Sự thật thai phụ bị cảnh sát giao thông đánh
Theo kết quả điều tra xác minh của Công an tỉnh Bắc Giang xác định, không có việc lực lượng CSGT Công an huyện Yên Dũng sử dụng gậy chỉ huy giao thông vụt vào đầu chị Tống Thị Sen dẫn đến tai nạn giao thông, gây thương tích cho chị Sen.
Liên quan đến việc anh Nguyễn Văn Tài (sinh 1989, ở huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) phản ánh khi đi xe máy chở vợ là chị Tống Thị Sen (sinh 1990, ở huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, đang mang thai 11 tuần, không đội mũ bảo hiểm); khi đến Tỉnh lộ 398 (thuộc xã Song Khê, huyện Yên Dũng), bất ngờ 1 CSGT dùng gậy vụt thẳng vào đầu chị Sen, làm cả 2 ngã ra đường, chị Sen bị thương nặng. Sau đó, nhóm CSGT bỏ đi, không đưa nạn nhân đi cấp cứu…
Văn phòng Bộ Công an đã có công văn gửi Công an tỉnh Bắc Giang để kiểm tra, xử lý sự việc trên. Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp tiến hành điều tra, xác minh.
Theo báo cáo, thực hiện kế hoạch tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ được lãnh đạo Công an huyện Yên Dũng phê duyệt từ 7h30 phút đến 11h ngày 28/12/2012, Tổ công tác Đội CSGT trật tự và cơ động Công an huyện Yên Dũng gồm 3 đồng chí, do Trung úy Hoàng Văn Thuận là Tổ trưởng; Trung tá Nguyễn Văn Thanh, Thiếu úy Nguyễn Đức Việt là tổ viên, tiến hành tuần tra kiểm soát, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên tuyến Tỉnh lộ 398 (địa phận huyện Yên Dũng).
Khoảng 9h40 phút, khi đang tiến hành kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông đoạn Km số 18+800, địa phận thôn Thành Công, xã Tiền Phong (đường 2 chiều, có dải phân cách cứng ở giữa), Tổ công tác phát hiện xe mô tô BKS 98B1-069.56 do anh Nguyễn Văn Tài (sinh 1989, ở xã Yên Lư, huyện Yên Dũng) điều khiển, chở phía sau chị Tống Thị Sen (sinh 1990, ở xã Tiên Hưng, huyện Lục Nam) đang chạy tốc độ cao từ hướng ngã tư nơi giao nhau giữa Quốc lộ 1A với Tỉnh lộ 398 đến.
Phát hiện người ngồi trên xe mô tô không đội mũ bảo hiểm, đồng chí Nguyễn Văn Thuận đã sử dụng gậy chỉ huy giao thông thực hiện thao tác dừng xe kiểm tra. Sau khi nhận được hiệu lệnh dừng xe, anh Tài đã giảm tốc độ và điều khiển xe đi về bên phải theo hướng đi. Tuy nhiên, khi đến khoảng trống dải phân cách ở đường, anh Tài đột ngột tăng ga, phóng xe bỏ chạy. Được 1 đoạn, xe mô tô của anh Tài đã va chạm với đầu dải phân cách tiếp theo và đổ trượt trên mặt đường nhựa. Tổ công tác kịp thời đến hiện trường, cùng người dân dừng 1 xe ô tô để chở chị Sen đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang. Hiện chị Sen đã được ra viện, về gia đình tiếp tục theo dõi, điều trị tiếp.
Trong báo cáo cũng nêu rõ, về những nội dung nêu trong đơn đề nghị ngày 28/12/2012 đã gửi cơ quan Công an và phản ánh trên báo chí, làm việc với cơ quan Công an, anh Nguyễn Văn Tài khẳng định lá đơn ghi tên anh và có ký xác nhận của người làm chứng Ngô Duy Khôi không phải là của anh và anh cũng không nhờ ai viết lá đơn nêu trên. Anh Tài suy đoán, có thể người trong gia đình anh hoặc gia đình chị Sen viết, ký tên anh rồi gửi Công an huyện Yên Dũng, vì khi ở bệnh viện anh có nói chuyện về việc nhờ làm đơn.
Khi được hỏi về nội dung có hay không việc CSGT sử dụng gậy chỉ huy giao thông đánh vào đầu chị Sen, bản thân anh Tài thừa nhận là không thấy. Mặt khác, anh Tài cũng thừa nhận khi điều khiển xe mô tô cả 2 người không đội mũ bảo hiểm và việc anh không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của CSGT, điều khiển xe mô tô đi sang đường ngược chiều bỏ chạy, tự gây tai nạn khiến chị Sen bị thương. Vì nhìn thấy vết thương trên đầu chị Sen, bản thân anh Tài suy đoán, có thể do chị Sen bị CSGT sử dụng gậy chỉ huy giao thông đánh vào đầu khi anh không chấp hành hiệu lệnh dừng xe.
