Sống thọ hơn đàn ông nhưng phải gánh vác việc làm mẹ khiến nhiều phụ nữ không dám nghĩ đến việc nghỉ hưu
Từ hai nguyên do bên trên, phụ nữ đã có đủ áp lực để tự nhủ bản thân phải phấn đấu làm việc được tới chừng nào hay chừng đó, kiếm tiền được nhiều chừng nào hay chừng đó chứ không dám nghĩ đến việc nghỉ hưu.
Mới đây, kết quả nghiên cứu của một tổ chức chuyên tư vấn giải pháp tại Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng trong 10 người phụ nữ thì chỉ có 6 người là có kế hoạch tiết kiệm tiền nghỉ hưu. Trong khi đó, nam giới lại nhiều hơn, cứ 4 người thì sẽ có 3 người lập kế hoạch. Quả thật, từ sự chênh lệch này, có thể thấy rằng phụ nữ ngày nay đang có xu hướng không nghĩ ngợi gì nhiều đến việc hưu trí của bản thân.
Tại sao lại như vậy? Họ không muốn nghỉ hưu để tận hưởng cuộc sống sau khi đi qua triền dốc phía bên kia cuộc đời hay sao? Câu trả lời là họ cũng muốn đấy. Họ muốn được thoải mái một chút để sống bên gia đình mình, được lãnh lương hưu hàng tháng và an nhàn sống khi về già. Tuy nhiên, muốn thì muốn nhưng họ không thể vì những áp lực vô hình. Tài chính là một trong số đó.
Hiện nay, dù các cuộc kêu gọi bình đẳng giới đã diễn ra rầm rộ, các nhà nhân quyền, phụ nữ học cũng đã nhảy vào lên tiếng. Ấy thế, phụ nữ vẫn gặp phải khá nhiều rào cản trong công việc, điều này làm ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp đến tài chính của họ. Tài chính bị ảnh hưởng, kéo theo lương hưu bị ảnh hưởng, tiền thì không có nhiều để tiết kiệm. Vậy thì việc lập kế hoạch cho thời gian nghỉ hưu kéo dài hàng chục năm hoàn toàn vô nghĩa với chị em.
Sau đây là một số trở ngại làm ảnh hưởng đến tài chính của riêng chị em phụ nữ trong việc nghỉ hưu mà cánh đàn ông không bao giờ gặp phải:
Phụ nữ mất nhiều thời gian trong việc chăm sóc gia đình
Thoạt nghe có vẻ như chẳng liên quan lắm. Nhưng sự thật là có đấy. Phụ nữ dành nhiều thời gian chăm sóc gia đình nên dù khối lượng công việc của họ ngang với đàn ông, họ vẫn làm việc không năng suất bằng. Nghĩ mà xem, đi làm về phụ nữ còn phải đến trường đón con, nấu cơm nấu nước, dọn dẹp nhà cửa,...
Họ không có nhiều thời gian để thư giãn và nghỉ ngơi thì lấy đâu ra sức để làm thật nhiều việc trong công ty nữa. Đây cũng là lý do cho việc chênh lệch lương bổng giữa phụ nữ và đàn ông.
Chưa kể, phần đông phụ nữ sẽ có ít nhất một lần mang thai trong đời. Sau thời gian thai sản quay lại công ty, sự nghiệp của họ ít nhiều cũng bị trì trệ, dậm chân tại chỗ. Thậm chí là vụt mất nhiều cơ hội thăng tiến. Và trong một vài năm đầu đời của con, phụ nữ tốn kém thời gian hơn bao giờ hết trong chăm lo cho con. Lại thêm một lần thấy thua thiệt so với cánh mày râu.
Trung tâm Luật Phụ Nữ Hoa kỳ còn gọi việc đánh đổi tài chính để dành thời gian cho con cái của phụ nữ là "hình phạt làm mẹ". Kết quả một cuộc nghiên cứu vào năm 2018 của Trung tâm này đã làm bao người kinh ngạc: Trung bình phụ nữ phải đóng phí "hình phạt làm mẹ" lên đến 16.000USD/năm (tương đương 370 triệu đồng).
Phụ nữ sống "dai" hơn đàn ông
Phụ nữ sống lâu hơn đàn ông trung bình từ 6 đến 8 năm - đây là kết quả của các cuộc nghiên cứu thuộc Tổ chức Y tế Thế giới. Với kết quả này, có vẻ nhiều chị em sẽ hả hê. Tuy nhiên, đây cũng chính là nguyên do gây áp lực khiến bao phụ nữ không dám nghĩ đến việc nghỉ hưu.
Lý do đưa ra là khi sống lâu hơn đàn ông, phụ nữ sẽ chịu chi phí chăm sóc sức khỏe nhiều hơn. Theo khảo sát của Tập đoàn tài chính đa quốc gia Fidelity Investments: một phụ nữ Mỹ nghỉ hưu ở tuổi 65 vào năm 2019 có khả năng trả khoảng 150.000 đô la chi phí chăm sóc sức khỏe trong suốt thời gian nghỉ hưu. Trong khi con số giảm xuống còn 135.000 đô la cho nam giới.
Nhìn chung con số trên chỉ đúng ở riêng Mỹ vì tại đất nước này chi phí chăm sóc sức khỏe và sử dụng dịch vụ y tế khá cao. Nhưng việc phụ nữ sống "dai" hơn đàn ông là không thể bàn cãi, sống "dai" hơn nên tốn tiền nhiều hơn trong việc thăm khám sức khỏe khi về già cũng là sự thật, dù ở bất cứ quốc gia nào đi chăng nữa.
Từ hai nguyên do bên trên, phụ nữ đã có đủ áp lực để tự nhủ bản thân phải phấn đấu làm việc được tới chừng nào hay chừng đó, kiếm tiền được nhiều chừng nào hay chừng đó chứ không dám nghĩ đến việc nghỉ hưu và lập kế hoạch tiết kiệm phòng thân khi về già.