10 điều cần chuẩn bị trước khi làm xét nghiệm Pap Smear
Cho dù đây là lần đầu tiên làm xét nghiệm Pap Smear hay tái kiểm tra thì bạn cũng cần tuân thủ những điều sau đây trong việc chuẩn bị.
Xét nghiệm Pap Smear là một phần trong kiểm tra vùng chậu, do bác sĩ phụ khoa thực hiện. Xét nghiệm này nhằm mục đích phát hiện tế bào bất thường ở cổ tử cung của người phụ nữ để xác định xem có các tế bào tiền ung thư hay không. Cho dù đây là lần đầu tiên bạn làm xét nghiệm hay tái kiểm tra thì bạn cũng cần tuân thủ những điều sau đây trong việc chuẩn bị.
1. Đặt lịch làm xét nghiệm sau khi hết kinh nguyệt được 1 tuần là tốt nhất. Xét nghiệm này vẫn có thể được thực hiện khi bạn đang có kinh nguyệt nhưng kết quả sẽ không chính xác như sau khi kết thúc ngày có kinh.
2. Tránh thụt rửa, dùng thuốc đặt âm đạo hay chất diệt tinh trùng ít nhất 2-3 ngày trước ngày làm xét nghiệm. Các yếu tố này có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và che khuất hoặc làm trôi đi những tế bào bất thường, khiến bác sĩ phụ khoa dễ chẩn đoán nhầm.
3. Tránh quan hệ tình dục 24 giờ trước khi làm xét nghiệm vì nó có thể ảnh hưởng đến kết quả chẩn đoán.
4. Đi tiểu trước khi làm xét nghiệm. Quá trình lấy tế bào cổ tử cung có thể gây áp lực lên khung xương chậu khiến bạn có cảm giác muốn đi tiểu. Để tránh cảm giác khó chịu này, bạn nên đi tiểu trước đó.
5. Chuẩn bị các câu trả lời liên quan đến chu kì kinh nguyệt mà bác sĩ có thể sẽ hỏi bạn, bao gồm: ngày bắt đầu và kết thúc của chu kì kinh nguyệt; các triệu chứng trong ngày có kinh nguyệt; biểu hiện của dịch âm đạo; dấu hiệu đặc biệt ở khung xương chậu...
6. Mặc quần áo thoải mái để có thể cởi bỏ dễ dàng khi làm xét nghiệm. Tránh mặc quần quá chật vì trong một vài trường hợp, việc lấy tế bào xét nghiệm có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu sau đó.
7. Ghi lại/ghi nhớ những câu hỏi bạn muốn hỏi bác sĩ liên quan đến vấn đề sức khỏe của bạn. Nếu là lần đầu tiên xét nghiệm, bạn nên hỏi bác sĩ để biết rõ hơn về hình thức cũng như mục đích xét nghiệm.
8. Nói với bác sĩ về những vấn đề phụ khoa bạn đang gặp phải hoặc những điều bạn đã trải qua trong quá khứ có ảnh hưởng đến tâm lý của bạn (ví dụ như bị cưỡng bức...). Từ đó, bác sĩ sẽ biết cách điều chỉnh cho phù hợp với bạn. Bạn cũng nên nói với bác sĩ nếu có biểu hiện đau ở vùng xương chậu.
9. Hãy nói với bác sĩ nếu bạn nghi ngờ mang thai, đang mang thai, mong muốn có thai hoặc đang tránh thai... để bác sĩ biết cách xử lý thích hợp nhất.
10. Nắm được quy trình làm xét nghiệm
Sau khi đã vởi bỏ trang phục và nằm thoải mái, bác sĩ sẽ nhẹ nhàng đưa một dụng cụ gọi là mỏ vịt vào âm đạo. Dụng cụ này có thể bằng kim loại hoặc nhựa. Nó giúp giữ các thành âm đạo ngoài để bác sĩ có thể tiếp cận cổ tử cung. Mỏ vịt được bôi trơn, làm ấm bằng với nhiệt độ cơ thể để bạn dễ chịu hơn.
Sau đó các bác sĩ sẽ sử dụng một thiết bị cào trông giống như một bàn chải mềm dài để lấy mẫu tế bào cổ tử cung. Việc kiểm tra này không đau đớn nhưng bạn có thể cảm thấy một chút khó chịu và áp lực lên vùng xương chậu khi mỏ vịt được chèn vào.
Các mẫu tế bào này sau đó được đưa đến phòng thí nghiệm và có kết quả sau đó một vài ngày. Khi có kết quả, bác sĩ sẽ trao đổi với bạn và đưa ra lịch hẹn tái kiểm tra.
(Nguồn: WikiHow)