dưỡng, môi trường ô nhiễm, hóa chất độc hại, tai nạn, mang vác nặng, vận động mạnh… hay căng thẳng quá mức, xúc động mạnh, trứng và tinh trùng không khỏe cũng có thể là nguyên nhân tác động đến sự sống của thai nhi.
Nói như vậy không có nghĩa là không có cách để phòng ngừa rủi ro sẩy thai.
Bác sĩ Dung cho biết, cách tốt nhất để hạn chế sẩy thai sớm là chị em phải khám sức khỏe tổng quát để biết rõ tình trạng sức khỏe của mình, phải tiêm phòng đầy đủ để tránh mắc bệnh khi mang thai (thường là tiêm ngừa cúm, sởi, rubella trước khi mang thai 3 tháng).
Một điều quan trọng nữa là khám thai sớm ngay từ khi trễ kinh để kiểm tra chính xác có phải có thai hay không. Khi có thai thì cần đi khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ, hạn chế lao động nặng, tránh các chất độc hại, đảm bảo dinh dưỡng…
Khi có triệu chứng bất thường thì phải đến cơ sở y tế khám chữa ngay…