Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Ông Mười Kinh có nghèo hay không!?”
Cách đây một thời gian, trên nhiều trang mạng xã hội và các diễn đàn lan truyền thông tin về một cụ ông có tên gọi quen thuộc là Mười Kinh với hoàn cảnh vô cùng đáng thương khiến không ít người quan tâm và mong muốn được chia sẻ khó khăn của cụ.
Hình ảnh quen thuộc trong các bài viết chia sẻ về ông Mười Kinh.
Trong nhiều bài viết, đều nhắc đến cụ Mười Kinh với chiếc xe đạp cũ kỹ hàng ngày phải thức khuya, dậy sớm đi bán trái cây để kiếm tiền nuôi vợ bị bệnh nặng và người con trai độc nhất bị bệnh tâm thần sống ở quê trong ngôi nhà lụp xụp, cũ kỹ. Ông phải xa quê và vợ con lên Sài Gòn bán trái cây dạo để kiếm tiền dù tuổi đã cao. Đọc qua các bài viết về ông nhiều người đã không khỏi xúc động và tỏ ý muốn được giúp đỡ ông phần nào để vượt qua những vất vả trong cuộc sống.
Một thời gian sau, trên một vài diễn đàn lại đưa thông tin hoàn toàn trái ngược về hoàn cảnh sống thực sự của cụ Mười Kinh ở quê nhà Bình Dương khiến không ít người hoài nghi về sự thật đằng sau câu chuyện cảm động của cụ ông có hoàn cảnh éo le này.
Để tìm hiểu thực hư xung quanh câu chuyện của cụ Mười Kinh, chúng tôi đã lên đường tìm đến nhà ông cùng với một cán bộ quản lý của UBND xã Vĩnh Phú (huyện Thuận An, tỉnh BD) nơi ông sinh sống.
Khi dừng xe trước hai ngôi nhà khang trang có thể nói là khá giả so với những ngôi nhà khác trong cùng khu vực chúng tôi đã rất ngạc nhiên khi được giới thiệu đó là nhà của ông Mười và con trai. Tất cả đều khác hẳn với những gì được biết về một căn nhà lụp xụp, mục nát mà nhiều người vẫn nhắc đến trong các câu chuyện về ông.
Ngôi nhà khang trang của ông Mười Kinh hoàn toàn khác với miêu tả trong các bài viết đăng tải trên mạng.
Bên cạnh là nhà của con trai ông.
May mắn cho chúng tôi hôm ấy, cụ Mười Kinh có nhà. Cùng với Đại diện ban quản lý khu phố chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông để hiểu hơn về “cuộc mưu sinh vất vả” của ông.
So sánh các tình tiết trong các câu chuyện về ông Mười Kinh được đang tải trên các trang mạng xã hội, các diễn đàn có thể thấy nhiều điều hoàn toàn trái ngược. Nhà ông chỉ cách đại lộ Bình Dương vài km và hoàn toàn không phải ở vùng hẻo lánh như một số bài viết chia sẻ.
Và sự thật là ông có tất cả 5 người con (ba con trai và 2 con gái) chứ không phải chỉ có một người con trai độc nhất như mọi người vẫn nói. Ngoại trừ một người con gái bị tâm thần khá nặng thì các con ông đều có thể làm việc và tự lo cho bản thân. Con trai của ông có bị bệnh tâm thần nhưng vẫn có thể đi làm mướn cho những người khác và cũng có thu nhập. Hai người con khác của ông đã ra ở riêng. Việc chăm sóc vợ và người con gái bị bệnh tâm thần của ông đã có một người con gái của ông đảm nhận chứ không phải một mình ông phải lo tất cả.
Ngôi nhà mà ông đang ở, được người con trai xây cho ông trên diện tích đất vườn có thể nói là rất rộng của chính ông. Khi chúng tôi thắc mắc về chuyện nhiều người nói rằng ông ở trong một ngôi nhà cũ nát nhưng ngôi nhà ông đang ở lại khá khang trang, ông ậm ừ nói: “Hồi trước, căn nhà ông bà để lại cũ nát lắm, rồi bị tốc mái nên con tôi dỡ đi làm lại cho nhà này.”
