Đau khi đi tiểu: hậu quả của viêm nhiễm

Lê Hường,
Chia sẻ

Đau buốt khi đi tiểu có thể do những nguyên nhân đặc biệt như viêm đường tiết niệu, viêm âm đạo và nhiễm trùng bàng quang gây ra.

Viêm niệu đạo, âm đạo
 
Mấy tháng nay, chị Thu Ngọc, (29 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội), thường xuyên bị đau rát "vùng kín" sau mỗi lần đi tiểu. Triệu chứng ngứa ngáy khiến chị trở nên cau có, gắt gỏng. 
 
Những ngày gần đây, bệnh "đau buốt khi đi tiểu và ngứa" của chị dường như nặng hơn. Ngoài những triệu chứng đau buốt khi đi tiểu, ngứa ngáy "vùng kín", chị còn hay bị đau thắt bụng dưới, có những hôm đi tiểu xong chị phải ngồi trong nhà vệ sinh một hồi lâu cho giảm đau mới bước ra được. 
 
Lo lắng mình bị bệnh lý về thận, chị đi khám tiết niệu thì được bác sĩ kết luận “thận vẫn khỏe, chỉ viêm đường tiết niệu một chút”. Uống theo đơn bác sĩ kê gần nửa tháng, chị Ngọc thấy các triệu chứng trên chỉ thuyên giảm phần nào chứ không khỏi. 
 
Chị quyết định đi khám thêm cả phụ khoa thì mới biết ngoài viêm niệu đạo, chị Ngọc còn bị viêm âm đạo.
 
Theo bác sĩ Lê Thị Kim Dung, Trưởng phòng khám sản phụ khoa, Trung tâm y tế lao động Thái Hà thì hiện tượng đau buốt khi đi tiểu và ngứa ở bộ phận sinh dục phụ nữ có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra như do dùng băng vệ sinh không hợp vệ sinh, môi trường nước nhiễm bẩn, vệ sinh không đúng cách, mặc quần quá chật… 
 
Riêng đối với những người đã quan hệ tình dục thì việc vệ sinh không tốt trước khi quan hệ tình dục cũng là nguyên nhân khiến nhiều chị em có những triệu chứng viêm âm đạo, viêm niệu đạo cấp. Nếu để kéo dài, bệnh chuyển sang mạn tính và sẽ khó khăn, tốn kém hơn trong việc điều trị.

Đau khi đi tiểu: hậu quả của viêm nhiễm
Đau khi đi tiểu có thể do nhiễm trùng bàn quang hoặc viêm âm đạo gây ra. Ảnh minh họa.
 
Nhiễm trùng bàng quang
 
Tương tự chị Ngọc, những ngày gần đây chị Hạnh (ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng bị mắc tiểu mà không đi được, khi nước tiểu thoát được thì chị lại thấy đau rát và xót nơi ống dẫn tiểu. Vốn tính cẩn thận, khi có biểu hiện bất thường là chị đi khám ngay.
 
Kết quả cho thấy chị bị nhiễm trùng bàng quang, một trong những bệnh nhiễm trùng thường gặp ở chị em phụ nữ. Bác sĩ giải thích thêm, bệnh của chị do một loại vi khuẩn bám trong tử cung dần xâm lấn vào đường tiểu gây ra nhiễm trùng. Do mức độ nhiễm trùng nhẹ nên cũng dễ điều trị.
 
Có nhiều nguyên nhân gây nhiễm trùng bàng quang, thông thường nhất là do vi khuẩn di chuyển từ hậu môn sang ống niệu đạo hoặc do một loại vi khuẩn bám trong tử cung xâm lấn ống dẫn tiểu gây nhiễm trùng. 
 
Phụ nữ thường dễ mắc nhiễm trùng này hơn nam giới, có những người trong một năm bị tới vài lần. Phụ nữ đã có quan hệ tình dục càng dễ bị bệnh bởi lúc này ống tiểu bị kéo giãn ra và có nhiều điều kiện tiếp xúc với những mầm bệnh đang trú tại cửa âm đạo.
 
Nếu chị em bị stress, khả năng miễn dịch của cơ thể giảm thì nguy cơ mắc bệnh càng cao hơn.
 
Ngoài ra, việc vệ sinh "vùng kín" trước và sau khi quan hệ không đúng cách để lưu lại xà phòng hay các chất rửa phụ khoa ở "cô bé" cũng là một nguyên nhân gây bệnh.
 
Thông thường, bệnh viêm bàng quang có thể được điều trị trong vòng vài ngày, tuy nhiên nếu không chữa trị kịp thời, bệnh sẽ có những biến chứng nguy hiểm và lây sang thận.
 
Đau buốt khi đi tiểu là hiện tượng tương đối phổ biến ở cả nam và nữ, nhất là những người đã có quan hệ tình dục. Tuy nhiên, phụ nữ chiếm tỷ lệ cao hơn. Đôi khi những cơn đau đơn thuần chỉ là do bàng quang bị "chèn ép" quá mức trong khi quan hệ tình dục hoặc do dị ứng với bao cao su hay chất bôi trơn âm đạo.
 
Nhưng cũng có nhiều trường hợp, đau buốt khi đi tiểu là do các bệnh viêm niệu đạo, âm đạo, nhiễm trùng bàng quang và nguy hiểm hơn là các bệnh lây qua đường tình dục gây nên. 
 
Vì vậy, "để có những kết luận chính xác, chị em nên đến bác sĩ phụ khoa kiểm tra kỹ lưỡng, từ đó tìm ra hướng điều trị nhanh chóng và chính xác. Để bảo vệ chăm sóc sức khỏe tốt nhất chị em nên giữ vệ sinh sạch sẽ, nhất là sau khi quan hệ, đồng thời không quên khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần. Khi có những biểu hiện bất thường, chị em nên đi khám ngay để điều trị kịp thời", bác sĩ Dung đưa ra lời khuyên.
 

 
6 dấu hiệu nhận biết sớm bệnh nhiễm trùng đường tiểu

Đau khi đi tiểu: hậu quả của viêm nhiễm

Chia sẻ