Sự thật hàng xách tay từ thị trường... Đông Tác
Nhiều người đã tung bán những chiếc áo, váy "made in... Đông Tác" trên các website rao vặt và cả trên mạng xã hội facebook với xuất xứ là "hàng xách tay Nhật, Hàn Quốc".
Sắm đồ hàng thùng từ lâu nay đã trở thành một thói quen của không ít chị em phụ nữ. Và hẳn không mấy ai còn lạ lẫm với cái tên Đông Tác - chợ hàng thùng nổi tiếng ở Hà Nội, nhưng không phải ai cũng có thể nhận biết và phân biệt được các món đồ ở đây khi mà chúng được rao bán trên thị trường với cái tên "hàng xách tay". Đồ hàng thùng có thể nói là khá độc và nhiều chiếc nhìn rất mới không thua kém hàng mới nhập còn nguyên tag. Chính vì đặc điểm này mà nhiều người đã tung bán những chiếc áo, váy "made in... Đông Tác" trên các web rao vặt và cả trên mạng xã hội facebook với xuất xứ là "hàng xách tay Nhật, Hàn Quốc".
Hàng "xách tay" có thể nhập từ đây.
Chỉ cần bớt chút thời gian thỉnh thoảng ngó nghiêng các hàng quần áo ở đây, làm quen với các chủ hàng, rồi "khi nào bật kiện cô alo cháu nhé" là ngay lập tức có thể tới "tuyển" ngay lượt hàng đầu tiên. Nhờ kinh nghiệm đó mà nhiều cô bạn chuyên bán hàng quần áo online cũng kiếm được kha khá từ kiểu kinh doanh này.
Những chú thích hợp lí cho "hàng xách tay"
Thường là vào dịp cuối tuần hoặc đầu mùa, Linh thường đi lượn một vòng quanh chợ nhặt nhạnh những chiếc áo, váy hình thức còn mới, kiểu dáng lạ mắt đem về bán. Do là đồ hàng thùng nên không có tem mác. Khi có khách hàng thắc mắc về chuyện này thì lời giải thích được đưa ra là "do hàng xách tay nên phải cắt mác để không bị kiểm tra, đánh thuế".
Các chủ shop nữ luôn dành thời gian lùng sục đồ độc.
Ai mua quen hàng thùng đều biết: quần áo ít nhiều đều bị nhàu do ép kiện, và khi được hỏi về điều này thì đương nhiên chủ shop cũng nói là do xếp trong vali nên nó mới bị như vậy.
Một đặc trưng nữa của đồ second-hand là mùi thuốc tẩy quần áo. Vào đợt Hà Nội đang có dịch cúm AH1N1, chúng tôi tình cờ vào topic bán hàng của Linh trên một trang web bán hàng online và thấy có comment của khách hàng thắc mắc tại sao áo lại có mùi thuốc tẩy, rất nhanh nhẹn, Linh đưa ra nguyên nhân là: "Đang có dịch cúm nên hàng hoá trước khi lên máy bay về Việt Nam đều phải qua thuốc tẩy để phòng dịch". Chính vì thế mà khách hàng dù có tinh ý đến đâu cũng bị “qua mặt”.
Cẩn thận dễ bị lừa đảo.
Hàng hiệu nên giá phải cao
Giá của một món đồ hàng thùng rẻ hơn nhiều so với hàng mới được bày bán trên thị trường. Hàng áo len thu đông chỉ tầm 80 đến 100000 cho 1 chiếc áo, thậm chí là 40 đến 50000, nhưng khi đã được giới thiệu là hàng đẹp, chất đẹp được xách tay từ nước này nước nọ về thì giá trị của nó phải gấp 4 đến 5 lần nếu giá nhập rẻ. Khi đó người phải chịu thiệt thòi là những khách hàng ưa đồ xịn, không sành sỏi, còn những người đã quá quen thuộc với đồ hàng thùng thì chỉ nhìn qua cũng có thể nói được luôn nguồn gốc, xuất xứ.
Một chiếc áo dạ hàng "xịn" của Burberry được bật kiện ở Đông Tác với hình thức có thể nói "new 95%" sẽ được chủ hàng lọc ra, dùng chiếc máy cầm tay chuyên dụng đưa qua bề mặt áo để tăng độ mới sau đó bán lại cho Linh với giá 250000. Nhưng khi nó được bày bán trên shop riêng của Linh thì chúng tôi được biết giá của nó đã là 850000. Kiểu dáng không hề nổi bật, chất liệu và màu sắc không quá đẹp vậy mà vẫn có người chấp nhận giá mua cao như vậy, chỉ đơn giản vì nó là hàng made in Korea chuẩn, cộng với sự PR khéo léo của chủ shop và độ "máu" dùng đồ hiệu của người mua.
Còn như những chiếc áo len mùa thu, chất liệu không nổi bật cho lắm nhưng qua lời giới thiệu của Linh là "chất len mịn, ôm, không rão, không xù" thì chị em sẽ rất thích thú và tin tưởng chọn mua. Nhưng với một chiếc áo len độc và lạ được giới thiệu như vậy thì giá của nó dao động từ 250 đến 350000, cực kì đắt so với giá trị đầu vào của nó vốn chỉ 100000.
Không chỉ là online...
Không những chỉ những shop online bán đồ second-hand mà các shop thời trang cũng làm như vậy. Nguồn hàng có thể do chủ shop tự tay đi chọn lựa hoặc có người quen gửi bán. N. (có mẹ bán hàng ở chợ hàng thùng) mỗi khi nhà bật kiện là lại chọn lọc một vài chiếc rồi đưa ra thị trường tiêu thụ tại các shop thời trang bằng mọi cách - ở cửa hàng của mình và cả của người quen.
Chúng tôi tới gian hàng của cô Mai xem hàng, thử đặt vấn đề rằng có ý định mua nhiều để đem về kinh doanh và muốn mua với giá rẻ hơn giá bán lẻ hiện tại, cô vui vẻ nói luôn: "Mấy đứa bán hàng quần áo trên phố hay vào lấy đồ chỗ cô về bán lắm. Hàng đẹp thế này giá nhập lại không cao, mang về dễ bán lắm, lại không sợ lỗ, 2 đứa cứ thử bán xem sao."
Đó là thực trạng đã và đang tồn tại trên thị trường hàng "xách tay" vốn rất được chị em cũng như người tiêu dùng ưa chuộng nhưng cũng đem lại không ít rủi ro. Tuy vậy không thể phủ nhận một điều là đồ second-hand cũng có những điểm khác biệt "đáng để mua" so với hàng mới. Qua đây chị em nên cẩn thận tìm hiểu kĩ lưỡng khi chọn lựa cho mình một món đồ đẹp, độc với mức giá "tương đối".