Khi được cho xem và hỏi về nội dung bài báo "Nghi án CSGT "ra gậy" thai phụ nguy kịch nhập viện" đăng trên một tờ báo điện tử ngày 2/1/2013, trong đó có đoạn viết "một chiến sỹ CSGT từ bên trái đường sang không ra bất cứ hiệu lệnh gì mà vung gậy vụt thẳng vào sau gáy vợ tôi...", anh Tài cho biết, trong quá trình chị Sen cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, bản thân anh có tiếp xúc và cung cấp thông tin liên quan vụ việc cho tờ báo trên. Tuy nhiên anh Tài khẳng định, anh không hề cung cấp bất cứ 1 thông tin nào về việc CSGT vung gậy vụt thẳng vào sau gáy chị Sen, việc bài báo trên trích dẫn lời anh nói như vậy là không đúng sự thật.
Làm việc với cơ quan Công an, chị Tống Thị Sen cho biết, khi đang ngồi sau xe máy một đoạn thì xe máy đi chậm lại và cảm thấy có 1 vật cứng tác động vào phía sau đầu rồi ngất lịm, không biết gì nữa, đến khi tỉnh lại thì biết mình đang cấp cứu trong bệnh viện. Quá trình điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang có tiếp xúc và cung cấp thông tin cho một tờ báo điện tử nội dung: "khi ngồi sau chồng tôi qua trạm CSGT, nhìn thấy người Công an chạy sang rồi bị đập thẳng vào sau gáy. Sau đó tôi bị ngất lịm và không thấy gì nữa".
Tuy nhiên, chị Sen khẳng định, thông tin cung cấp cho tờ báo này là do chị được nghe anh Tài và người lái xe ôm tên Khôi kể lại chứ không trực tiếp nhìn thấy. Vì khi đó, ngồi trên xe máy do đau bụng nên gục đầu vào sau lưng anh Tài, nhắm mắt, nên không quan sát cũng như để ý gì xung quanh.
Vào thời điểm xảy ra vụ việc, có các nhân chứng: Trần Văn Lương (sinh 1983, ở huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) đang điều khiển ô tô tải đi phía sau xe mô tô của anh Tài và chứng kiến từ đầu đến cuối sự việc. Anh Lương khẳng định, tận mắt quan sát thấy việc người điều khiển xe mô tô không đội mũ bảo hiểm và có hành vi không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của CSGT, mà cho xe đi sang đường ngược chiều, bỏ chạy và tự gây tai nạn. Đồng thời, không có việc CSGT dùng gậy chỉ huy giao thông đánh người dẫn đến tai nạn. Sau khi tai nạn xảy ra, anh Lương đã đỗ xe và xuống cùng CSGT và người dân dừng 1 xe ô tô chở nạn nhân đi cấp cứu.
Làm việc với nhân chứng Ngô Duy Khôi (sinh 1974, làm nghề xe ôm hoạt động tại khu vực cổng Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang) lúc đó đang điều khiển mô tô đi trên đường theo chiều từ thị trấn Neo - Yên Dũng về ngã tư Quốc lộ 1A và Tỉnh lộ 398. Anh Khôi thừa nhận, anh là người đã ký xác nhận ở mục "người làm chứng" trong lá đơn trình báo của gia đình nạn nhân với tư cách là người làm chứng trong vụ tai nạn.
Bản thân anh Khôi khẳng định, khi xảy ra sự việc trên, anh chỉ quan sát thấy tình tiết lực lượng CSGT ra tín hiệu dừng xe và tình tiết xe mô tô bị nạn chứ anh không quan sát thấy các diễn biến khác, đặc biệt là nội dung có hay không có việc CSGT dùng gậy chỉ huy đánh người. Việc không nhìn thấy tình tiết tiếp theo là do lúc đó có xe tải đi phía sau vượt lên che mất tầm nhìn, nên anh Khôi không quan sát sự việc liên tục được.
Ngoài ra, cơ quan Công an đã tiến hành xác minh, lấy lời khai lái xe ô tô chở nạn nhân đi cấp cứu và một số nhân chứng khác biết được một số tình tiết liên quan đến vụ việc. Các nhân chứng đều khẳng định, ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, Tổ CSGT làm nhiệm vụ tại đó đã chủ động dừng phương tiện để tổ chức đưa nạn nhân vụ tai nạn đi cấp cứu.
Như vậy, theo kết quả điều tra xác minh của Công an tỉnh Bắc Giang xác định, không có việc lực lượng CSGT Công an huyện Yên Dũng sử dụng gậy chỉ huy giao thông vụt vào đầu chị Tống Thị Sen dẫn đến tai nạn giao thông, gây thương tích cho chị Sen.