Bên trong ngôi nhà với tiện nghi khá đầy đủ
Khi người đại diện Ban quản lý khu phố nói ngoài diện tích nhà và vườn hiện tại ông còn có một khu đất khá rộng đối diện nhà và một căn nhà khác ông mới mua với giá “mấy trăm triệu đồng”. Ông Mười Kinh ngập ngừng nói: “Căn nhà đấy, tôi mua cách đây một thời gian khi còn có tiền gửi ngân hàng. Định để chọn con ra ở riêng.” Khi được hỏi vì sao ông không ở nhà với các con hay buôn bán gần nhà cho tiện ông bảo rằng: “Lên sài Gòn buôn bán gì cũng nhanh hơn chứ ở đây ế ẩm lắm. Với lại đi làm chứ ở nhà trông vào đất đai từng đấy thì được bao nhiêu.”
Căn nhà và khoảng đất rộng rãi ông Mười đang ở là một phần trong diện tích đất rộng lớn mà ông đang có.
“Đất đai từng đấy” của ông theo những người dân ở đây nhẩm tính cũng xấp xỉ nửa mẫu (khoảng 5000m2). Ngoài ra, vườn nhà và khu đất đối diện của ông cũng trồng rất nhiều dừa. Với số tiền thu từ việc bán dừa cũng đủ cho ông một khản thu nhập kha khá hàng tháng để ông sinh sống.
Ai đã viết câu chuyện về ông Mười Kinh?
Ra khỏi nhà ông Mười Kinh, Đại diện ban quản lý khu phố nói với tôi rằng: “Cũng có mấy lần người ta hỏi về cuộc sống khó khăn của ông Mười nhưng thực sự ở đây ai cũng biết hoàn cảnh của ông không cực khổ như thế.”
Người dân ở đây cho biết thêm: “Đất đai ông nhiều thế, rồi dừa nhà ông bán cũng đủ sống nhưng ông vẫn ham làm. Con cái ông cũng không sống dựa vào ông chỉ là tính ông thế.” Nhiều người còn nói chắc rằng, biết ông Mười có tiền (vài tỷ) gửi ngân hàng nhưng ông cứ để đấy. Lãi ông cũng chưa lấy mấy năm nay rồi. Một vài người nói rằng: “Nhà ông Mười từ trước giờ có khổ đến thế đâu. Nhà ông ấy mà khổ thì trong vùng này khó khăn cả đấy.”
So với nhiều gia đình trong khu vực nhà ông Mười Kinh được xem là khá giả.
Chứng kiến tận mắt cuộc sống của gia đình ông Mười Kinh và những tài sản mà ông có, chúng tôi thực sự không hiểu được vì sao lại có một câu chuyện sai sự thật đến thế mà nhiều người vẫn truyền tai nhau về hoàn cảnh đáng thương của ông Mười Kinh. Câu hỏi đặt ra là những tình tiết đó phải chăng là do ông kể hay do một người nào đó biến tấu lại để thu hút sự cảm thông và chia sẻ của mọi người.
Không ít người có lòng hảo tâm sẵn sàng giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, vất vả. Nhưng không thể vì thế mà một số người cố tình dựng nên những câu chuyện sai sự thật để lừa gạt mọi người.
Ông Hòa - Trưởng ban quản lý khu phố ấp Hòa Long, xã Vĩnh Phú, huyện Thuận An, Bình Dương nơi ông Mười sinh sống cho biết: “Nhà ông Mười không khổ cực như nhiều người vẫn nói. Chỉ là ông ham làm nên như vậy thôi. Con cái ông, ngoài người con gái bị bênh tâm thần nặng phải ở nhà còn lại đều có thể lao động kiếm thu nhập được. Đất đai của ông cũng khá nhiều. Vườn nhà lại trồng nhiều dừa cho thu hoạch. Ở địa phương cũng biết ngoài diện tích nhà và đất đang có, ông Mười còn một miếng đất khá lớn ở đối diện nhà và một ngôi nhà mới mua. Còn chuyện ông có tiền gửi ngân hàng thì nhiều người có nói nhưng điều này thì chúng tôi không thể nắm được. Chúng tôi chỉ muốn cung cấp thông tin chính xác để mọi người có thể hiểu được hoàn cảnh của gia đình ông.” |