Sự thật bất ngờ đằng sau câu chuyện người phụ nữ "giả vờ chết" để chiếm chỗ ngồi trên tàu đang khiến MXH dậy sóng
Để tìm hiểu rõ hơn về vụ việc, chúng tôi đã liên hệ với anh Dương Đức Lương - trưởng tàu khách (Đoàn tiếp viên đường sắt Phương Nam), người có mặt ngay tại thời điểm xảy ra vụ việc. Anh chia sẻ câu chuyện sự thật gây bất ngờ về nữ hành khách "giả vờ chết".
Mới đây, nằm trong đề tài ý thức khi đi tàu xe đã có một câu chuyện khiến cộng đồng cư dân mạng cảm thấy vô cùng phẫn nộ. Câu chuyện kể về người phụ nữ trung niên - hành khách trên chuyến tàu đi từ Hà Nội về Nha Trang giả vờ ngất xỉu để chiếm luôn ghế ngồi bên cạnh mặc cho đã có sự can thiệp của đoàn tiếp viên. Cụ thể, câu chuyện được một người dùng mạng có tên là D.N (Hà Nội) - khách nam ngồi cùng toa tàu với người phụ nữ trên chia sẻ như sau:
"Trên tàu, người phụ nữ ngồi chắn ngang, không cho người khác vào ghế bên trong. Nhân viên trên tàu gọi dậy nhưng cô ta không thưa, giả vờ chết. Nhân viên tàu xuống kiểm tra sức khỏe, đo huyết áp cho khách này thì vẫn thấy mọi thứ vẫn bình thường. Nhân viên tiếp tục bóp mồm, vạch mắt thì người phụ nữ vẫn cứ nhắm lại, giả vờ chết.
Bị 4 - 5 nhân viên tàu đưa ra khỏi ghế, khách vẫn cứ nhất quyết ôm khư khư ghế mà mắt vẫn chưa bao giờ chịu mở ra. Cả toa tàu bức xúc nhưng rồi nhân viên tàu cũng chào thua. Cuộc đời lắm con người kì diệu!''.
Ngay sau khi đăng tải được ít lâu, câu chuyện kèm một số hình ảnh chụp lại vụ việc đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của cư dân cộng đồng mạng. Tất nhiên, cũng như bao sự vụ tương tự, người phụ nữ nhân vật chính đã bị ném đá, chỉ trích vô cùng nặng nề. Thậm chí dân mạng còn tặng luôn cho cô ấy danh xưng "mẹ thiên hạ" chỉ vì cái thói xấu xí ích kỷ và kém văn minh của mình.
Ấy thể, để tìm hiểu rõ hơn về vụ việc, chúng tôi đã liên hệ với anh Dương Đức Lương - trưởng tàu khách (Đoàn tiếp viên đường sắt Phương Nam), người có mặt ngay tại thời điểm xảy ra vụ việc. Anh Lương cho biết câu chuyện đang được chia sẻ trên mạng thực chất chỉ là hiểu lầm. Cụ thể hơn, anh chia sẻ:
"Nữ hành khách trên có tên là Nguyễn Thị Lý, chị ấy đi từ Hà Nội về Nha Trang. Trên đường đi, thấy chị ấy có vẻ như gặp sự cố về sức khỏe nên tôi đã cử nhân viên y tế tới để hỗ trợ. Sau khi kiểm tra, mọi thông số về huyết áp, nhịp tim đều bình thường. Tôi đã cho gọi người nhà của chị ấy ở Nha Trang để thông báo sự việc.
Người nhà đã phản hồi là chị Lý bị bệnh, không có gì nghiêm trọng nhưng hay tái phát đột ngột làm chị ấy gần như bất động (cụ thể thế nào tôi không biết). Người nhà còn tha thiết mong chúng tôi hỗ trợ cho chị ấy về đến Nha Trang an toàn rồi họ sẽ ra đón. Thế nên tôi tiếp tục gọi anh em tổ tàu tới chăm sóc, theo dõi chị ấy.
Một số hành khách đến sau, chưa rõ câu chuyện thế nào đã vội chụp ảnh và đăng lên mạng kể xấu. Tôi thấy nhiều người mắng chị ấy quá nên rất bất bình. Sự thật đây chỉ là hiểu lầm".
Quả thật, không ai có thể phủ nhận được quyền lực của mạng xã hội ngày nay, chính xác hơn là quyền lực của cư dân cộng đồng mạng. Họ có thể tác động để phần nào giúp bài trừ các hành vi xấu xí, kém văn minh ngoài đời thực; hoặc chia sẻ thông tin hữu ích cũng như là các vụ việc nóng đến với nhiều người. Tuy nhiên, bên cạnh đó, mạng xã hội cũng tồn tại một mặt trái đáng báo động: không ít cá nhân đã lợi dụng lòng tin "vội vàng" của dân mạng để câu like, xuyên tạc, đả kích gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người khác. Vụ việc bên trên chính là minh chứng rõ nhất.
Thôi thì qua câu chuyện này, hy vọng tự mỗi người hãy là một người dùng mạng "có tâm": Trước khi đặt lòng tin vào chuyện gì đó để ném những viên gạch, hòn đá vô hình nhưng mang tính sát thương cao, phải kiểm soát, tìm hiểu thông tin cho thật kỹ, tránh bị vắt mũi, và tránh vô tình làm tổn thương người vô tội.