Sự thật xấu xí về lao động trẻ em đằng sau những thanh sô cô la

Lê Minh ,
Chia sẻ

Hầu hết mọi người trên thế giới đều yêu thích sô cô la. Nhưng ít ai biết rằng đằng sau sự ngọt ngào của những thanh sô cô la, là giọt mồ hôi, nước mắt của những lao động vị thành niên.

Sản xuất sô cô la từ lao động trẻ em

Một người Mỹ trung bình tiêu thụ khoảng 120 thanh sô cô la mỗi năm và ngành công nghiệp sô cô la thu về khoảng 110 tỷ đô la một năm. 

Sô cô la có nguồn gốc từ hạt ca cao, phát triển ở vùng khí hậu nhiệt đới. Khoảng 70% hạt ca cao trên thế giới đến từ những nơi như Bờ Biển Ngà hay Ghana ở Tây Phi. Điều này cũng kéo theo việc có khoảng 10 triệu người ở Tây Phi phụ thuộc vào việc canh tác ca cao như một nguồn thu nhập. 

Mặc dù thế, nông dân trồng ca cao vẫn sống trong nghèo đói, hầu hết họ đều sống ở mức dưới 2 đô la một ngày. 

Sự thật xấu xí về lao động trẻ em đằng sau những thanh sô cô la  1
Sống với mức thu nhập dưới 2 đô la một ngày, nhiều gia đình nông dân sử dụng lao động trẻ em để giảm chi phí sản xuất ca cao

Đơn giản là vì để giữ cho lợi ích khổng lồ của mình, các công ty sô cô la lớn giữ giá ca cao thấp để tăng lợi nhuận tổng thể. Do đó nông dân trồng ca cao hầu như làm mà không đủ ăn, họ thường dùng lao động trẻ em để giữ giá cạnh tranh. 

Như vậy, với thực tế nhiều thương hiệu sô cô la lớn mua ca cao từ Tây Phi, họ đang góp phần vào việc bóc lột lao động trẻ em vĩnh cửu. 

Trẻ em được mua làm nô lệ để làm việc trong các trang trại ca cao

Theo một báo cáo điều tra của BBC, có khoảng 800.000 trẻ em làm việc trong các trang trại ca cao ở Bờ Biển Ngà. “Trong những gia đình nông dân nghèo thu nhập thấp, trẻ em bị tước đi quyền đi học. Các em phải tham gia những công việc nguy hiểm như sử dụng dao phay và phun thuốc trừ sâu độc hại”.

Sự đói nghèo ở Tây Phi khiến trẻ em không còn lựa chọn nào khác là phải lao động trên những cánh đồng trồng ca cao. Tuy nhiên, không chỉ có những đứa trẻ phải giúp bố mẹ lao động kiếm tiền trên mảnh vườn nhà mình, bên cạnh đó, có hàng trăm nghìn trẻ em khác đang được mua làm nô lệ hoặc lao động cưỡng bức.

Sự thật xấu xí về lao động trẻ em đằng sau những thanh sô cô la  2
Hầu hết những trẻ em làm việc ở các trang trai ca cao ở Bờ Biển Ngà phải lao động tay chân từ 80 đến 100 giờ mỗi tuần

Ở các nước láng giềng Bờ Biển Ngà như Mali, Togo và  Burkina Faso, trẻ em đôi khi bị cha mẹ bán đi hoặcbị bắt cóc để bán làm nô lệ. Những trẻ em này sau đó được đưa vào Bờ Biển Ngà để làm việc trong các trang trại ca cao. Hầu hết các em ở độ tuổi từ 11 đến 16 tuổi và buộc phải lao động tay chân mệt mỏi từ 80 đến 100 giờ mỗi tuần. Các em không được trả lương, không được đến trường và nếu cố gắng trốn thoát, các em sẽ bị đánh đập dã man. Hầu hết các em không bao giờ nhìn thấy gia đình mình một lần nữa. 

Hãy mua một thanh sô cô la đắt hơn - nhưng không sử dụng lao động trẻ em!

Ngày nay đã có một số nỗ lực ở phạm vi toàn cầu để đảm bảo việc sản xuất ca cao có đạo đức và bền vững hơn. Nhiều công ty đã đảm bảo rằng sản phẩm của họ không góp phần vào sự đói nghèo, lao động và nô lệ trẻ em. 

Bằng cách thanh toán giá cả hợp lý cho nông dân ở những nơi như Bờ Biển Ngà, các công ty có thể giúp cộng đồng phát triển. Đổi lại, điều này góp phần xóa đói giảm nghèo và nguyên nhân gốc rễ của việc sử dụng lao động trẻ em đáng ghê tởm. 

Sự thật xấu xí về lao động trẻ em đằng sau những thanh sô cô la  3
Hãy chỉ mua những thanh sô cô la không sử dụng lao động trẻ em

Tương tự như thế, người tiêu dùng cũng có thể đóng vai trò rất lớn trong nỗ lực này. Về bản chất, nếu người tiêu dùng từ chối mua sô cô la không được sản xuất bằng chi phí hợp lý và đạo đức, các công ty không tuân thủ các quy định này sẽ buộc phải thay đổi.

Nhiều công ty hiện nay đã ghi nhãn trên sản phẩm của họ là không sử dụng lao động trẻ em, giúp người tiêu dùng nhận biết. Những sản phẩm này thường đắt tiền hơn nhưng giá trị kèm theo ấy, nghĩa là sản phẩm đảm bảo một đứa trẻ không trở thành nạn nhân của lao động cưỡng bức. 

Vẫn còn rất nhiều việc phải làm để chấm dứt lao động trẻ em trong ngành công nghiệp sô cô la. Bạn có thể bắt đầu hành động bằng cách mua những thanh sô cô la có nguồn gốc, nhưng thanh sô cô la hoàn toàn không sử dụng lao động trẻ em. 

(Theo Elitedaily) 
Chia sẻ