"Nghiện" mua sắm - dấu hiệu bệnh tâm thần phân liệt

,
Chia sẻ

Giật mình vì "nghiện" mua sắm không chỉ đơn thuần là thú vui của chị em phụ nữ, đó là biển hiện bên ngoài của chứng bệnh tâm thần phân liệt và rối loạn cảm xúc lưỡng cực.

Mấy tháng trước, chị lên tận siêu thị nội thất lớn nhất Hà Nội gần sân bay Nội Bài xem đồ, lên kế hoạch xây dựng lại nhà mới, rồi rinh về đủ thứ, từ máy tập thể hình, máy đánh mỡ bụng, quạt máy, TV... Ở nhà cũng đã có những đồ đạc tương tự như thế nhưng chị liền vứt ngay ra đường cho mấy bà đồng nát, ve chai qua nhặt! Còn nhà mình trưng quá nhiều đồ đạc mới tinh đến chật ních chẳng có lối đi.

Một bệnh nhân khác là nam giới còn trẻ, luôn nghĩ mình rất đẹp trai, giàu có, tương lai sẽ thành triệu phú và thường lo sợ có người rình mò để hại. Anh này tập trung mua đủ thứ thiết bị bảo vệ gia đình. Xe máy để trong nhà cũng khóa tới... năm chiếc khóa, ba chiếc ở bánh trước, hai chiếc ở bánh sau. Rồi mua dây chằng buộc rất kỹ đồ đạc mỗi khi vắng nhà.

Mắt nhìn xa xăm

Theo bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương, Hà Nội, những biểu hiện kể trên chứng tỏ cả hai bệnh nhân đều mắc bệnh mà nghiện mua sắm chỉ là một trong những biểu hiện. Do đã có thuốc "đặc trị”, cả hai bệnh nhân hiện đều ổn định và ra viện.

Bác sĩ Thu nói hai chứng bệnh là tâm thần phân liệt và rối loạn cảm xúc lưỡng cực (đặc biệt khi bệnh nhân có hoang tưởng màu hồng, hoang tưởng tự cao, luôn nghĩ mình giàu có, đẹp trai, đẹp gái, tài giỏi không ai bằng...) thường có biểu hiện nghiện mua sắm, mua sắm cái này cái kia để chuẩn bị cho tương lai sau này giàu có.

"Chỉ nghiện mua sắm không thôi thì chưa phải là bệnh mà đó là tính cách, mặc dù tính cách này có thể khiến người có nó khánh kiệt" - ông Ngô Thanh Hồi, giám đốc Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương, nói. Theo ông Hồi, nghiện mua sắm phải kết hợp với các biểu hiện kỳ quặc như hay cười, nói một mình, mắt hay (mà hay quá mức) nhìn xa xăm như đang nghiền ngẫm điều gì, tự đánh giá cao bản thân như có tài cao, làm lãnh đạo tài giỏi hoặc nghĩ mình giàu có, luôn có người rình mò... thì mới là bệnh.

Cũng có những bệnh nhân bị chứng "ảo thị” hoặc "ảo thanh", tức luôn nhìn thấy hoặc nghe có tiếng nói trong đầu (như có người nói thật) xui khiến mua thứ này thứ kia mà không cưỡng lại được. Bệnh nhân luôn coi đó là thật, không nghĩ mình mắc bệnh.


Khó biết là bệnh

Ông Hồi nói trong thời kỳ kinh tế phát triển, nhiều người giàu có nên những chứng bệnh kiểu nghiện mua sắm này cũng tăng lên. Bệnh nhân nữ kể trên cũng là một dạng bệnh nhân như vậy: gia đình giàu có, bản thân nắm giữ tài chính trong nhà và vốn thích mua sắm. Khi tính cách đã biểu hiện như bệnh, gia đình lại thiếu quan tâm đến bệnh nhân, khiến bệnh biểu hiện thành chứng nghiện mua sắm rất nặng.

Còn bác sĩ Hồng Thu cho biết có nhiều bệnh nhân tâm thần phân liệt, rối loạn cảm xúc lưỡng cực đến bệnh viện do bị chồng đánh, do có ý đồ tự sát..., nhưng hỏi kỹ ra thì biểu hiện ban đầu là nghiện mua sắm quá mức, gia đình không biết đó là bệnh nên có mâu thuẫn, chồng đánh vợ, vợ cãi chồng, bệnh càng nặng mới được đưa vào bệnh viện.

Bác sĩ Thu cũng nói đây là bệnh nên không thể chữa bằng liệu pháp tâm lý hay đả thông tư tưởng bằng lời. Bệnh nhân cần được điều trị bằng thuốc nhằm loại bỏ động cơ thúc đẩy, ví dụ như những tiếng nói trong đầu xui khiến mua sắm, ảo giác mình tài giỏi, xinh đẹp cần mua sắm để chuẩn bị tương lai, ảo giác mình có người rình mò ám hại cần mua thiết bị bảo vệ... Nếu được chẩn đoán và điều trị, bệnh nhân có thể khỏi hoặc giảm bệnh trong thời gian rất ngắn.

Cuộc sống hiện đại gấp gáp, nhiều khó khăn cũng sẽ khiến chúng ta gặp những "xung động". Theo ông Hồi, căng thẳng trong cuộc sống sẽ khoét sâu thêm những điểm yếu trong cá tính, có thể dẫn đến các biểu hiện như hoảng sợ, lo ngại... Trong trường hợp này, nữ thường biểu hiện thành "xung động" mua sắm, còn nam giới biểu hiện thành xung động uống rượu, xung động tốc độ hoặc cờ bạc.

Theo LAN ANH
Tuổi trẻ
Chia sẻ