Sự thật gây sốc đằng sau cuộc hôn nhân của 14 triệu cô dâu Trung Quốc
Nhiều người đàn ông đồng tính chỉ cần cưới vợ để làm “bình phong” với gia đình, người thân mà không quan tâm đến cảm xúc của phụ nữ.
“Ít nhất 14 triệu phụ nữ tại Trung Quốc đã và đang phải chịu đựng cuộc sống gia đình giả tạo với những người đàn ông đồng tính” – Giáo sư Zhang Beichuan, cựu giảng viên trường Đại học Y Thanh Đảo, Trung Quốc, một nhà nghiên cứu tiên phong về cộng đồng LGBT tại Trung Quốc cho biết.
Tongqi là tên gọi khác dành cho những người vợ có chồng là người đồng tính tại Trung Quốc. Nhiều thập kỷ qua, cộng đồng Tongqi thường ít được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông. Truyền thống kết hôn sớm, xã hội trọng nam khinh nữ khiến những người vợ không dám chia sẻ nỗi khổ của mình. Nhưng nhiều năm trở lại đây, những người phụ nữ Tongqi đã vượt qua mọi rào cản, dũng cảm lên tiếng về hoàn cảnh éo le của mình. Nhờ đó, cộng đồng ngày càng hiểu hơn về những “tấm bình phong” trong gia đình có người đồng tính.
“Khi những Tongqi phải lên tiếng vì cuộc hôn nhau đau khổ, đó là lúc xã hội đang phát triển. Lương tâm của người phụ nữ bắt họ phải lên tiếng đòi lại quyền bình đẳng. Tinh thần và thể xác của những người vợ không thể chịu đựng được những người chồng đồng tính được nữa”. – ông Zhang nói.
Một người phụ nữ kêu gọi những Tongqi hãy đứng lên vì quyền lợi của mình.
Nhiều người phụ nữ bị chồng lừa dối để che mắt gia đình và áp lực xã hội.
Fei Yan, 41 tuổi, hiện đang sống tại Hồ Nam, Trung Quốc nói rằng việc kết hôn với một người đàn ông đồng tính là nguồn cơn khiến cuộc đời cô bế tắc.
“Trước khi anh ấy thú nhận, tôi không hề nghi ngờ điều gì bất thường trong gia đình” – Fei nói. Cả hai đã có hai con, bé lớn nhất đã 10 tuổi. Hai vợ chồng có việc làm ổn định, gia đình trung lưu, hạnh phúc.
“Tuy nhiên, khi chúng tôi ở gần nhau, anh ấy không muốn“thân mật” với tôi, dù chỉ là chạm vào người tôi. Tôi cứ nghĩ rằng tôi đã làm sai điều gì. Khi biết sự thật, tôi đã sốc. Đó là cú sốc lớn nhất trong suốt hơn chục năm chung sống” – Fei chia sẻ.
Theo điều tra của Giáo sư Zhang, Trung Quốc hiện có khoảng 20 triệu người đồng tính. 80% trong số đó kết hôn với phụ nữ để che mắt xã hội.
Chồng cũ của tôi bị gay, một cô dâu cầm bảng giữa phố với nội dung đau đớn.
“Nghiêm túc mà nói, việc lừa dối phụ nữ để có một hôn nhân giả tạo là vô đạo đức.” – Giáo sư Zhang kết luận.
Ru Meng, một người chủ nhóm Tongqi trên mạng xã hội QQ, cho biết mình đã dành hai năm nghiên cứu hôn nhân giả tạo và đưa ra kết luận có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.
Thứ nhất, đồng tính vẫn bị kỳ thị nhiều ở Trung Quốc. Vì thế, người đồng tính cần hôn nhân bình phong. Thứ hai, áp lực “hiếu thảo” khiến đàn ông bắt buộc phải có vợ, có con để làm người thừa kế cho gia đình.
Tuy nhiên, đau đớn ở chỗ, người phụ nữ rất khó thoát khỏi sự ràng buộc hôn nhân. Nhiều người đã bỏ việc để về nhà nội trợ, toàn tâm toàn ý lo cho gia đình. Toàn bộ cuộc sống phụ thuộc vào bạn đời. Khi nhận ra sự thật, họ chỉ còn cách giữ im lặng và duy trì gia đình vì con cái.
Đến bao giờ hôn nhân đồng tính được công nhận thì mới đảm bảo được quyền lợi của phụ nữ.
“Tôi không muốn con tôi lớn lên mà không có cha. Nhưng tôi cũng không muốn chúng lớn lên trong một gia đình không đúng chức năng này.” – Fei nói. Nhiều người phụ nữ cũng không đủ can đảm để ly dị chồng, một phần vì không thể và một phần vì ngại định kiến xã hội.
“Luật pháp Trung Quốc thường không có sự hỗ trợ phụ nữ khi họ ở thế bất lợi trong hôn nhân.” – Giáo sư Zhang chia sẻ.
“Thiếu giáo dục giới tính trong trường học tại Trung Quốc đã góp phần vào bi kịch của những Tongqi và thái độ thù địch của xã hội với người đồng tính.” – Giáo sư Zhang phân tích thêm. Người đồng tính cảm thấy xấu hổ khi thừa nhận giới tính thật. Họ đành chọn im lặng.
Chỉ đến khi đồng tính được xã hội chấp nhận thì hôn nhân đồng tính mới được công khai và do đó, số lượng Tongqi mới giảm bớt trong xã hội.
Nguồn: Chinadaily