Sự khắc nghiệt của 1 trong những lò đào tạo bóng đá nổi tiếng nhất thế giới
'Chỉ khoảng 1% cầu thủ trưởng thành từ La Masia có cơ hội khoác áo đội 1 Barcelona', ông Miquel Puig - cựu Chủ tịch Học viện từng khẳng định. Cũng theo vị cựu Chủ tịch, được tôi luyện tại nơi này, không chỉ là vinh dự, mà còn giúp các cầu thủ trẻ mang theo một xuất phát điểm nổi trội trước khi bước ra ánh sáng.
Quá trình sàng lọc khắc nghiệt, sẽ bị thải loại nếu không phát triển chuyên môn
Năm 1979, La Masia đã chính thức trở thành lò đào tạo cầu thủ trẻ của Barcelona. Kể từ ngày bước sang thiên niên kỷ mới, nơi đây chính là hình mẫu vàng cho các học viện bóng đá trẻ trên khắp thế giới.
Tòa nhà Học viện bóng đá La Masia được khánh thành năm 2011 bao gồm trường học và nhiều cơ sở chuyên môn khác
Được biết, các tuyển trạch viên của Barca bắt đầu săn tìm những tài năng "nhí" trong vùng Catalan và cả phạm vi trên toàn thế giới từ năm 7 tuổi. Bên cạnh đó, một số cầu thủ từ 16-19 tuổi xuất sắc và phù hợp với triết lý của Học viện cũng sẽ được chọn.
Triết lý để chọn cầu thủ của La Masia bao gồm: Tình yêu với trái bóng (không quan trọng thể hình, tình yêu bóng đá là điều quan trọng nhất của mỗi cầu thủ); cảm giác bóng; khả năng giữ vị trí; khả năng đọc tình huống; khả năng ra quyết định dưới áp lực cao; khả năng gây áp lực khi không có bóng.
Do chú trọng triết lý bóng đá kỹ thuật hơn là thể hình nên các cầu thủ trẻ của Barca thường thấp bé hơn đối thủ cùng trang lứa.
Với một số vị trí sẽ có những yêu cầu riêng biệt, ví dụ như những cầu thủ chơi cánh cần phải chơi bóng được bằng cả hai chân hay các trung vệ phải có khả năng phát động tấn công.
Theo Graham Hunter, người viết cuốn sách "Barca: Điều gì làm nên đội bóng vĩ đại nhất thế giới", nếu một đứa trẻ gia nhập La Masia vào năm 10 tuổi và ra mắt đội một năm 20 tuổi. Trong khoảng thời gian đó, cậu ta phải tham gia hơn 2.300 buổi tập huấn với ít nhất 3.070 giờ đào tạo về khả năng kiểm soát bóng.
Khả năng chịu đựng áp lực cao từ các trận đấu đã được thấm nhuần vào các học viên của La Masia ngay từ nhỏ.
Nếu như ở những lò đào tạo thông thường, học viên sẽ phải bắt đầu với những bài tập vật lý nhằm gia tăng thể lực và sức bền, sau đó họ mới tập chiến thuật rồi kỹ thuật. Nhưng tại Barcelona, quá trình đó hoàn toàn ngược lại. Những cầu thủ "nhí" tại đây ngay lập tức phải tập chiến thuật, kỹ thuật và dùi mài theo năm tháng.
Đến khoảng 15, 16 tuổi mới có những bài tập bổ trợ về thể hình, sức bền và sức mạnh. Điều này lý giải tại sao Messi, Iniesta hay Xavi đều là những cầu thủ thấp bé nhưng sở hữu kỹ thuật thượng thừa và khả năng kiểm soát bóng siêu hạng.
Tuyển chọn gắt gao đầu vào, quá trình sàng lọc "hạt giống" tại lò La Masia càng khắc nghiệt không kém. Nếu một cầu thủ trẻ nào đó không tiếp tục phát triển chuyên môn, họ sẽ bị thải loại, nhường chỗ cho cầu thủ khác.
Hình ảnh Messi khi còn ở lò đào tạo La Masia
"Sản phẩm" tinh túy và vĩ đại nhất của La Masia là Lionel Messi
Tất nhiên, ngoài Messi, La Masia đã sản sinh ra rất nhiều cầu thủ xuất sắc, những người đã khẳng định vị thế và giành nhiều vinh quang về cho đội bóng cũng như bản thân.
Những cái tên làm nên thương hiệu lò La Masia
Ngoài triết lý bóng đá, La Masia còn dạy các cầu thủ về tình yêu và lòng trung thành. Chủ trương của Barca là muốn các cầu thủ trước hết cần là một con người bình thường, sau đó mới là ngôi sao bóng đá.
Nghĩa là họ muốn ngay cả khi những học viên của mình không thể đi cùng sự nghiệp cầu thủ đến hết đời thì vẫn có thể có những công việc bình thường để kiếm sống. Do đó, bên cạnh học đá bóng, các cầu thủ trẻ vẫn được học văn hóa và làm bài tập về nhà như bình thường.
Ở La Masia có một đội ngũ nhân viên đông đảo tham gia đào tạo, chăm sóc cầu thủ trẻ bao gồm huấn luyện viên, bác sỹ, chuyên gia dinh dưỡng, đầu bếp, chuyên gia tâm lý, chuyên gia vật lý trị liệu.
Số học viên ở lò đào tạo La Masia khoảng 300 đến 500 người. Các cậu bé sẽ ngủ ở ký túc xá trong học viện hoặc một số nhà xung quanh sân vận động. Tất cả các cầu thủ trong Học viện đều có học bổng và không phải đóng phí. CLB sẽ chi trả mọi chi phí sinh hoạt, thuê thầy giáo, tiền trang phục và còn có cả một khoản tiền nhỏ tiêu vặt cho các cầu thủ. Trong độ tuổi đi học, các cầu thủ đi học mọi buổi sáng, chỉ tập chuyên môn và thể lực vào buổi chiều và tối.
Khuôn viên bên trong Học viện La Masia
Barca là CLB có ngân sách dành cho đào tạo trẻ lớn nhất thế giới với 13,5 triệu bảng mỗi năm, gấp nhiều lần so với một CLB có lò đào tạo trẻ rất đình đám khác là Manchester United (4 triệu bảng).
Bên cạnh số tiền đầu tư, sự chuyên nghiệp trong mô hình đào tạo và nhất là giúp các cầu thủ thấm nhuần triết lý bóng đá mà CLB kiên trì theo đuổi, chính là chìa khóa dẫn đến thành công của La Masia.