Không tự pha nước muối để tránh "amip ăn não người"
Thời gian gần đây, thông tin "amip ăn não người" có trong nước muối nhỏ mũi tấn công não người gây tử vong đã khiến không ít người lo lắng.
Tối ngày 30/7/2012, anh Hữu (25 tuổi, Bình Thanh, TP HCM) được đưa đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới điều trị do nghi ngờ bệnh nhân đã nhiễm một loại amip chưa thể xác định cụ thể. Đến hôm sau, bệnh nhân nhiều lần bị ngưng tim đột ngột và tử vong.
Các bác sĩ cho biết bệnh nhân chết do “amip ăn não người” tấn công. Đây là trường hợp đầu tiên được Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới phát hiện bị nhiễm “amip ăn não người”.
“Amip ăn não người” là loài vi sinh vật đơn bào đáng sợ, có tên khoa học là Naegleria fowleri. Nó có khả năng biến hình linh hoạt nên rất khó bị tiêu diệt và thường phát triển mạnh ở những vùng nước ngọt ấm áp như: ao, hồ, sông, suối… vào mùa hè; thậm chí là hồ bơi không được vệ sinh, sát khuẩn.
Chúng xâm nhập vào cơ thể qua đường mũi, di chuyển theo các sợi thần kinh khứu giác thông qua sàn sọ để lên não. Sau đó nó sẽ bắt đầu nhân lên rồi ăn các tế bào não và giết vật chủ chỉ trong vài ngày.
Một điều nguy hiểm là vi khuẩn này có thể tồn tại trong nước muối sinh lý dùng để rửa mũi hay súc miệng. Cụ thể là, một người đàn ông 28 tuổi và một phụ nữ 51 tuổi sống tại Louisiana (Mỹ) đã tử vong vì bị nhiễm "amip ăn não người". Theo báo cáo thì cả hai đều có sử dụng nước muối để rửa xoang mũi trước đó.
Các nhà nghiên cứu tin rằng khi các nạn nhân dùng nước máy chưa qua khử trùng để tự pha dung dịch nước muối nhỏ vào mũi, đã vô tình "mở đường vô điều kiện" cho "amip ăn não người" di chuyển vào não bộ.
Điều này chứng tỏ, việc tự ý pha chế nước muối để làm vệ sinh cá nhân là rất nguy hiểm, bởi trong nước muối có thể chứa Naegleria fowleri và các loại vi khuẩn khác nếu không đảm bảo được khâu khử trùng.
Thế nhưng, việc tự ý pha chế nước muối lại là một trong những thói quen của rất nhiều người dân Việt Nam.
Nhiều người có thói quen tự pha chế nước muối để súc miệng, rửa mũi.
"Tự pha chế nước muối cực dễ"
Nếu muốn dùng nước muối cho việc vệ sinh mũi - họng thì tốt nhất bạn nên dùng nước muối sinh lý. Trong y học, nước muối sinh lý 0,9% ngoài việc dùng để cung cấp và bổ sung nước cũng như chất điện giải cho cơ thể thì còn có tác dụng sau: Dùng làm thuốc nhỏ/rửa mắt (được sản xuất dành riêng cho mắt), làm thuốc nhỏ/rửa mũi, súc miệng - họng.
Tuy nhiên, rất nhiều người dân lại cho rằng "nước muối nào chẳng như nhau, cũng là pha muối với nước mà thôi" nên đã tự pha chế nước muối và dùng ở nhà.
"Việc gì phải mua ở hàng, nước muối nào chẳng thế, cứ pha đúng tỉ lệ là thành nước muối sinh lý thôi, cực dễ", anh Ân (Tân Mai, Hà Nội) lý giải cho thói quen vẫn pha nước muối để súc miệng hàng ngày của mình.
Đúng tỉ lệ ở đây theo lời anh Ân nói tức là cứ 1 lít nước pha với 9 gam muối sạch là đã được một lượng nước muối sinh lý dùng hàng ngày.
Mặc dù biết rõ tỉ lệ chuẩn là như vậy, nhưng không ít người hoặc là lười cân, đo nên cứ áng chừng lượng muối và nước để pha với nhau, ví dụ 1 thìa cà phê muối pha với một cốc khoảng 300ml nước. Hoặc cũng có người cho rằng nước muối nồng độ càng cao thì sát khuẩn càng tốt nên pha rất mặn.
Điều này là hoàn toàn sai lầm. Nếu dùng nước muối quá mặn (đặc) để súc miệng - họng rất dễ gây tổn thương các tế bào ở miệng - họng.
Mặc dù biết tỉ lệ pha nước muối sinh lý nhưng không phải ai cũng pha đúng.
Dễ pha nước muối không có nghĩa là an toàn
Súc rửa mũi bằng nước muối để làm thông xoang và phòng bệnh mũi xoang là một phương pháp rất phổ biến ở nhiều nước Nam Á. Tuy nhiên, từ đầu tháng Tám, Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ đã cảnh báo không nên sử dụng phương pháp súc rửa mũi này bởi trong nước muối có thể chứa Naegleria fowleri (vi khuẩn được coi là "amip ăn não người") và các loại vi khuẩn khác.
Jonathan Yoder, một nhà dịch tễ học làm việc tại Trung tâm Kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, 2 bệnh nhân tử vong ở Louisiana là những trường hợp đầu tiên nhiễm Naegleria fowleri từ hệ thống nước máy sinh hoạt gia đình được cung cấp bởi nhà máy nước trực thuộc trung ương.
Nhưng tại sao việc tự ý pha nước muối bằng nước sinh hoạt của gia đình cũng nguy hiểm đến như vậy? Bởi vì, nghiên cứu của CDC cho thấy chỉ cần một lần Naegleria fowleri xâm nhập vào hệ thống ống nước thì nó có thể tồn tại lâu dài ở đó. Ngay cả khi cho muối vào nước cũng không chắc chắn loại bỏ hết vi khuẩn này nên đương nhiên, nước muối vừa pha cũng có thể đã chứa "amip ăn não".
Ngoài mối nguy hiểm từ "amip ăn não người", việc tự ý pha nước muối để nhỏ mắt, súc miệng, rửa mũi cũng không được các chuyên gia sức khỏe khuyến khích.
Các bác sĩ cho rằng nếu dùng nước muối quá đặc (mặn) để súc miệng - họng sẽ rất dễ gây tổn thương các tế bào ở miệng - họng. Nồng độ nước muối không phù hợp có thể làm tổn thương niêm mạc mũi, giảm khả năng tự miễn dịch của mũi.
Hơn nữa, nếu mũi hoàn toàn trong trạng thái bình thường, bạn không nên sử dụng nước muối để rửa mũi, họng thường xuyên vì nó sẽ vô tình làm mất đi lớp thảm nhầy bảo vệ mũi, họng vốn có, giảm chức năng bảo vệ của lớp thảm này.
Do đó, mũi lại càng dễ bị viêm và tổn thương niêm mạc hơn. Bạn có thể sử dụng nước muối sinh lý một lần mỗi tuần, đặc biệt là khi làm việc hoặc đi lại ở những vùng nhiều bụi bặm.