Số tiền tiết kiệm lên đến 8,5 tỷ đồng của nhiều người bỗng biến mất sau 16 năm, một ngân hàng ở Trung Quốc nói: "Chúng tôi chỉ bồi thường 50%"
Dù tòa án ra phán quyết ngân hàng Trung Quốc phải đền bù toàn bộ gốc lẫn lãi cho các nạn nhân, họ đã kháng cáo và chỉ đồng ý bồi thường một nửa số tiền.
Năm 2008, ông Lý (Trung Quốc) được 1 người bạn tên Sinh, làm giám đốc chi nhánh Ninh Giang của một ngân hàng tại Nam Kinh, Trung Quốc, tìm đến và nhờ mở sổ tiết kiệm để người này hoàn thành chỉ tiêu công tác của năm.
Để giúp đỡ bạn mình, ông Lý không chỉ đồng ý gửi tiền của mình vào ngân hàng này mà còn kêu gọi người thân và nhiều gia đình khác cùng nhau gửi tổng cộng 1,35 triệu nhân dân tệ (khoảng 4,7 tỷ đồng). Trong những năm tiếp theo, ông Lý và người thân tiếp tục gửi tiền vào ngân hàng này.
Mỗi lần có tiền cần gửi, ông Sinh sẽ chủ động đến nhà ông Lý để lấy tiền và giúp ông hoàn thành các thủ tục cần thiết tại ngân hàng. Đến năm 2018, số tiền gốc và lãi mà họ gửi vào ngân hàng này lên đến 2,43 triệu nhân dân tệ (khoảng 8,5 tỷ đồng).
Mỗi khi tiền ông Lý gửi vào ngân hàng đáo hạn và chuyển sang kỳ hạn mới, ông Sinh luôn đưa cho ông Lý sổ tiết kiệm, biên lai và chứng từ một cách đầy đủ, nên ông Lý chưa bao giờ nghi ngờ điều gì.
Mãi đến năm 2018, khi ông Lý và người thân ra ngân hàng rút tiền, họ mới phát hiện ra rằng không thể rút được tiền. Lúc này, cả gia đình đã đi tìm ông Sinh để hỏi cho rõ sự tình. Ông Sinh giải thích rằng họ là những khách hàng lớn và được hưởng dịch vụ VIP. Nếu muốn rút tiền, họ phải làm đơn xin phê duyệt từ cấp lãnh đạo, đưa cho ông sổ tiết kiệm và ông sẽ giúp họ rút tiền. Để làm yên lòng gia đình ông Lý, trong suốt quá trình đi rút tiền, ông Sinh đã liên tục gửi tin nhắn WeChat cho ông Lý, nói rằng ông đang trên đường đến ngân hàng, vì kẹt xe nên hơi chậm, và cuối cùng còn chụp ảnh tài liệu có chữ ký của lãnh đạo để cho ông Lý xem.
Tuy nhiên, không lâu sau, ông Sinh bỗng cắt đứt liên lạc. Ông Lý linh cảm chẳng lành vội báo cảnh sát. Đến năm 2019, ông Sinh bị bắt tại Trường Châu, và ông Lý lấy lại được sổ tiết kiệm, nhưng bên trong không còn một xu nào.
Theo điều tra, ông Sinh đã lợi dụng sự tín nhiệm của gia đình ông Lý, lén sử dụng số tiền tiết kiệm trên để đầu tư mạo hiểm, cuối cùng thua lỗ sạch dẫn đến mất khả năng chi trả.
Sau đó, ông Lý và gia đình đã kiện Ngân hàng nơi ông Sinh làm việc ra tòa. Tòa án đã ra phán quyết yêu cầu ngân hàng phải bồi thường cho ông Lý và gia đình số tiền gốc và lãi tổng cộng là 2,43 triệu nhân dân tệ. Tuy nhiên, ngân hàng cho rằng ông Lý và gia đình đã không kiểm tra tài khoản thường xuyên sau khi gửi tiền, nên không đồng ý với phán quyết sơ thẩm và kháng cáo, chỉ đồng ý bồi thường một nửa số tiền.
Vụ án hiện vẫn đang được xét xử. Cũng vì sự việc này, một người cao tuổi trong gia đình ông Lý đã không chịu nổi cú sốc, lên cơn đột quỵ và qua đời. Do vậy, ông Lý và gia đình chỉ mong muốn vụ án được xử lý nhanh chóng và ngân hàng bồi thường toàn bộ thiệt hại.
Số tiền tích cóp suốt cả đời của nhiều gia đình đã biến mất chỉ trong chớp mắt. Trên mạng xã hội nước này, nhiều người cho rằng: Ông Sinh, người đã tham ô công quỹ, cần phải chịu trách nhiệm chính. Bên cạnh đó, ngân hàng không quản lý kỹ nhân viên dưới quyền để ông ta lợi dụng sơ hở cũng không thể tránh khỏi liên can.
Theo Toutiao