Sự khác biệt giữa "học đại học" và "không học đại học" là gì? 5 GÓC NHÌN phũ phàng gây tranh cãi nảy lửa
Bạn đồng tình với luồng quan điểm nào sau đây?
Học đại học giờ không còn là ước mơ xa vời, thậm chí đã trở nên phổ biến. Nhưng trong thời đại ngày nay, sự khác biệt giữa "học đại học" và "không học đại học" là gì?
Mới đây, một bài viết về phân tích những khác biệt của người học và không học đại học thu hút sự chú ý và tranh luận.

Ảnh minh hoạ
Theo đó, bài viết chỉ ra 5 điểm khác biệt như sau:
Khác biệt về TẦM NHÌN
Điểm khác biệt lớn nhất giữa người học đại học và không học chính là "tầm nhìn". Sinh viên đại học tuy thiếu kinh nghiệm sống so với người đi làm sớm, nhưng nhờ kiến thức và công nghệ, họ có thể nhìn xa hơn. Thế giới quan của họ không bị bó hẹp trong không gian nhỏ bé.
Như câu nói: "Tầm nhìn quyết định tầm cao". Trong khi đó, nhiều người không học đại học thường có mối quan hệ xã hội hạn hẹp. Đến 24-25 tuổi, đa số đã lập gia đình, sinh con, gánh trên vai khoản vay mua nhà, mua xe đầy áp lực.
Khác biệt về KIẾN THỨC
Một khác biệt nữa nằm ở chiều sâu "kiến thức". Người đi làm sớm có thể giỏi giao tiếp, xây dựng mạng lưới quan hệ - họ biết cách "xoay xở".
Trong khi đó, sinh viên đại học dù thiếu kinh nghiệm sống nhưng lại có lợi thế về lý thuyết. Những lĩnh vực như Hóa học, Vật lý hay Kỹ thuật thường nằm ngoài tầm với của người không qua đào tạo bài bản.
Khác biệt về LỢI THẾ PHỎNG VẤN
Sự chênh lệch rõ rệt nhất nằm ở "lợi thế khi đi phỏng vấn". Trong xã hội hiện nay, bằng cấp thường quyết định cơ hội việc làm và mức lương. Như bức tranh dưới đây, người học đại học dựa vào tấm bằng, còn người khác dựa vào kinh nghiệm.
Nhưng với người không có bằng cấp, họ thực sự tích lũy được bao nhiêu kinh nghiệm? Những người chỉ tốt nghiệp cấp ba muốn tìm việc lương cao đều vấp phải rào cản - nhiều công ty yêu cầu tối thiểu bằng cử nhân. Khắc nghiệt ư? Có. Bất công ư? Có lẽ. Nhưng không thể phủ nhận tính hiện thực.
Khác biệt về MỐI QUAN HỆ XÃ HỘI
"Mạng lưới quan hệ" cũng tạo nên sự khác biệt. Sinh viên đại học xây dựng các mối quan hệ thông qua giảng viên, bạn bè đại học.
Trong khi đó, người không có bằng cấp thường dựa vào bạn bè, đồng nghiệp hoặc đối tác kinh doanh, tạo nên một mạng lưới rời rạc hơn. Những mối quan hệ này thường được giới thiệu qua người quen chứ không hình thành một cách tự nhiên trong môi trường học thuật hay chuyên nghiệp.
Khác biệt về XUẤT PHÁT ĐIỂM
"Vạch xuất phát" của hai nhóm người này hoàn toàn khác nhau. Vài chục năm trước, những người chăm chỉ dù không có bằng cấp vẫn có thể thăng tiến lên vị trí quản lý. Nhưng ngày nay, khoảng cách là không thể phủ nhận.
Ví dụ, kỳ thi công chức không dành cho người không có bằng đại học. Tương tự, các doanh nghiệp nhà nước và tập đoàn lớn thường yêu cầu tối thiểu bằng cử nhân. Sân chơi không còn công bằng nữa.
Tranh luận từ 2 phía
Những người theo phía "học đại học" cho rằng, người học đại học thì cách nhìn nhận thế giới và nhân sinh chắc chắn khác.
Một người nói: "Tôi từng trò chuyện với một người bạn thời nhỏ, bạn ấy không học đại học mà đi học nghề từ sớm. Nói chuyện mới thấy quan điểm và đề tài đã khác xa. (Dĩ nhiên không có ý chê bai học nghề).
Cá nhân tôi thấy sau khi học đại học, góc nhìn của tôi đa chiều hơn, hiểu biết về thế giới sâu rộng hơn, sự chấp nhận và bao dung với những quan điểm khác biệt cũng tăng lên. Dĩ nhiên không loại trừ yếu tố tuổi tác.
Thực ra, dù có học đại học hay không, chúng ta đều có thể có một cuộc sống tốt đẹp, miễn là không ngừng nỗ lực, tích lũy từ từ, trở thành người theo đuổi mục tiêu dài hạn. Dù sau này không thể gây dựng sự nghiệp vĩ đại, ít nhất cũng trở thành người có ích cho xã hội.
Về sự lựa chọn cuộc đời, thật ra không có đáp án chính xác. Cuộc đời mỗi người đều khác nhau. Trong xã hội cạnh tranh khốc liệt hiện nay, mọi người đều cố gắng vươn lên. Tôi không thể khẳng định học đại học nhất định tốt hơn không học. Nhưng tôi có thể chắc chắn một điều: Người học đại học có nhiều cơ hội hơn người từ bỏ đại học".
Dù vậy, phía người không học đại học phản biện, những luận điểm so sánh này mang tính phiến diện, vô tình củng cố định kiến xã hội. Sự thật là thành công và trí tuệ không nằm ở tấm bằng, mà ở khả năng thích ứng, tư duy phản biện và ý chí tự học – những yếu tố không trường lớp nào dạy hoàn chỉnh.
"Tầm nhìn" không phụ thuộc vào giảng đường: Nhiều người cho rằng đại học mở rộng thế giới quan, nhưng thực tế, tầm nhìn được hình thành từ trải nghiệm và sự chủ động tìm hiểu. Trong khi đó, không ít cử nhân tốt nghiệp chỉ biết học vẹt, thiếu kỹ năng thực tế.
Đại học cung cấp nền tảng lý thuyết, nhưng kỹ năng sống và nghề nghiệp thực tế lại đến từ làm việc. Nhiều người không qua đại học vẫn thành thạo ngoại ngữ, công nghệ, hay kinh doanh nhờ tự học qua Internet, học nghề, hoặc va chạm thực tế. Ngược lại, nhiều sinh viên ra trường phải đào tạo lại từ đầu vì kiến thức trên trường không áp dụng được.
Elon Musk từng nói: "Bằng đại học chỉ là chứng nhận bạn trả tiền để ngồi nghe giảng, không phải bằng chứng của năng lực". Việc coi người không học đại học là "thiệt thòi" phản ánh tư duy lạc hậu. Thay vì ép giới trẻ vào đại học, cần tôn trọng con đường tự chọn của họ.
Đại học là một lựa chọn, không phải tiêu chuẩn bắt buộc. Thước đo giá trị thực sự nằm ở đóng góp cho xã hội, khả năng giải quyết vấn đề và sự tử tế – những điều không trường lớp nào dạy đủ. Thay vì so sánh, hãy công nhận mọi con đường đều dẫn đến thành công nếu có đủ quyết tâm và sáng tạo.
Bạn nghĩ sao?