Khổ với bệnh… nhịn cười

Theo BaoDatViet,
Chia sẻ

Có những người gặp cảnh hài hước đến mấy cũng phải cố nhịn cười vì sợ nước tiểu vọt ra ngoài. Bệnh này gặp ở 30% phụ nữ và 10% nam giới.

Tuy nhiên vì xấu hổ, mất tự tin, nhiều người không dám nói với ai, không đi khám, khiến chứng bệnh phát nặng.
 
Đóng bỉm như con trẻ
 
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng khoa Niệu Bệnh viện FV TP HCM, són tiểu (hoặc bệnh tiểu không kiểm soát, tiểu không tự chủ) có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào. Đây không phải là dấu hiệu của tuổi già và hoàn toàn có thể chữa khỏi.
 
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh són tiểu. Ở nữ giới là do ảnh hưởng của việc mang thai, sinh con hoặc suy giảm nội tiết tố của thời kì tiền mãn kinh và mãn kinh khiến vùng chậu suy yếu, bệnh Parkinson hoặc liệt nửa người ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của bàng quang, nghỉ ngơi quá ít sau kì thai sản cũng dễ mắc chứng són tiểu.
 
Ở nam giới, nguyên nhân gây són tiểu có thể do bọng đái bất ổn định vì bế tắc đường tiểu dưới hoặc do phì đại tuyến tiền liệt. Thường chứng bệnh dễ xảy ra ở người lớn, nhưng trẻ nhỏ cũng có thể mắc. Ngoài ra, những người làm việc căng thẳng, lo âu, stress, hoạt động thể thao quá nặng cũng dễ mắc chứng són tiểu.
 
Són tiểu là bệnh có thể chữa được.
 
Do cảm thấy xấu hổ, mất tự tin, thậm chí mặc cảm không dám ra ngoài và không dám nói với ai về tình trạng rối loạn đi tiểu của mình khiến bệnh ngày càng nặng hơn. Có trường hợp nặng, người bệnh không dám cười thành tiếng, bởi mỗi khi cười, hắt hơi, thậm chí nói lớn là nước tiểu thoát ra không ngăn lại được, nên phải đóng bỉm hàng ngày như trẻ con. “Chính vì ngại đi khám nên nhiều người đến viện khi bệnh đã quá nặng, cơ quan sinh dục do ẩm ướt lâu ngày đã nhiễm trùng nghiêm trọng”, bác sĩ Tiến cho hay.
 
Khóa van rò rỉ
 
Són tiểu làm ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày, nhưng chứng bệnh này hoàn toàn có thể chữa được. Bác sĩ Nguyễn Văn Nhàn, Trưởng khoa Niệu động lực học, Bệnh viện CMUDD Grenoble (Pháp), cho hay tùy vào tình trạng bệnh, người bệnh có thể khắc phục bằng cách tập luyện theo hướng dẫn của bác sĩ, uống thuốc, chích thuốc vào bàng quang hoặc thực hiện phẫu thuật TOT (phẫu thuật đặt miếng nâng đỡ niệu đạo).
 
Theo bác sĩ Nhàn, TOT là phương pháp phẫu thuật hiện đại qua đường tự nhiên, ít xâm lấn, không đau, ít chảy máu, thời gian thực hiện nhanh nhưng rất hiệu quả trong việc điều trị són tiểu. Phương pháp này sử dụng một dải băng tổng hợp, đặt dưới niệu đạo, nhằm tạo ra điểm tựa vững chắc thay cho mô và cơ vòng đã yếu và ngăn nước tiểu rỉ ra khi gắng sức. Sau phẫu thuật, bệnh nhân chỉ nằm viện tối đa 24 giờ, thậm chí ra về ngay trong ngày và trở lại sinh hoạt bình thường. Theo thống kê, tỷ lệ thành công của phương pháp phẫu thuật này hơn 90%.
 
Còn bác sĩ Tiến khẳng định, khi phát hiện sớm, bệnh nhân không cần phải phẫu thuật can thiệp mà chỉ cần tập vật lý trị liệu. Người bệnh không phải mang gánh nặng tâm lý vì phải chịu đựng và điều trị cũng ít tốn kém hơn. Riêng với trẻ em dưới 5 tuổi, nếu mắc chứng són tiểu thì chưa thể phẫu thuật. Nguyên nhân do bàng quang chưa phát triển hoàn toàn.
 
Tuy nhiên, người lớn không nên la mắng trong trường hợp này mà nên khuyến khích cứ nửa giờ vào nhà vệ sinh cho dù cảm giác có bức bách hay không. Khi nhịp độ đó được duy trì, thời gian giữa mỗi lần vào nhà vệ sinh sẽ kéo dài hơn đến 3 - 4 giờ, mọi việc sẽ ổn định.
Chia sẻ