"Sống thử" với người yêu có nên rạch ròi chuyện tiền bạc?

Hoàng Thanh,
Chia sẻ

Nhiều cặp đôi yêu nhau đã lựa chọn "sống thử" để được gần gũi, cùng nhau chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống. Thế nhưng, chuyện tiền bạc giữa hai người nên xử lý thế nào cho hợp lý?

Yêu nhau suốt 2 năm, đến khi tốt nghiệp đại học thì N.V.N quyết định về sống chung với bạn gái kém mình 1 tuổi.

N.V.N chia sẻ: "Chúng em cũng muốn "sống thử" trước khi tiến đến hôn nhân vì nhiều người nói hôn nhân và khi yêu khác biệt nhau, chỉ sợ khi tiến đến hôn nhân mới phát hiện mình không hợp nhau thì đúng là không thể sửa chữa được.

Vì thế, cách đây 5 tháng chúng em quyết định dọn về sống chung với nhau. Sống chung trước hôn nhân có nhiều điều thú vị và cũng có cả lo lắng nữa. Chúng em thường rất khó nói với nhau về chuyện chi tiêu tiền bạc".

N. kể rằng khi yêu nhau, tất cả các khoản khi đi ăn uống hay đi chơi đều do N. chi tiền. Có vài lần bạn gái ngỏ ý được thanh toán nhưng N. nói mình đã đi làm rồi, có thu nhập nên sẽ chi.

"Sống thử" với người yêu có nên rạch ròi chuyện tiền bạc? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

“Sau khi về sống chung với nhau, trong khoảng 2 tháng em lo tất cả các chi tiêu như tiền ăn, tiền sinh hoạt, đi chơi... vì người yêu em vẫn là sinh viên, đi làm thêm thu nhập không đáng bao nhiêu.

Thế nhưng, sống chung và lo thêm cho 1 người nữa thực sự cũng là áp lực với người mới đi làm như em. Cũng may, người yêu em nhận ra điều đó nên có đề nghị được chia sẻ chi phí sinh hoạt cùng em vì dù sao hằng tháng cô ấy cũng có tiền sinh hoạt bố mẹ ở quê gửi cho”, N. nói.

Sống chung với nhau trước hôn nhân là một xu hướng nhưng nhiều cặp đôi còn ngần ngại vì lý do tài chính, trong đó đa số các bạn nam phải mang "gánh nặng" chi tiền.

Hồi năm thứ 2 đại học, Q.M gặp người yêu (nay đã là người yêu cũ), sau đó, cả hai quyết định thuê một phòng trọ và dọn đến ở chung.

Thời gian đầu mới dọn về, "lửa yêu" vẫn đang ngụt cháy, tật xấu của đối phương là điều dễ được bỏ qua, thậm chí còn được xem là… nét đáng yêu. Thế nhưng không lâu sau đó những mâu thuẫn dần hình thành từ chuyện nhỏ nhặt nhất như ai là người nấu nướng, ai dọn dẹp nhà cửa và ai chi tiền sinh hoạt hằng tháng...

Q.M tâm sự: "Em và bạn gái hay cãi nhau về chuyện tiền bạc, cô ấy tiêu gì cũng hoang phí trong khi mỗi tháng cô ấy chỉ bỏ ra 1 triệu mà sinh hoạt phí lên đến 4 triệu. Em bảo cô ấy cần phải tiết kiệm thì cô ấy nói em keo kiệt. Khi những mâu thuẫn tích tụ và lên đến đỉnh điểm, chúng em chọn cách chia tay.

Cho đến bây giờ, em vẫn cảm thấy thời gian "sống thử" đó là một trải nghiệm để lại nhiều bài học và phải cân nhắc kỹ khi tiến đến hôn nhân".

Chia sẻ về việc giới trẻ "sống thử" thì xử lý vấn đề tiền bạc chung thế nào, chuyên gia tâm lý Nguyễn Phương Anh (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng các bạn trẻ nên học cách thỏa thuận và rạch ròi về vấn đề tiền bạc khi sống chung, có thế thì mối quan hệ yêu đương mới được lâu bền.

“Trước khi sống thử, các bạn nam cũng cần đề cập đến vấn đề cùng bỏ tiền chi cho các khoản sinh hoạt thế nào. Đừng ngần ngại vì sau này các bạn sẽ hiểu chính ngần ngại, không nói rõ sẽ giết chết mối quan hệ yêu đương này.

Tất nhiên, cũng không cần quá chi ly theo kiểu mớ rau cũng bắt chia tiền với bạn gái. Các bạn nam có thể đề cập và hỏi bạn gái nếu sống chung thì vấn đề tài chính thế nào, sau đó có thể đề xuất giả sử như trong quá trình sống chung chi phí hết 5 triệu, bạn nam có thể bỏ ra 3 triệu, còn bạn nữ 2 triệu.

Tôi nghĩ các bạn nữ cũng sẽ cảm thấy thoải mái và đồng ý vì thực tế hiện nay nhiều cô gái trở nên độc lập, ghét dựa dẫm nên cũng không muốn mình trở thành gánh nặng của người yêu”, chuyên gia Phương Anh nói.

Cũng theo chuyên gia này thì khi quyết định sống chung, cả hai nên nói chuyện nghiêm túc về vấn đề tài chính, vạch rõ kế hoạch và dự trù chi tiêu, bởi khi sống chung sẽ có rất nhiều chi phí phát sinh mà hai bên phải chia sẻ cùng nhau.

“Tôi thấy nhiều bạn trẻ rất hiện đại, ví như bạn nữ lo tiền ăn uống, đi chợ hàng ngày thì bạn nam sẽ chi tiền thuê nhà, tiền điện nước.

Hoặc nếu dự trù chi phí sinh hoạt 1 tháng hết 6 triệu thì mỗi bên bỏ một nửa và sẽ cho số tiền ấy vào một chiếc hộp, ai tiêu gì thì lấy ra dùng, nếu hết thì hai bên lại bỏ thêm mỗi người một nửa.

Như vậy, bạn nam và bạn nữ đều sẽ thoải mái và cảm thấy mình không phải gánh nặng, không phụ thuộc vào đối phương. Hoặc hiện nay cũng có rất nhiều phần mềm quản lý những khoản chi chung, xem ai đã trả những khoản gì hay các bạn có thể ghi những khoản chi ra một quyển sổ để cả hai cùng theo dõi những khoản chi chung cho thoải mái.

Tôi khuyên là kể cả sống chung cũng nên rạch ròi chuyện tiền bạc, đừng có suy nghĩ sống chung là sẽ dựa dẫm vào đối phương vì như vậy mối quan hệ dễ nhanh chóng kết thúc”, chuyên gia Phương Anh đưa ra lời khuyên.

Chia sẻ